Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Biến động ở Trung Quốc không đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái

Trong bối cảnh những ngày gần đây, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PCoB) liên tiếp điều chỉnh tỷ giá đồng nội tệ, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã lên tiếng trấn an dư luận.

Ông Lý Khắc Cường đồng thời khẳng định động thái trên của PCoB là "phản ứng phù hợp" với những diễn biến trên các thị trường tài chính quốc tế.
Trong khi đó, giới phân tích nhận định, một cuộc suy thoái toàn cầu sẽ không hiện hữu, bất chấp những số liệu ảm đạm của nền kinh tế Trung Quốc cũng như sự suy giảm của các thị trường dầu mỏ và chứng khoán... 
Sàn giao dịch chứng khoán ở Thượng Hải “đỏ rực” sau quyết định hạ tỷ giá đồng nhân dân tệ của PBoC.
Phát biểu tại cuộc đàm phán với Phó thủ tướng thứ nhất của Kazakhstan Bakytzhan Sagintayev đang ở thăm Bắc Kinh ngày 26-8, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ được tiến hành như một phần trong nỗ lực cải cách đang diễn ra ở Trung Quốc.
Theo Thủ tướng Lý Khắc Cường, tình hình kinh tế thế giới phức tạp và thị trường bấp bênh có ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc, song các nhân tố cơ bản của kinh tế nước này vẫn ổn định, tiếp tục tăng trưởng trong mức thích hợp với sự hỗ trợ của các yếu tố tích cực.
Ông tin tưởng Trung Quốc có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế hằng năm thông qua các biện pháp như ổn định tăng trưởng kinh tế, điều chỉnh cơ cấu kinh tế, phục hồi năng lực của thị trường, ngăn ngừa ảnh hưởng của các nguy cơ.
Trước đó, ngày 25-8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố quyết định hạ 0,25 điểm cơ bản lãi suất chuẩn tiền gửi và lãi suất cho vay bằng đồng nhân dân tệ bắt đầu từ ngày 26-8.
PBoC cũng tuyên bố kể từ ngày 6-9 tới sẽ hạ 0,5 điểm phần trăm tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng đồng nhân dân tệ đối với các tổ chức tài chính. Đây cũng là lần cắt giảm lãi suất thứ 5 của Trung Quốc kể từ tháng 11-2014.
Cục trưởng Cục Nghiên cứu PBoC, ông Lục Lỗi giải thích, tình hình kinh tế quốc tế và trong nước cũng như tình trạng thanh khoản của thị trường tài chính Trung Quốc là nhân tố chủ yếu dẫn tới quyết định việc điều chỉnh chính sách trên. 
“Sự trầm lắng của kinh tế thế giới đã thúc đẩy Trung Quốc phải lấy mở rộng nội nhu làm phương hướng chính”, ông Lục Lỗi cho hay. 
Theo Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chứng khoán và tài chính, Đại học Nhân dân Trung Quốc Triệu Tích Quân, ý đồ hạ lãi suất và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần này của PBoC là rất rõ ràng, đó là tăng lòng tin của nhà đầu tư và giảm giá thành vay vốn của doanh nghiệp, từ đó tăng mức lợi nhuận cho doanh nghiệp. 
Theo chuyên gia này, cho dù động thái “2 hạ” này sẽ không dẫn đến vốn trực tiếp đổ vào thị trường chứng khoán, song chính sách kích thích này của PBoC sẽ có lợi cho việc tăng cường lòng tin của nhà đầu tư đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, đồng thời làm cho nhiều doanh nghiệp cần vốn giảm được giá thành, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Ngay sau khi quyết định hạ lãi suất và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc có hiệu lực, ngày 26-8, thị trường chứng khoán Trung Quốc có phiên tăng điểm nhẹ, cụ thể Shanghai Composite tăng 0,6% lên 2.984,86 điểm. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó chỉ số này đã tiếp tục lao dốc 3,9%.
“Chỉ số Shanghai Composite mất điểm tiếp tục là một đòn mạnh giáng vào kinh tế Trung Quốc, xóa sổ mọi nỗ lực kích thích kinh tế của chính quyền Bắc Kinh trong năm nay”, hãng tin CNN của Mỹ bình luận.
CNN cũng chỉ ra 3 yếu tố khiến chứng khoán Trung Quốc sẽ còn tiếp tục lao dốc trong những ngày tới. Đó là: Nền kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại nhanh hơn so với dự đoán của các nhà phân tích; không chắc chắn khi nào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ nâng lãi suất cơ bản; giá dầu thô cực rẻ, dưới 40USD/thùng, đạt mức thấp nhất trong hơn 6 năm qua.
Dù những lo ngại nổi lên gần đây về tình hình kinh tế Trung Quốc và sự rớt giá hàng hóa, nhưng theo Ngân hàng Đầu tư Goldman Sachs (Mỹ), kinh tế thế giới không có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Theo ngân hàng này, sự sụt giảm giá hàng hóa trong năm qua cũng như thực trạng ảm đạm của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng của Trung Quốc trong thời gian gần đây, cùng với đà chững lại của các thị trường mới nổi khác sẽ không thể tạo ra một cuộc khủng hoảng tồi tệ.
Goldman Sachs nhận định, hiện có một rủi ro là các thị trường đang quá chú trọng tới sự giảm giá của dầu và một số loại hàng hóa khác. Trên thực tế, giá dầu giảm chủ yếu phản ánh tình trạng dư cung hơn là nhu cầu yếu.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons