Ngày 21/12, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Liên Hiệp Quốc rằng Bắc Kinh muốn mời đại diện các phe phái kình chống nhau ở Syria tới Trung Quốc để hòa đàm. Sự sốt sắng của Bắc Kinh với vấn đề Syria thời gian gần đây cho thấy điều gì?
Trung Quốc tính đứng ra hòa giải cho các phe phái ở Syria |
Hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi trích lời Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tại LHQ cho biết Trung Quốc sẽ mời các thành viên của chính phủ Syria và đối lập đến thăm nước này để Bắc Kinh tìm kiếm một giải pháp giúp mang lại hòa bình cho Syria.
Hồng tiên sinh cho biết đây là một phần trong những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đóng vai trò xây dựng trong việc tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Syria. Tuy nhiên ông Hồng Lỗi không đưa ra chi tiết về lời mời này.
Trước đó, phía Trung quốc từng tiếp đón đại diện chính phủ và phe đối lập Syria nhưng tất cả đều không đại diện cho các phe phái tại Syria mà hành động của Bắc Kinh chỉ mang tính ngoại giao.
Tuy nhiên, động thái lần này có vẻ hơi khác. Có thể là Trung Quốc tính đến việc "nhúng tay" vào Syria vì nhiều lý do. Để hiểu được ý đồ này, cần phải xem thái độ của Trung Quốc với Nga trong vấn đề Syria.
Ngày 30/9/2015, Nga bắt đầu chiến dịch không kích IS tại Syria theo lời đề nghị của chính quyền Damas. Ngay khi đó, Chính quyền Trung Quốc không nói gì nhưng thông qua các báo nhà nước bắn tiếng phản đối hành động của Nga tại Syria. Nhân dân nhật báo (cơ quan đại diện của đảng Cộng sản Trung Quốc) ngày 13/10 có bài xã luận chỉ trích cả Nga lẫn Mỹ đang tái diễn xu thế đối đầu thời Chiến tranh Lạnh trong các hành động quân sự ở Syria. Tờ báo cho rằng Moskva và Washington cần nhận ra rằng thời đại đó đã qua, thay vì các biện pháp quân sự hãy xúc tiến đàm phán hòa bình.
Nhân dân nhật báo cho rằng Nga, Mỹ đang lợi dụng khủng hoảng Syria để cạnh tranh về ngoại giao và quân sự như thời Chiến tranh Lạnh. "Mỹ và Liên Xô đã từng sử dụng tất cả các hành động ngoại giao, kinh tế và quân sự trên các nước thứ 3, chơi trò ăn miếng trả miếng để tăng cường ảnh hưởng của họ, đó là một thủ đoạn cũ từ thời Chiến tranh Lạnh. Nhưng chúng ta đang ở thế kỷ 21, và mọi người cần phải hiểu điều này", Nhân Dân nhật báo bình luận.
Nhân Dân nhật báo nói rằng không nước nào nên biến cuộc nội chiến Syria thành chiến tranh ủy nhiệm, không nên trì hoãn các nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình, chính trị cho khủng hoảng Syria.
Ngay trước bài xã luận trên Nhân dân nhật báo, hôm 11/10, trong cuộc gặp với bà Bouthaina Shaaban, trợ lý cấp cao Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng, Trung Quốc "phản đối can thiệp dễ dãi vào vấn đề nội bộ của các nước khác". Ông Vương cho biết thêm: "Số phận Syria nên do người dân Syria định đoạt".
Theo ông Vương, các bên cần nỗ lực hơn nữa để tìm một giải pháp chính trị. Ông không nhắc đến chiến dịch không kích của Nga ở Syria hay Tổng thống al-Assad.
Trước đó ngày 6/10, Báo Độc lập (Nga) đăng bài viết của chuyên gia bình luận chính trị Vladimir Skosyrev với tiêu đề “Trung Quốc đang tăng cường quan hệ với Mỹ” và trích lời dẫn của tác giả “Bắc Kinh không ủng hộ Moskva hỗ trợ quân sự Damas”.
Tuy nhiên, ngày 4/12 vừa qua (tức là 65 ngày sau khi Nga tiến hành chiến dịch không kích IS tại Syria), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố chiến dịch chống khủng bố của Nga ở Syria là phù hợp với luật pháp quốc tế và Bắc Kinh luôn ủng hộ điều đó.
"Chúng tôi tin tưởng rằng quan điểm của chúng tôi trùng hợp với quan điểm của Nga, Tổng thống Putin cũng kêu gọi thành lập một mặt trận chung chống khủng bố dưới sự bảo trợ của LHQ. Quan điểm của Trung Quốc về vấn đề chống khủng bố nhất quán và rõ ràng. Chúng tôi phản đối mọi hình thức của chủ nghĩa khủng bố, phản đối việc sử dụng các tiêu chuẩn kép trong vấn đề này. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng cộng đồng quốc tế cần thực hiện theo các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc”- bà Hoa Xuân Oánh nói.
Tuyên bố bất ngờ ủng hộ Nga của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Pháp, Anh và Đức được quốc hội cho phép quân đội các nước này tham gia không kích IS tại Syria.
Theo giới quan sát, Chính quyền Bắc Kinh đang nhận thấy rằng nước này dường như không thể đứng ngoài cuộc chiến chống IS, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc cũng muốn tăng cường ảnh hưởng trên trường quốc tế và cụ thể là cũng muốn “được chia phần” ở Trung Đông.
Nga là cửa ngõ để Trung Quốc tiến vào Syria mà không sợ bị mất mặt bởi lẽ dù sao Trung Quốc cũng không thể tự mình tham chiến hay gia nhập liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu.
Với việc tuyên bố ủng hộ Nga, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc trong thời gian tới có thể cũng sẽ gửi máy bay sang Syria không kích IS.
Còn một lý do khác khiến Trung Quốc muốn can thiệp vào Syria, đó là Bắc Kinh muốn đảm bảo nguồn cung dầu mỏ từ Trung Đông. Trước đây, dù phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung cấp dầu ở Trung Đông, nhưng Trung Quốc dường như để vấn đề ngoại giao Trung Đông cho các thành viên khác của hội đồng bảo an bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, và Nga. Nhưng nay, vì những lý do kể trên, Trung Quốc đang tính tới phần của mình tại Trung Đông.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc Trung Quốc chen chân vào được vấn đề Syria không phải dễ, nhất là khi Nga đang thắng thế. Vả lại, chính quyền Assad và phe đối lập ở Syria cũng không mấy tin tưởng vào khả năng giải quyết các vấn đề quốc tế của Bắc Kinh.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét