Vụ mất tích bí ẩn của chủ tập đoàn Phục Tinh (Fosun) mới đây đã làm sống lại nỗi lo sợ của lãnh đạo các công ty tư nhân lớn tại Trung Quốc, lâu nay vẫn ngỡ rằng được đứng ngoài các vụ điều tra tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Quách Quảng Xương (thứ hai từ phải sang), Chủ tịch tập đoàn Phục Tinh trong cuộc họp thường niên tại Thượng Hải ngày 14/12/2015. Ảnh REUTERS/Stringer
Đây cũng là ví dụ cụ thể của một hệ thống mà sự thành công trong kinh doanh và quan hệ với chính quyền là một mối liên hệ vô cùng rối rắm.
Nhà tỉ phú Quách Quảng Xương (Guo Guangchang), chủ tịch tập đoàn Phục Tinh, một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Trung Quốc, là một khuôn mặt biểu tượng cho giới doanh nhân nước này.
Cách đây một tuần, cái tin tập đoàn không liên lạc được với ông chủ tịch đã như một đòn sấm sét. Một số tờ báo nêu giả thiết ông Quách Quảng Xương đã bị bắt.
Rốt cuộc Phục Tinh loan báo ông Quách chỉ phải "hợp tác" trong một cuộc điều tra của chính quyền chứ không phải bản thân ông bị điều tra, và nhà tỉ phú đã xuất hiện trở lại trong một cuộc họp hôm thứ Hai 14/12/2015.
Nhưng sau đó ông lại biến mất. Cả Phục Tinh lẫn chính quyền đều không muốn cho biết tình hình cụ thể về Quách chủ tịch.
Mãi đến hôm nay 18/12/2015, mới có những tấm hình cho thấy có thể ông Quách Quảng Xương có mặt trong một nhà hàng ở Manhattan, New York.
Tạp chí uy tín Tài Kinh (Caijing) đăng tấm ảnh do một cư dân mạng chụp vào tối qua tại nhà hàng này, nhưng hãng tin Pháp AFP không thể kiểm tra được tính xác thực.
Theo Tài Kinh, tấm hình này chứng tỏ ông Quách không phải là đích nhắm của cuộc điều tra, vì nếu thế ông đã không được phép rời khỏi Hoa lục.
Doanh nhân nổi tiếng Quách Quảng Xương, rất mê môn Thái Cực quyền truyền thống, có tiếng là ngay thật và luôn bày tỏ sự ủng hộ nhiệt tình Đảng Cộng sản Trung Quốc. Thế nên khó thể nghĩ đến việc ông lại trở thành mục tiêu nhắm đến của tư pháp.
Bà Thái Hân Di (Kellee Tsai), chuyên gia của Hongkong University of Science and Technology vẫn thường xuyên tiếp xúc với giới doanh nhân Hoa lục nói với AFP: "Thế nên vụ này rõ ràng làm người ta hoảng sợ, vì ông Quách là một nhân vật hết sức được tôn trọng".
Các doanh nhân chịu áp lực
Đã hẳn là sự "mất tích" của các quan chức hay lãnh đạo doanh nghiệp không phải là chuyện hiếm hoi, sau đó mới thấy công an hay cơ quan chống tham nhũng đầy quyền lực của Đảng mới loan báo chính thức.
Tuy nhiên tầm cỡ của chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" do ông Tập Cận Bình đề xướng, cộng thêm cuộc tấn công rộng rãi vào khu vực tài chính trong những tháng gần đây cho thấy Bắc Kinh còn tìm cách "dọn dẹp" sau vụ sụp đổ thê thảm của thị trường chứng khoán nước này.
Các lãnh đạo những công ty chứng khoán lớn như Trung Tín (Citic Securities) bị bắt, và một lãnh đạo của Quốc Thái Quân An (Guotai Junan Securities) đã bị "mất tích" vào tháng trước.
Chuyên gia Derek Scissors của American Enterprise Institute nhấn mạnh: "Quách Quảng Xương và những người cùng địa vị không thể suy nghĩ một cách logic là họ có thể thoát khỏi các cuộc thẩm vấn của công an, liên quan đến các thông tin họ có được hay thái độ của họ".
Đảng hiện diện trong doanh nghiệp, và các nhà kinh doanh phải hết sức gắn bó với Đảng nếu muốn thành công trong các vụ làm ăn - ông Scissors giải thích.
Thế nên đôi khi "có những khuôn mặt đại gia cũng được coi ngang hàng với quan chức chính phủ", như trường hợp ông Quách Quảng Xương.
Sự "mất tích" của Quách Quảng Xương dường như đã phá vỡ thỏa thuận ngầm giữa chính quyền và các doanh nhân tham vọng, đang đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế thứ nhì thế giới.
Nhưng tại Trung Quốc, hệ thống hiện nay khiến người ta hầu như không thể nào giữ được bàn tay hoàn toàn sạch sẽ - các chuyên gia cảnh báo như thế.
Hệ thống tư pháp thiếu minh bạch
Với sức ì dai dẳng của các tập đoàn quồc doanh cồng kềnh đang thống trị nhiều mảng lớn của kỹ nghệ và của nền kinh tế, tất cả các đại công ty đều lệ thuộc một cách nguy hiểm vào quyết định của chính quyền.
"Mô hình này của Trung Quốc dựa trên sự thông đồng của giữa các quan chức và doanh nhân, dẫn đến việc các doanh nhân khó tránh khỏi bị điều tra".
Ông Hồ Tinh Đẩu (Hu Xingdou), một vị giáo sư ở Beijing Institute of Technology nhấn mạnh.
Tập đoàn Phục Tinh kiểm soát một lượng lớn địa ốc ở Thượng Hải, lãnh địa của cựu Chủ tịch nước Giang Trạch Dân, và có lẽ Tập Cận Bình đang nhắm đến những người thân tín của ông này.
Và khi ông Vương Tống Nam (Wang Zongnan), chủ nhân chuỗi siêu thị Bách Liên (Bailian) bị kết án 18 năm tù giam hồi tháng Tám vì biển thủ và tham nhũng, trong cáo trạng có nêu ra mối liên quan đến ông Quách.
Cuối cùng, sự thiếu minh bạch của hệ thống tư pháp, bị đặt dưới sự chỉ đạo của chính quyền, không giúp cho các doanh nhân an tâm chút nào.
Han Bing, một luật sư bình luận trên mạng: "Điều này cho người ta cảm giác là một khi bị chính quyền tóm lấy, thì số phận của họ đã bị định đoạt. Chiếc còng của công an đã là một bản án".
Bà Thái Hân Di nói thêm: "Các tiêu chí để mở điều tra không rõ ràng. Nếu tôi nằm trong số các tổng giám đốc, tôi sẽ tự hỏi liệu mình có được yên thân hay không, hay tên mình sẽ nằm trong danh sách đợt tới?".
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét