Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Trung Quốc muốn phát đi thông điệp gì từ cuộc duyệt binh

Thế giới dự kiến đổ dồn chú ý về lễ duyệt binh của Trung Quốc, sự kiện nước này thông qua đó có thể để phô diễn sức mạnh, tiếp thị vũ khí mới, đồng thời củng cố quyền lực của ông Tập.
2-2239-1440986614.jpg
Trung Quốc sẽ giới thiệu nhiều loại vũ khí mới "chưa từng xuất hiện" tại lễ duyệt binh. Ảnh: CNN
Duyện binh là một nghi lễ để kỷ niệm sự kiện lịch sử lớn. Tuy nhiên, hoạt động này không chỉ để nhớ đến quá khứ mà còn để hướng đến tương lai. Duyệt binh có thể ẩn chứa ý nghĩa ngoại giao, chính trị và tuyên truyền.
Đó là lý do vì sao thế giới theo dõi sát sao thông điệp mà Trung Quốc đưa ra qua cuộc duyệt binh lớn ở Thiên An Môn, kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế Chiến II ở châu Á ngày 3/9.
Phô diễn sức mạnh
Trung Quốc sẽ giới thiệu những loại vũ khí công nghệ cao mới nhất của họ trong lễ duyệt binh lần này, từ tên lửa đạn đạo cho tới các loại chiến đấu cơ trên tàu sân bay. Các chuyên gia phân tích cho rằng đây vừa là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang ngày càng tự tin vào sức mạnh quân sự của mình, vừa là cơ hội để họ tiếp thị và bán vũ khí, Reuters ngày 28/8 nhận định.
Qu Rui, phó trưởng ban tổ chức lễ duyệt binh, cho biết tất cả vũ khí, khí tài tham gia sự kiện này đều do Trung Quốc sản xuất, trong đó có tới 84% được "trình làng" lần đầu tiên. "Chúng thể hiện bước phát triển mới, thành tựu mới và hình ảnh mới của việc xây dựng lực lượng vũ trang Trung Quốc", Qu nhấn mạnh.
Xinhua cho hay trong lễ duyệt binh, hải quân Trung Quốc sẽ giới thiệu các loại tên lửa chống hạm, hải đối không mới nhất và chiến đấu cơ trên tàu sân bay J-15 của họ, trong khi không quân sẽ đưa tới Bắc Kinh những chiếc máy bay ném bom tầm xa, chiến đấu cơ và máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm đường không (AEWC).
Ngoài ra, góp mặt vào lễ duyệt binh còn có các loại trực thăng vũ trang mới nhất, xe tăng chiến đấu chủ lực và tên lửa đạn đạo chiến lược và tầm trung thuộc Quân đoàn Pháo binh Số Hai. Quân đoàn tên lửa chiến lược này của Trung Quốc sẽ giới thiệu 7 loại tên lửa hạt nhân và thông thường khác nhau, trong đó có tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn DF-26, tầm bắn 4.000 km, có thể vươn tới tận đảo Guam của Mỹ hoặc lãnh thổ Australia. "Quy mô cũng như số lượng tên lửa sẽ vượt qua bất cứ cuộc trình diễn nào trước đây", một nguồn tin quân sự tiết lộ.
Trong một cuộc tổng duyệt mới đây, người dân Bắc Kinh đã chứng kiến những đội hình trực thăng vũ trang bay rợp trời, và những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực rầm rập chạy qua đường phố thủ đô. Ông Qu cho hay đây là đợt phô diễn vũ khí lớn nhất của Trung Quốc từ trước tới nay, với sự tham gia của 12.000 binh sĩ thuộc các quân binh chủng, cùng 500 vũ khí, khí tài và gần 200 máy bay quân sự.
1-6132-1440986614.jpg
Trung Quốc luyện tập bắn đại bác cho lễ duyệt binh. Ảnh: Reuters
People's Daily ngày 25/8 dẫn lời ông Qu khẳng định, cuộc duyệt binh nhằm "ghi nhớ lịch sử, tưởng nhớ những anh hùng cách mạng đã hy sinh, gìn giữ hòa bình và dẫn lối vào tương lai", mà không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào.
Tuy nhiên, Xinhua cùng ngày dẫn lời ông Ge Lide, chuyên gia về khí tài quân sự tại Đại học quốc phòng Trung Quốc khẳng định, những khí tài được trình diễn trong cuộc duyệt binh cho thấy quá trình hiện đại hóa và đổi mới của quân đội nước này.
Ông Ge khẳng định đây là cơ hội tốt để "phô diễn sự phát triển về vũ khí và tinh thần của quân đội. Các máy bay mới trang bị cho tàu sân bay của hải quân - một biểu tượng cho sức mạnh hải quân đang lên của Trung Quốc - sẽ là một trong những điểm nhấn của cuộc duyệt binh".
Một số chuyên gia phân tích và quan chức ngoại giao cho rằng màn thể hiện sức mạnh quân sự quy mô lớn này của Trung Quốc sẽ khiến dư luận thế giới cảm thấy bất an, đặc biệt là các quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
"Có thể Nhật Bản và các nước Đông Nam Á sẽ coi đây là một tín hiệu cảnh báo đối với họ, nhưng tôi không biết điều đó có chắc chắn hay không", ông Xie Yue, chuyên gia khoa học chính trị tại Đại học Đồng Tế nhận định.
"Có thể đây là tín hiệu với cộng đồng quốc tế rằng Trung Quốc là một cường quốc hiện đại không thể đùa cợt", Rory Medcalf, người đứng đầu Trường Cao đẳng An ninh Quốc gia tại Đại học Quốc gia Australia, Canberra nói. "Điều này sẽ càng làm gia tăng sự lo lắng vốn tồn tại trong khu vực".
Tiếp thị vũ khí
Tuy nhiên, ông Jack Midgley, chuyên gia quốc phòng tại Deloitte thì cho rằng lễ duyệt binh sắp tới của Trung Quốc không nhất thiết là một tín hiệu cảnh báo gửi tới các nước phương Tây và trong khu vực, thay vào đó là cơ hội để Trung Quốc tiếp thị và bán các loại vũ khí "made in China" của mình ra khắp thế giới.
"Lễ duyệt binh này nhằm thể hiện rằng Trung Quốc đã đạt tới địa vị hàng đầu thế giới về quân sự, và là dịp để khoe các sản phẩm của họ với các khách hàng nước ngoài", ông nói, và bổ sung rằng phần lớn những vũ khí được giới thiệu trong sự kiện này đều rất quen thuộc với các nhà phân tích quân sự và cơ quan tình báo nước ngoài.
Một báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, Trung Quốc đã trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ ba thế giới trong giai đoạn 2010-2014, vượt mặt một loạt các "ông lớn" phương Tây như Đức, Pháp, Anh, và chỉ xếp sau Mỹ và Nga.
SIPRI cho biết Trung Quốc hiện chiếm khoảng 5% tổng số lượng vũ khí xuất khẩu trên toàn thế giới, và những khách hàng chủ yếu của họ là các nước châu Á và châu Phi, với lợi thế rõ rệt về giá cả so với các loại vũ khí của Nga và phương Tây.
Mặc dù vậy, giá trị và số lượng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc ra thị trường nước ngoài vẫn còn kém rất xa so với Mỹ và Nga, và có vẻ như Bắc Kinh đang cố gắng nắm bắt mọi cơ hội để tiếp thị các loại vũ khí của họ với thế giới, và lễ duyệt binh lần này có thể là một trong những cơ hội như vậy.
"Những vũ khí tự sản xuất được giới thiệu trong lễ duyệt binh lần này sẽ thể hiện khả năng hiện đại hóa và đổi mới của quân đội Trung Quốc, ông Ge Lide, một chuyên gia về trang bị quân sự thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc, nhận định.
Ông Yin Zhuo, người đứng đầu đơn vị công nghệ thông tin của hải quân Trung Quốc thì cho biết những vũ khí trên cho thấy quân đội nước này đang chuyển dần từ giai đoạn cơ giới hóa sang thông tin hóa và máy tính hóa.
3-4228-1440986614.jpg
Xe tăng ZTZ-99A sẽ tham gia lễ duyệt binh. Ảnh: Popsci
Củng cố quyền lực
Trung Quốc thường chỉ tổ chức duyệt binh 10 năm một lần vào ngày quốc khánh. Cuộc duyệt binh gần nhất diễn ra vào ngày 1/10/2009, để mừng 60 năm thành lập nước nhà nước. Nếu theo tuần tự này, phải tới 1/10/2019 thì cuộc duyệt binh tiếp theo mới diễn ra.
Do đó, Chủ tịch Tập Cận Bình, người đồng thời là tổng tư lệnh lực lượng vũ trang, sẽ lần đầu tiên theo dõi cuộc duyệt binh với tư cách lãnh đạo cao nhất của quân đội sớm 4 năm so với lịch trình cũ.
Theo Bloomberg, đối với ông Tập, cách nhìn về cuộc duyệt binh từ phía nước ngoài ít quan trọng hơn so với thông điệp mà sự kiện sẽ truyền đến công dân Trung Quốc về sức mạnh của đất nước và nhà lãnh đạo của họ.
"Đó là cách để củng cố thêm sức mạnh", Hu Xingdou, một giáo sư kinh tế chính trị tại Viện Công nghệ Bắc Kinh nói. "Về mặt nội bộ, việc này nhằm thể hiện sự đoàn kết và sức mạnh dưới sự lãnh đạo của ông. Với bên ngoài, ông Tập muốn sử dụng các cuộc duyệt binh như một tuyên bố về vị thế chính trị đang lên của Trung Quốc trên trường quốc tế". 
Theo SCMP, cuộc duyệt binh được thiết kế để khẳng định quyền lực của ông Tập với quân đội lớn nhất thế giới, tại thời điểm chứng khoán lao dốc, kinh tế có nhiều dấu hiệu bất ổn và chiến dịch chống tham nhũng vấp phải không ít "sự kháng cự từ nội bộ".

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons