Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Báo Mỹ: Washington sẽ trừng phạt Trung Quốc vì tấn công mạng

Tờ Washington Post ngày 30/8 cho biết chính quyền Tổng thống Obama đang soạn thảo một gói các biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có tiền lệ, nhắm vào các công ty và cá nhân Trung Quốc, trục lời từ hoạt động đánh cắp bí mật thương mại từ Mỹ.

china-cyber-unit-1440993904107
Tòa nhà của một đơn vị quân đội Trung Quốc tại Thượng Hải, nơi từng bị công ty an ninh mạng Mỹ cáo buộc là địa chỉ thực hiện các vụ tấn công qua mạng nhắm vào Mỹ (Ảnh: AFP)
Theo tờ báo này, đây sẽ là những biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ, nhằm đáp trả việc Bắc Kinh thực hiện các vụ tấn công qua mạng để đánh cắp bí mật thương mại của Mỹ, giúp công ty Trung Quốc hưởng lợi.
Hiện giới chức Mỹ chưa quyết định liệu có công bố các biện pháp trừng phạt này hay không, nhưng quyết định cuối cùng dự kiến sẽ sớm được đưa ra, có lẽ là “trong vòng 2 tuần tới”, một số quan chức giấu tên khẳng định vớiWashington Post.
Việc ban bố các biện pháp trừng phạt sẽ cho thấy sự mở rộng đáng kể các phản ứng công khai của Washington trước làn sóng ngày một lớn các vụ tấn công qua mạng vì mục đích gián điệp kinh tế do tin tặc Trung Quốc thực hiện, bài báo nhận định.
Giới chức Mỹ khẳng định tin tặc Trung Quốc đã đánh cắp nhiều loại thông tin, từ bản thiết kế nhà máy điện hạt nhân tới mã nguồn của các chương trình tìm kiếm, và thông tin mật về quan điểm trong đàm phán của các công ty năng lượng Mỹ.
Thông tin trên xuất hiện vào đúng thời điểm đặc biệt nhạy cảm với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, khi Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ lần đầu có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ trong tháng 9.
Hai nước hiện đã bất đồng trong một loạt vấn đề, trong đó có những va chạm trên biển tại Biển Đông và nỗ lực của Trung Quốc hòng phá giá đồng nhân dân tệ, trong bối cảnh thị trường chứng khoán nước này lao dốc.
Nhưng khả năng các lệnh trừng phạt được ban bố gần kề với chuyến thăm Mỹ của ông Tập cho thấy giới chức Washington đang giận dữ ra sao trước các vụ đánh cắp thông tin qua mạng dai dẳng, bài báo nhận định.
Nếu các lệnh trừng phạt được ban bố, đây sẽ là lần đầu tiên một chỉ thị được Tổng thống Obama ký ban hành hồi tháng 4 được áp dụng, vốn cho phép đóng băng tài sản tài chính và các bất động sản, ngăn chặn các giao dịch thương mại với các cá nhân và tổ chức nước ngoài dính líu đến các vụ tấn công phá hoại hoặc gián điệp kinh tế thông qua mạng máy tính.
Nhà Trắng hiện từ chối bình luận về các biện pháp trừng phạt cụ thể, nhưng một quan chức cấp cao tiết lộ: “Như tổng thống đã nói khi ký ban hành chỉ thị cho phép sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại những kẻ hành động nguy hiểm qua mạng, chính quyền đang theo đuổi một chiến lược toàn diện để đối phó với những kẻ như vậy.
Chiến lược đó bao gồm các biện pháp ngoại giao, công cụ chính sách thương mại, các cơ chế thực thi pháp luật, và áp đặt trừng phạt các cá nhân và tổ chức tham gia vào những hoạt động nguy hại lớn, được thực hiện qua không gian mạng”.
Theo các quan chức Mỹ, Trung Quốc không phải nước duy nhất tiến hành tấn công các mạng máy tính để chiếm đoạt bí mật thương mại và hỗ trợ nền kinh tế nước mình, nhưng là nước tích cực nhất. Theo báo cáo của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) hồi tháng trước, các vụ gián điệp kinh tế đã tăng 53% trong năm qua, và Trung Quốc đứng đằng sau hầu hết các vụ việc.
“Các lệnh cấm vận sẽ phát đi hai thông điệp”, một nguồn tin khác trong chính phủ Mỹ được Washington Post trích dẫn. “Nó sẽ là tín hiệu gửi tới Bắc Kinh rằng chính phủ Mỹ sẽ bắt đầu đáp trả hoạt động gián điệp kinh tế. Đồng thời nó là tín hiệu gửi tới khu vực tư nhân rằng chúng tôi sát cánh cùng họ. Nó sẽ khẳng định với Trung Quốc rằng chúng ta không thể chịu đựng thêm”.

Ứng viên tổng thống Mỹ bất ngờ công kích Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Ngay trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Washington vào tháng 9 này, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa (Mỹ) Marco Rubio mạnh mẽ cáo buộc ông Tập ra sức phá hoại các lợi ích của Mỹ, đẩy cường quốc số 1 thế giới khỏi châu Á.

ung vien tt my bat ngo cong kich chu tich tq tap can binh - 1
Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa (Mỹ) Marco Rubio.
Ông Marco Rubio, một nghị sĩ Florida tại Ủy ban quan hệ đối ngoại của Thượng viện Mỹ ngày 28.8 bất ngờ nhắm đích danh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để công kích khi ông này tuyên bố "Trung Quốc đem đến cả cơ hội lẫn thách thức" cho nước Mỹ.
"Tập Cận Bình đang cố thuyết phục 1,3 triệu dân Trung Quốc rằng, cách để tìm lại sự vĩ đại của Trung Quốc là phá hoại Mỹ. Ảnh hưởng của Trung Quốc được củng cố và gia tăng từ những tổn hại của chúng ta", ông Rubio nhấn mạnh.
"Dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch loại bỏ Mỹ ra khỏi châu Á. Trung Quốc đang nỗ lực ngăn cản Mỹ tham gia vào các vấn đề trong khu vực. Trong ngắn hạn, Trung Quốc sẽ làm mọi cách để biến thế kỷ 21 trở thành Thế kỷ của Trung Quốc", ứng viên tổng thống Mỹ tuyên bố thêm.
ung vien tt my bat ngo cong kich chu tich tq tap can binh - 2
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Theo ông Rubio, ông Tập đang tìm mọi cách để khẳng định quyền kiểm soát của Trung Quốc tại Biển Đông và Hoa Đông - hai tuyến đường biển quan trọng bậc nhất thế giới với 1/2 tổng giá trị thương mại toàn cầu lưu thông qua đây mỗi ngày.
Ngoài ông Rubio, một ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2016 khác là Thống đốc Wisconsin Scott Walker gần đây cũng "công kích" Chủ tịch Trung Quốc khi kêu gọi Tổng thống Barack Obama hủy bỏ bữa tiệc tối cấp nhà nước với ông Tập khi ông tới thăm Mỹ.
Việc ứng viên tổng thống Mỹ "chĩa mũi dùi" công kích Chủ tịch Trung Quốc xảy ra trong bối cảnh nhạy cảm khi ông Tập dự định công du chính thức tới Washington vào tháng 9 này dù hai bên chưa thông báo ngày cụ thể.
Truyền thông Mỹ đưa tin, nhiều chính khách nước này đã lên tiếng kêu gọi Nhà Trắng hủy bỏ chuyến thăm sắp tới của ông Tập trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đang khá phức tạp với nhiều vấn đề bất đồng sâu sắc.
Những vấn đề đó bao gồm các hành động bồi đắp đất, xây đảo nhân tao trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông, gián điệp mạng hay việc Bắc Kinh phá giá đồng nhân dân tệ hồi giữa tháng 8...
Tờ The Hill dẫn lời Thống đốc Wisconsin  Scott Walker tuyên bố: “Trước tình trạng Trung Quốc tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào Mỹ, quân sự hóa Biển Đông và nhà nước liên tục can thiệp vào nền kinh tế… Tổng thống Obama cần hủy chuyến thăm”.
Về phần Bắc Kinh, ông Zhu Haiquan, một phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington đáp trả bằng việc yêu cầu tất cả các chính trị gia Mỹ cần tôn trọng cam kết không đứng về bên nào trong các vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông và Hoa Đông đồng thời kiềm chế không đưa ra những lời buộc tội vô căn cứ nào nhắm vào Bắc Kinh.

Trung Quốc sẽ bớt hung hăng trên Biển Đông khi kinh tế suy yếu?

Kinh tế Trung Quốc suy yếu sẽ khiến cho nước này không còn là mối đe dọa như khi họ còn mạnh mẽ. Thậm chí, sự sụp đổ của kinh tế Trung Quốc được hi vọng có thể sẽ “cứu” cả Biển Đông?

trung-quoc-se-bot-hung-hang-tren-bien-dong-khi-kinh-te-suy-yeu
Trung Quốc sẽ bớt hung hăng trên Biển Đông khi kinh tế sụp đổ?
Đó là nhận định của giáo sư người Mỹ gốc Hoa Bùi Mẫn Hân - hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược Keck thuộc Học viện Claremont McKenna, đồng thời là cựu chuyên gia cao cấp của Chương trình châu Á tại Quỹ vì hòa bình quốc tế Carnegie, trên tờ National Interest (Lợi ích quốc gia).
Theo Giáo sư họ Bùi, cách đây không lâu, đã có những dự báo triển vọng hấp dẫn, cũng như những thách thức và rủi ro của nền kinh tế Trung Quốc. Bất chấp tăng trưởng qua các năm không cân bằng, nhưng Bắc Kinh vẫn cố gắng dựa vào đầu tư để tăng sức mạnh, cũng như giữ nhịp độ tăng trưởng cao cho nền kinh tế. May mắn là cơn sốt tăng trưởng tín dụng từ năm 2009 mặc dù đã khiến tỉ lệ nợ của nước này trên GDP lên đến gần 300% - mức độ nguy hiểm đối với một nước có thu nhập trên trung bình, nhưng đã không gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính ở Trung Quốc. Bong bóng bất động sản có lẽ là lớn nhất thế giới đã hình thành nhưng mới chỉ bị rò rỉ chứ chưa sụp đổ hoàn toàn.
Sự tăng trưởng kinh tế may mắn này đã khuyến khích Bắc Kinh theo đuổi một chính sách đối ngoại đầy tham vọng nhưng cũng rủi ro nhất trong vài năm qua.
Nhiều thành viên trong giới tinh hoa Trung Quốc đã hả hê xem sự suy giảm của Hoa Kỳ và các nước phương Tây là không thể đảo ngược và sự trỗi dậy của Trung Quốc là tất yếu không gì cản nổi. Chính sự kiêu căng, ngạo mạn này đã dẫn đến việc Bắc Kinh theo đuổi các chính sách kinh tế và an ninh mà chắc chắn sẽ lần lượt “chôn” các di sản của Đặng Tiểu Bình xuống mồ sâu.
Thay vì duy trì cách tiếp cận “giấu mình, chờ thời”, Bắc Kinh đã mở rộng rất nhiều cam kết kinh tế ở nước ngoài và bắt đầu công khai thách thức trật tự an ninh do Mỹ dẫn dầu ở khu vực Đông Nam Á.
Về mặt kinh tế, Trung Quốc đã cam kết góp vốn hơn 100 tỉ USD cho Ngân hàng Hạ tầng châu Á (AIIB), Ngân hàng Phát triển mới và Quỹ Con đường Tơ lụa mới, một loạt tổ chức tài chính và các cơ cấu được thiết kế để bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài, tích cực cạnh tranh với các định chế tài chính quốc tế hiện có như Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới.
Trong thế giới đang phát triển, Trung Quốc cũng đặt cược nhiều vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn. Ở Mỹ Latinh, Trung Quốc đã cho vay gần 120 tỉ USD từ năm 2005. Tại châu Phi, Trung Quốc đầu tư và cho vay ước tính vượt trên 100 tỉ USD.
Đối mặt với một đối thủ “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, nắm trong tay 4 nghìn tỉ USD dự trữ ngoại tệ như Trung Quốc, tất cả những gì phương Tây có thể làm là lo ngại, dè chừng và công khai phàn nàn về sự phá hủy môi trường cũng như vi phạm nhân quyền mà Trung Quốc gây ra khi hoạt động đầu tư ở nước ngoài.
Bước đi táo bạo nhất mà Trung Quốc đã thực hiện ở thời điểm họ có sức mạnh kinh tế rõ ràng và không thể nghi ngờ chính là cách tiếp đối với với các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông - một trong những tuyến giao thương, hàng hải huyết mạch của cả khu vực và thế giới.
Trong khi các thế hệ lãnh đạo trước của Bắc Kinh cố tình gác lại các tranh chấp khó khăn và tiềm ẩn nguy hiểm ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông và ở Biển Đông, thì những người kế nhiệm họ hiện nay ở Trung Nam Hải lại có cách tiếp cận đối đầu nhiều hơn với niềm tin rằng, với sức mạnh phát triển nhanh chóng về kinh tế và quân sự, Trung Quốc không cần phải tôn trọng lợi ích và sự nhạy cảm của Hoa Kỳ cùng đồng minh, đối tác trong khu vực.
Kết quả là, trong 2 năm qua, Trung Quốc đã bành trướng và đẩy căng thẳng leo thang khi đơn phương áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản và bồi đắp, xây dựng một loạt đảo nhân tạo với quy mô lớn và tốc độ chưa từng có ở các vùng biển tranh chấp tại Biển Đông.
Tin xấu từ nền kinh tế Trung Quốc khiến các nhà đầu tư phản ứng bằng cách tháo chạy. (Ảnh: FT)
Bây giờ động lực của nền kinh tế Trung Quốc cuối cùng cũng dừng lại và điểm yếu của nó đã bộc lộ có thể thấy rõ, câu hỏi rõ ràng đặt ra là liệu Bắc Kinh còn có thể tiếp tục duy trì chính sách đối ngoại diều hâu của mình hay không.
Căn cứ vào những hành vi của Trung Quốc trong quá khứ và những hạn chế cứng hiện tại, có vẻ như nếu có bất kỳ điều gì tích cực xuất hiện trong nền kinh tế Trung Quốc thì đó sẽ là một chính sách ngoại giao bớt hung hăng hơn.
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã lựa chọn chính sách đối ngoại mang lại những rủi ro lớn, trong khi chủ nghĩa thực dụng và thận trọng lại là cách làm việc của những người tiền nhiệm thời hậu Mao Trạch Đông.
Ba người tiền nhiệm của ông Tập là các ông Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào – tất cả đều nhận thức rất rõ sự chênh lệch về quyền lực giữa Trung Quốc và phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ.
Do đó, họ đều có những nhượng bộ chính sách đối ngoại đáng kể khi kinh tế Trung Quốc yếu kém. Ví dụ, Đặng Tiểu Bình đã không để vấn đề Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan ảnh hưởng đến quan hệ thương mại Mỹ - Trung, còn Giang Trạch Dân kiềm chế rất lớn trong vấn đề Đài Loan cuối những năm 1990 để đổi lấy sự ủng hộ của Hoa Kỳ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO.
Nếu tăng trưởng của Trung Quốc trong ngắn hạn đòi hỏi phải tăng cường xuất khẩu nhiều hơn vào các nước phương Tây, thì thật không thể tưởng tượng rằng Bắc Kinh có thể thành công trong nhiệm vụ này khi mà vẫn tiếp tục chính sách cứng rắn, hung hăng ở Biển Đông.
Đồng thời, sự suy giảm kinh tế trong nước cũng sẽ hạn chế đáng kể năng lực tài trợ của Bắc Kinh đối với các dự án kinh tế siêu “khủng” nhưng đầy rủi ro ở bên ngoài biên giới. Nguy cơ vỡ nợ được dự đoán trong những năm tới sẽ khiến Trung Quốc lúng túng và là bài kiểm tra xem Bắc Kinh có thể tiếp tục “rót tiền vào hang thỏ” đến bao giờ.
Quan trọng nhất, việc kinh tế tiếp tục suy yếu sẽ đòi hỏi Trung Quốc phải bố trí lại các nguồn lực tài chính hạn chế của mình để duy trì tăng trưởng Trung Quốc. Và khi đó, ông Tập sẽ buộc phải lựa chọn sự tồn tại của chế độ hay những vinh quang, hào nhoáng bên ngoài.

Trung Quốc thử tên lửa chống hạm siêu âm trên biển Hoa Đông

Trang mạng China News Service của Trung Quốc đưa tin, quân đội nước này vừa thử nghiệm tên lửa chống hạm siêu âm Sunburn ở khu vực tranh chấp trên biển Hoa Đông...

... Động thái này nhằm thể hiện phản ứng đối với việc Nhật Bản hạ thủy tàu sân bay lớp Izumo thứ 2.
trung-quoc-thu-ten-lua-chong-ham-sieu-am-tren-bien-hoa-dong
Tàu khu trục Phúc Châu lớp Sovremennyy của Hải quân Trung Quốc
Theo đó, vụ thử tên lửa Sunburn nằm trong khuôn khổ cuộc tập trận hải quân quy mô lớn với hơn 100 tàu chiến từ hạm đội Nam Hải, Đông Hải và Bắc Hải. Đặc biệt cuộc tập trận còn có sự tham gia của tàu khu trục lớp Sovremennyy do Nga sản xuất.
Được biết, tàu khu trục lớp Sovremennyy thứ 2 mang tên Phúc Châu của Trung Quốc chịu trách nhiệm phóng thử tên lửa siêu âm Sunburn. Loại tên lửa này được Nga phát triển với nhiệm vụ đánh chìm các tàu sân bay, có tầm tấn công lên tới 120km và có thể bay gần mặt nước.
Hải quân Trung Quốc hiện có trong biên chế 4 tàu khu khục lớp Sovremennyy.
Không chỉ thể hiện sự phản ứng với Nhật Bản, cuộc tập trận này còn là cơ hội tốt để Không quân và Hải quân Trung Quốc tiến hành các bài tập phối hợp tác chiến giữa máy bay và tàu ngầm trong môi trường gần giống với thực chiến.
Đây cũng là cuộc tập trận quy mô lớn thứ 3 mà Hải quân Trung Quốc thực hiện trong vòng 2 tháng trở lại đây. Một số vũ khí - khí tài quân sự được sử dụng trong đợt tập trận này có thể xuất hiện trong lễ duyệt binh kỉ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II tại thủ đô Bắc Kinh vào ngày 3/9 tới.

Trung Quốc muốn phát đi thông điệp gì từ cuộc duyệt binh

Thế giới dự kiến đổ dồn chú ý về lễ duyệt binh của Trung Quốc, sự kiện nước này thông qua đó có thể để phô diễn sức mạnh, tiếp thị vũ khí mới, đồng thời củng cố quyền lực của ông Tập.
2-2239-1440986614.jpg
Trung Quốc sẽ giới thiệu nhiều loại vũ khí mới "chưa từng xuất hiện" tại lễ duyệt binh. Ảnh: CNN
Duyện binh là một nghi lễ để kỷ niệm sự kiện lịch sử lớn. Tuy nhiên, hoạt động này không chỉ để nhớ đến quá khứ mà còn để hướng đến tương lai. Duyệt binh có thể ẩn chứa ý nghĩa ngoại giao, chính trị và tuyên truyền.
Đó là lý do vì sao thế giới theo dõi sát sao thông điệp mà Trung Quốc đưa ra qua cuộc duyệt binh lớn ở Thiên An Môn, kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế Chiến II ở châu Á ngày 3/9.
Phô diễn sức mạnh
Trung Quốc sẽ giới thiệu những loại vũ khí công nghệ cao mới nhất của họ trong lễ duyệt binh lần này, từ tên lửa đạn đạo cho tới các loại chiến đấu cơ trên tàu sân bay. Các chuyên gia phân tích cho rằng đây vừa là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang ngày càng tự tin vào sức mạnh quân sự của mình, vừa là cơ hội để họ tiếp thị và bán vũ khí, Reuters ngày 28/8 nhận định.
Qu Rui, phó trưởng ban tổ chức lễ duyệt binh, cho biết tất cả vũ khí, khí tài tham gia sự kiện này đều do Trung Quốc sản xuất, trong đó có tới 84% được "trình làng" lần đầu tiên. "Chúng thể hiện bước phát triển mới, thành tựu mới và hình ảnh mới của việc xây dựng lực lượng vũ trang Trung Quốc", Qu nhấn mạnh.
Xinhua cho hay trong lễ duyệt binh, hải quân Trung Quốc sẽ giới thiệu các loại tên lửa chống hạm, hải đối không mới nhất và chiến đấu cơ trên tàu sân bay J-15 của họ, trong khi không quân sẽ đưa tới Bắc Kinh những chiếc máy bay ném bom tầm xa, chiến đấu cơ và máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm đường không (AEWC).
Ngoài ra, góp mặt vào lễ duyệt binh còn có các loại trực thăng vũ trang mới nhất, xe tăng chiến đấu chủ lực và tên lửa đạn đạo chiến lược và tầm trung thuộc Quân đoàn Pháo binh Số Hai. Quân đoàn tên lửa chiến lược này của Trung Quốc sẽ giới thiệu 7 loại tên lửa hạt nhân và thông thường khác nhau, trong đó có tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn DF-26, tầm bắn 4.000 km, có thể vươn tới tận đảo Guam của Mỹ hoặc lãnh thổ Australia. "Quy mô cũng như số lượng tên lửa sẽ vượt qua bất cứ cuộc trình diễn nào trước đây", một nguồn tin quân sự tiết lộ.
Trong một cuộc tổng duyệt mới đây, người dân Bắc Kinh đã chứng kiến những đội hình trực thăng vũ trang bay rợp trời, và những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực rầm rập chạy qua đường phố thủ đô. Ông Qu cho hay đây là đợt phô diễn vũ khí lớn nhất của Trung Quốc từ trước tới nay, với sự tham gia của 12.000 binh sĩ thuộc các quân binh chủng, cùng 500 vũ khí, khí tài và gần 200 máy bay quân sự.
1-6132-1440986614.jpg
Trung Quốc luyện tập bắn đại bác cho lễ duyệt binh. Ảnh: Reuters
People's Daily ngày 25/8 dẫn lời ông Qu khẳng định, cuộc duyệt binh nhằm "ghi nhớ lịch sử, tưởng nhớ những anh hùng cách mạng đã hy sinh, gìn giữ hòa bình và dẫn lối vào tương lai", mà không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào.
Tuy nhiên, Xinhua cùng ngày dẫn lời ông Ge Lide, chuyên gia về khí tài quân sự tại Đại học quốc phòng Trung Quốc khẳng định, những khí tài được trình diễn trong cuộc duyệt binh cho thấy quá trình hiện đại hóa và đổi mới của quân đội nước này.
Ông Ge khẳng định đây là cơ hội tốt để "phô diễn sự phát triển về vũ khí và tinh thần của quân đội. Các máy bay mới trang bị cho tàu sân bay của hải quân - một biểu tượng cho sức mạnh hải quân đang lên của Trung Quốc - sẽ là một trong những điểm nhấn của cuộc duyệt binh".
Một số chuyên gia phân tích và quan chức ngoại giao cho rằng màn thể hiện sức mạnh quân sự quy mô lớn này của Trung Quốc sẽ khiến dư luận thế giới cảm thấy bất an, đặc biệt là các quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
"Có thể Nhật Bản và các nước Đông Nam Á sẽ coi đây là một tín hiệu cảnh báo đối với họ, nhưng tôi không biết điều đó có chắc chắn hay không", ông Xie Yue, chuyên gia khoa học chính trị tại Đại học Đồng Tế nhận định.
"Có thể đây là tín hiệu với cộng đồng quốc tế rằng Trung Quốc là một cường quốc hiện đại không thể đùa cợt", Rory Medcalf, người đứng đầu Trường Cao đẳng An ninh Quốc gia tại Đại học Quốc gia Australia, Canberra nói. "Điều này sẽ càng làm gia tăng sự lo lắng vốn tồn tại trong khu vực".
Tiếp thị vũ khí
Tuy nhiên, ông Jack Midgley, chuyên gia quốc phòng tại Deloitte thì cho rằng lễ duyệt binh sắp tới của Trung Quốc không nhất thiết là một tín hiệu cảnh báo gửi tới các nước phương Tây và trong khu vực, thay vào đó là cơ hội để Trung Quốc tiếp thị và bán các loại vũ khí "made in China" của mình ra khắp thế giới.
"Lễ duyệt binh này nhằm thể hiện rằng Trung Quốc đã đạt tới địa vị hàng đầu thế giới về quân sự, và là dịp để khoe các sản phẩm của họ với các khách hàng nước ngoài", ông nói, và bổ sung rằng phần lớn những vũ khí được giới thiệu trong sự kiện này đều rất quen thuộc với các nhà phân tích quân sự và cơ quan tình báo nước ngoài.
Một báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, Trung Quốc đã trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ ba thế giới trong giai đoạn 2010-2014, vượt mặt một loạt các "ông lớn" phương Tây như Đức, Pháp, Anh, và chỉ xếp sau Mỹ và Nga.
SIPRI cho biết Trung Quốc hiện chiếm khoảng 5% tổng số lượng vũ khí xuất khẩu trên toàn thế giới, và những khách hàng chủ yếu của họ là các nước châu Á và châu Phi, với lợi thế rõ rệt về giá cả so với các loại vũ khí của Nga và phương Tây.
Mặc dù vậy, giá trị và số lượng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc ra thị trường nước ngoài vẫn còn kém rất xa so với Mỹ và Nga, và có vẻ như Bắc Kinh đang cố gắng nắm bắt mọi cơ hội để tiếp thị các loại vũ khí của họ với thế giới, và lễ duyệt binh lần này có thể là một trong những cơ hội như vậy.
"Những vũ khí tự sản xuất được giới thiệu trong lễ duyệt binh lần này sẽ thể hiện khả năng hiện đại hóa và đổi mới của quân đội Trung Quốc, ông Ge Lide, một chuyên gia về trang bị quân sự thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc, nhận định.
Ông Yin Zhuo, người đứng đầu đơn vị công nghệ thông tin của hải quân Trung Quốc thì cho biết những vũ khí trên cho thấy quân đội nước này đang chuyển dần từ giai đoạn cơ giới hóa sang thông tin hóa và máy tính hóa.
3-4228-1440986614.jpg
Xe tăng ZTZ-99A sẽ tham gia lễ duyệt binh. Ảnh: Popsci
Củng cố quyền lực
Trung Quốc thường chỉ tổ chức duyệt binh 10 năm một lần vào ngày quốc khánh. Cuộc duyệt binh gần nhất diễn ra vào ngày 1/10/2009, để mừng 60 năm thành lập nước nhà nước. Nếu theo tuần tự này, phải tới 1/10/2019 thì cuộc duyệt binh tiếp theo mới diễn ra.
Do đó, Chủ tịch Tập Cận Bình, người đồng thời là tổng tư lệnh lực lượng vũ trang, sẽ lần đầu tiên theo dõi cuộc duyệt binh với tư cách lãnh đạo cao nhất của quân đội sớm 4 năm so với lịch trình cũ.
Theo Bloomberg, đối với ông Tập, cách nhìn về cuộc duyệt binh từ phía nước ngoài ít quan trọng hơn so với thông điệp mà sự kiện sẽ truyền đến công dân Trung Quốc về sức mạnh của đất nước và nhà lãnh đạo của họ.
"Đó là cách để củng cố thêm sức mạnh", Hu Xingdou, một giáo sư kinh tế chính trị tại Viện Công nghệ Bắc Kinh nói. "Về mặt nội bộ, việc này nhằm thể hiện sự đoàn kết và sức mạnh dưới sự lãnh đạo của ông. Với bên ngoài, ông Tập muốn sử dụng các cuộc duyệt binh như một tuyên bố về vị thế chính trị đang lên của Trung Quốc trên trường quốc tế". 
Theo SCMP, cuộc duyệt binh được thiết kế để khẳng định quyền lực của ông Tập với quân đội lớn nhất thế giới, tại thời điểm chứng khoán lao dốc, kinh tế có nhiều dấu hiệu bất ổn và chiến dịch chống tham nhũng vấp phải không ít "sự kháng cự từ nội bộ".

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons