Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Hai thách thức của mô hình phát triển Trung Quốc

Trung Quốc đang đứng trước thời kỳ chuyển đổi then chốt, nếu thất bại, sẽ không chỉ gây ra các bất ổn trong nước, mà còn tác động tiêu cực đến cục diện thế giới
China-stock-market-7518-1440666475.jpg
Một người đàn ông chợp mắt bên tấm biển có dòng chữ "thị trường chứng khoán đầy rủi ro, hãy thận trọng khi đầu tư" tại một phòng môi giới ở Bắc Kinh ngày 26/8. Ảnh: Reuters
Ngày 14/8, báo cáo định kỳ của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá kinh tế Trung Quốc đang bước vào trạng thái bình thường mới, với đặc điểm tăng trưởng giảm tốc, nhưng an toàn và bền vững hơn. IMF cho rằng, rủi ro chính của nước này hiện nay là cường độ thúc đẩy cải cách kinh tế của chính phủ chưa đủ.
Tuy nhiên, chỉ ba ngày trước khi IMF công bố báo cao trên, Bắc Kinh quyết định phá giá đồng nhân dân tệ ở mức lớn nhất trong 20 năm qua. Động thái này là ngòi dẫn kéo théo những biến động trên thị trường tài chính tiền tệ thế giới.
Ngày 25/8, trước việc chỉ số chứng khoán Thượng Hải sụt giảm ba ngày liên tiếp lên đến 22%, chính phủ Trung Quốc quyết định giảm lãi suất để kích thích tín dụng. Trước đó nhiều tuần, Bắc Kinh cũng buộc phải sử dụng nhiều biện pháp can dự phi thường quy, như khuyến kích vay vốn mua cổ phiếu, cam kết dồn hàng chục tỷ USD vào các ngân hàng nhà nước.
"Việc chính phủ Trung Quốc tích cực thúc đẩy các biện pháp trên cho thấy, mối lo ngày càng gia tăng của họ với việc thị trưởng cổ phiếu sụt giảm và tăng trưởng kinh tế suy giảm", bình luận viên Eduardo Porter của tờ New York Times nhận định. "Điều này cũng khiến bên ngoài khó lòng gặt bỏ được sự hoài nghi về mô hình phát triển của Trung Quốc".
Thách thức trong chuyển đổi mô hình
Trung Quốc đang ở trong giai đoạn chuyển đổi mô hình phát triển quan trọng kể từ sau cải cách mở cửa, tuy nhiên giới chuyên gia nhận định rằng quá trình chuyển đổi này không hề thuận lợi do những hạn chế nội tại của mô hình Trung Quốc.
"Vấn đề là chính phủ Trung Quốc có năng lực và nguyện vọng chuyển đổi mô hình phát triển từ đầu tư sang tiêu thụ làm chủ đạo hay không", ông Martin Wolf, phó tổng biên tập tờ Financial Times, bình luận. "Nếu làm được thì Trung Quốc vẫn duy trì được mức tăng trưởng từ 6 đến 7%, nếu không sẽ dẫn đến bất ổn kinh tế và chính trị".
Theo tính toán của hãng tư vấn Consensus Economics, dự đoán tăng trưởng thực tế của Trung Quốc trong năm 2015 chỉ ở mức 5,3%, trong khi tổng đầu tư tài sản cố định chiếm đến 44% GDP năm 2014. Các số liệu này cho thấy, tính hiệu quả thấp và bất hợp lý trong mô hình phát triển của Trung Quốc hiện nay.
Cục diện này đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh ba bài toán khó. Một là giải quyết những hệ lụy của các biện pháp tài chính tiền tệ quá mức trước đây, trong khi vẫn phải tránh nguy cơ nổ ra khủng hoảng tài chính. Hai là định hướng tăng trưởng dựa nhiều hơn vào nhu cầu trong nước chứ không phải đầu tư. Ba là đảm bảo tăng trưởng mạnh của nhu cầu tổng thể trong khi vẫn phải thực hiện hai nhiệm vụ trên.
So sánh với mô hình phát triển của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, có thể thấy khi trình độ phát triển của các nền kinh tế này đạt mức như Trung Quốc hiện nay, chi tiêu gia đình chiếm hơn một nửa GDP trong khi đầu tư chỉ chiếm 35%. Trong khi đó, tình hình của Trung Quốc hiện nay là ngược lại. Điều này phản ánh vấn đề và thách thức xã hội trong mô hình phát triển của Trung Quốc.
Thách thức từ hệ lụy xã hội
Giới chuyên gia nhận định rằng, mô hình phát triển và quản lý hiện nay của Trung Quốc vấp phải rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết các nhu cầu ngày càng phức tạp của người dân, khi nền kinh tế phát triển đến trình độ hiện nay.
"Trung Quốc hiện nay đang đối diện với áp lực từ môi trường, kết cấu dân số cũng đang có sự biến đổi kịch liệt, những cộng đồng yếu thế cần được hỗ trợ ngày càng nhiều hơn", chuyên gia Kenneth Lieberthal thuộc Viện nghiên cứu Brookings bình luận.
Một hệ lụy rõ ràng của mô hình phát triển hiện nay của Trung Quốc là tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo báo cáo mới nhất của tổ chức nghiêm cứu môi trường Berkeley Earth, sau hàng chục năm công nghiệp hóa với than đá là nguồn năng lượng chính, ô nhiễm không khí tổn hại sinh mạng của 1,6 triệu người Trung Quốc mỗi năm.
Ngoài ra, đầu tư hiện nay của Trung Quốc trong lĩnh vực y tế và giáo dục ở khu vực nông thôn được cho là chưa tương thích vơi yêu cầu thực tế. Mặc dù việc phổ cập trường học ở các thị trấn đạt được tiến bộ, song chất lượng giáo dục còn hạn chế. "Cùng với việc không ngừng nâng cao thang phát triển, Trung Quốc có thể đối diện với vấn đề thiếu lao động kỹ thuật nghiêm trọng", ông Lieberthal cho biết.
Với mô hình hiện nay, thực tế người lao động nông thôn gặp nhiều hạn chế trong việc lưu chuyển đến thành thị và hưởng thụ phúc lợi xã hội như người dân đô thị, tạo ra tầng lớp người lao động thể lực nặng nhưng thu nhập thấp. Điều này là một nguyên nhân kìm hãm chi tiêu trong nước, tạo trở ngại cho sự phát triển của đô thị.
Để giải quyết các hệ lụy xã hội trên, chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh yêu cầu đi sâu cải cách và cải thiện phúc lợi xã hội, nhằm tái cân bằng thực tế xã hội vốn tiềm ẩn các nguy cơ bất ổn trên. Tuy nhiên, theo đánh giá của IMF, các biện pháp của Bắc Kinh hiện nay tiến triển có hạn và chỉ "có thể làm giảm bớt tốc độ diễn biến tăng nhanh của các yếu tố bất ổn".
Tác động tiêu cực
Giới phân tích cho rằng, nếu quá trình chuyển đổi mô hình phát triển của Trung Quốc không thành công, sẽ không chỉ làm nghiêm trọng thêm các yếu tố bất ổn xã hội trong nước, mà còn sẽ tạo ra các hiệu ứng lan truyền tiêu cực đến cục diện kinh tế, chính trị quốc tế.
"Trung Quốc giống như bộ giảm chấn của nền kinh tế thế giới, có khả năng hấp thụ những tác động suy thoái gây trở ngại tăng trưởng toàn cầu. Nếu như Trung Quốc không còn đóng vai trò đó nữa, những nguy cơ mà thế giới có thể đối diện có thể nghiêm trọng hơn nữa", chuyên gia kinh tế cao cấp Stephen King của Ngân hàng HSBC bình luận. "Điều này đồng nghĩa với việc kinh tế toàn cầu cần một bộ giảm chấn mới".
Một Trung Quốc rơi vào khủng hoảng được cho là sẽ có những hành động mạo hiểm trên lĩnh vực đối ngoại, để chuyển hướng sự chú ý của công chúng trong nước trước những khó khăn kinh tế và xã hội. "Trên thực tế, giới chức Trung Quốc đã có hành động như vậy tại Biển Đông", ông Richard Haass, chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, nhận định.
Chuyên gia này cho rằng, Mỹ và các nước khác cần đảm bảo Trung Quốc không lấn sâu hơn vào hướng đi trên, bằng cách gửi đi tín hiệu rằng, nếu Bắc Kinh chấp nhận hành động có trách nhiệm và tuân thủ theo quy tắc, thì sẽ được hoan nghênh vào hàng ngũ các quốc gia dẫn đầu thế giới.
Tuy nhiên, quyền quyết định chính sách cuối cùng vẫn nằm ở Trung Quốc. "Chính phủ Trung Quốc phải tìm được điểm cân bằng chính xác giữa lợi ích chính phủ với lợi ích cá nhân, giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, giữa vai trò thị trường với vai trò nhà nước", ông Haass kết luận.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons