Đồng nhân dân tệ liên tiếp giảm trong ba ngày từ hôm 11/8, cho đến khi tăng vào hôm nay. Ảnh: David Chang/ EPA
|
Nhiều người Trung Quốc cuống quýt tìm cách chuyển tiền ra khỏi nước này với lo sợ rằng đợt phá giá đồng nhân dân tệ trong vài ngày gần đây chỉ là bước khởi đầu trong sự lao dốc của đồng này, dù Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã nói rằng không cơ sở nào để tiếp tục hạ giá.
"Vụ phá giá đồng tiền này đã làm tôi mất hàng trăm nghìn nhân dân tệ", Tang Wei, một doanh nhân Trung Quốc nói. Wei đang cố chuyển tài sản ra khỏi Trung Quốc, một phần để chi trả cho việc ăn học của con trai ở Canada vào năm tới.
"Với hoàn cảnh của tôi thì tôi rất cần ngoại tệ, vì thế, tôi nên sớm chuyển tiền ra nước ngoài. Nền kinh tế Trung Quốc có vẻ không tốt lắm", Wei nói tiếp.
Theo công ty tư vấn Boston Group Consulting, có khoảng 4 triệu hộ gia đình ở Trung Quốc có tài sản cá nhân từ một triệu USD trở lên. Nhiều ngân hàng tư nhân nói rằng trước khi có vụ phá giá đồng nhân dân tệ, thì tình hình rối loại của thị trường chứng khoán từ tháng trước đã khiến nhiều gia đình Trung Quốc giàu có đầu tư ra nước ngoài nhiều hơn.
Năm qua cũng có làn sóng chuyển tiền ra nước ngoài, một phần vì người Trung Quốc kỳ vọng Mỹ sẽ tăng lãi suất vào cuối năm. Các chuyên gia phân tích của JPMorgan đánh giá có khoảng 235 tỷ USD "tiền nóng" đã rời khỏi Trung Quốc trong chưa đầy một năm, từ quý ba năm 2014 đến hết quý hai năm 2015.
Nếu như có thêm các đợt phá giá đồng nhân dân tệ thì PBOC sẽ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn là nên để đồng nhân dân tệ yếu nhằm giúp thúc đẩy xuất khẩu hay ngược lại, giữ giá nội tệ để đảm bảo dòng tiền chảy ra nước ngoài không tăng đột biến.
"Chúng tôi tin rằng mối lo lớn nhất của PBOC là nếu hạ tỷ giá hối xuống quá thấp thì sẽ gây ra làn sóng di chuyển vốn", các chuyên gia kinh tế của Credit Suisse nhận định trong một báo cáo công bố hôm 11/8.
Mối lo này được phản ánh trong cuộc họp báo PBOC tổ chức gấp hôm 13/8, trong đó giới chức khẳng định rằng đợt điều chỉnh này là động thái đơn lẻ và sẽ duy trì tỷ giá ở mức hợp lý.
Dòng tiền ra đi
Bất chấp những lời trấn an của PBOC, nhiều chuyên gia tiền tệ đều nhận định rằng phần lớn giới giàu Trung Quốc sẽ không chịu để tiền bạc của họ tùy tay chính quyền quyết định.
"Vào thời điểm này, làn sóng chuyển tiền ra nước ngoài sẽ càng lên cao vì giới giàu Trung Quốc sẽ xem xét đầu tư vào những tài sản lớn hơn", Kunal Ghosh, một quản lý đầu tư đa ngành tại Singapore của Allianz Global Investor nhận định. AGI đang giúp quản lý 1,8 tỷ USD tài sản thị trường mới nổi.
Một chuyên gia khác là Tan Jialong của Văn phòng Tan Private Wealth Management ở Thượng Hải cho biết, kể từ tháng 5, ngày càng có nhiều khách hàng xin tư vấn về việc chuyển tiền ra nước ngoài.
"Nhiều khách hàng tỏ vẻ hoài nghi về nền kinh tế của Trung Quốc, và tôi khuyên họ nên tăng tài sản ở nước ngoài", Tan kể.
Ông Tan giúp những người này chuyển tiền qua kênh đầu tư nước ngoài chính thức như chương trình đầu tư cơ cấu nội địa có thẩm định và các hình thức đầu tư xuyên biên giới khác.
Theo quy định về kiểm soát dòng vốn, người dân Trung Quốc chỉ được phép chuyển nhiều nhất 50.000 USD ra khỏi đất nước mỗi năm. Tuy nhiên, nhiều người đã tìm cách lách luật, điều này được minh chứng với thực tế là các khách hàng nước ngoài lớn nhất của thị trường bất động sản Australia, Mỹ và Canada là người Trung Quốc.
"Nhà ở luôn là phương án được nhiều người lựa chọn nếu họ muốn chuyển khoảng dưới 5 triệu USD", Oliver Barron, nhà phân tích chính sách của ngân hàng NSBO phát biểu. "Nếu họ muốn chuyển nhiều tiền hơn, thì mua công ty có vẻ là cách tốt nhất", Barron nói tiếp.
Với những người chuộng tài sản có khả năng thanh khoản cao, thì việc chọn những tài sản bằng USD có vẻ là lựa chọn hàng đầu. "Họ sẽ tìm mọi cách để giữ của cải không bị mất giá. Vào thời điểm này thì đồng USD dường như là an toàn nhất", chuyên gia Ghosh của Allianz nhận xét.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét