Trung Quốc luôn nói về chủ quyền của mình trên Biển Đông nhưng lại đuối lý trong bảo vệ nó trước các qui định của luật pháp quốc tế.
Trung Quốc có tham vọng biến 80% diện tích Biển Đông thành ao hồ của riêng mình, thể hiện rõ trong bản đồ “đường lưỡi bò” được đính kèm trong một Công hàm của nước này gửi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc năm 2009.
Các học giả trong nước và quốc tế tham dự một hội thảo quốc tế về Biển Đông.
Không một cường quốc nào, không có bất cứ một tổ chức luật pháp quốc tế có uy tín nào thừa nhận yêu sách vùng biển rộng tới 2.000.000 km2 ở Biển Đông của Trung Quốc là nghiêm túc vì nó vi phạm luật pháp quốc tế. Ông Marvin Ott, Giáo sư trường Đại học Johns Hopkins khẳng định, Trung Quốc cũng biết rõ yêu sách này trái với sự phát triển toàn diện của luật biển quốc tế hiện đại.
“Trung Quốc khẳng định chủ quyền nhưng lại không thể bảo vệ nó trước các qui định của luật pháp quốc tế. Trung Quốc nhận ra điều này hơn ai hết. Các học giả cũng như quan chức Trung Quốc biết rất rõ về những rắc rối mà Trung quốc gặp phải. Đó là họ đưa ra tuyên bố chủ quyền nhưng không tuân theo luật pháp quốc tế. Do vậy, họ không thể cung cấp được những bằng chứng hợp pháp, những cơ sở để bảo vệ cái họ tuyên bố.” Ông Marvin Ott nói.
Nhưng Trung Quốc không muốn lùi bước, quyết độc chiếm Biển Đông. Nước này ý thức được rằng, để phù hợp với Luật Biển, yêu sách đó phải được thiết lập dựa trên UNCLOS, bao gồm lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Vấn đề đặt ra là không có một bãi đá nào trong bảy bãi đá ở quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam nổi lúc thủy triều lên trong tình trạng tự nhiên của nó. Nói cách khác, chúng đều không đáp ứng được định nghĩa về “đảo” theo Điều 121 của UNCLOS.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông cho biết, Khoản 3 Điều 121 quy định rằng, “những bãi đá mà ở đó con người không thể duy trì sự sống của con người hay có đời sống kinh tế riêng thì sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa: “Theo Công ước Luật biển năm 1982, đây là các đá chứ không phải là đảo. Mà bãi đá thì theo UNCLOS 1982 không có quyền để xác định lãnh hải, không có vùng đặc quyền kinh tế, không có thềm lục địa và không thể được tuyên bố là lãnh thổ về mặt pháp lý.”
Vì vậy, một trong những bước đi quan trọng để hiện thực hóa tham vọng của mình là cải tạo, xây đắp quy mô lớn để chuyển các “đá” đã chiếm được bằng vũ lực thành “đảo”.
Tháng 5/2015, hãng tư vấn IHS Jane’s có trụ sở ở Anh công bố các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đã nhanh chóng xây dựng một công trình nhân tạo dài gần 3km trên Đá Chữ Thập, biến Đá này lớn hơn gấp 3 lần so với đảo tự nhiên lớn nhất trong quần đảo Trường Sa. Trung Quốc cũng đã biến bãi ngầm Tư Nghĩa chỉ rộng 380m2 thành một đảo lớn tới 75.000m2,vv... Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Trung quốc đã cải tạo và mở rộng diện tích của những đá này từ 200 ha lên tới 810 ha.
Trung Quốc nỗ lực biến các “đá” ở Trường Sa thành các “đảo”, nơi có điều kiện thích hợp cho con người sinh sống và có đời sống kinh tế riêng, nối các điểm nhô ra các đảo đá này theo phương thức xác lập hệ thống đường cơ sở được quy định trong UNCLOS. Từ đường cơ sở đó, nước này đòi các vùng biển chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; qua đó, chứng minh yêu sách 80% diện tích Biển Đông là phù hợp với UNCLOS; biến các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia thành vùng có tranh chấp.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Luật pháp Quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ rõ, Trung Quốc đang cố tình ngụy tạo nhằm mở rộng lãnh hải: “Quan điểm của Trung Quốc công khai ở Liên Hợp quốc là vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán, tức là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa không chỉ có ở quần đảo Hoàng Sa mà cả Trường Sa nữa. Việc bồi đắp thành những đảo nổi, đưa người đến ở,vv... Mục tiêu là thay đổi tình trạng pháp lý, để có cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa như các vùng lãnh thổ khác”.
Tuy nhiên, chỉ đơn giản bằng cách đổ đá xuống biển để đảm bảo các công trình nhân tạo luôn nổi trên mặt nước không giúp Trung Quốc củng cố yêu sách chủ quyền và vùng biển ở Biển Đông. Bởi vì: Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Việt Nam có đủ căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định điều này. Trong khi đó, những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này là vi phạm luật pháp quốc tế và không có cơ sở lịch sử.
Bà Monique Chemillier Gendreau, giáo sư công pháp và khoa học chính trị, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ Pháp, Chủ tịch Hội Luật gia châu Âu, sau quá trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc và độc lập, đã đưa ra kết luận về chủ quyền trên quần đảo Trường Sa: “Trung Quốc yêu sách đối với các đảo Trường Sa từ năm 1951. Nhưng đó là một yêu sách trừu tượng, không có một dấu vết nào của việc chiếm đóng thực sự. Việc bắt đầu chiếm đóng một bộ phận của quần đảo này chỉ xảy ra rất gần đây, năm 1998 và là kết quả của một hành động quân sự. Thật đơn giản nhận thấy, yêu sách của Trung Quốc đối với Trường Sa không có cơ sở pháp lý và chỉ là một chính sách bành trướng trên biển.”
Vì vậy, việc Trung Quốc sử dụng chính những đá đã chiếm đóng trái phép của Việt Nam bằng vũ lực để mở rộng lãnh hải, đơn phương thay đổi hiện trạng ở khu vực này là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Mô hình đảo nổi sử dụng cấu trúc VLSF của Trung Quốc. (Ảnh Business Insider)
Mặt khác, tính chất đảo của một loạt các đảo ở Biển Đông đã được xem xét kỹ. Tác giả Alex G. Oude Elferink trong Ấn phẩm Luật Quốc tế và sự phát triển của đại dương đưa ra kết luận một cách thận trọng rằng, “ít nhất một số đảo ở Biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Các cấu trúc khác chắc chắn được xem như rơi vào nội hàm của Khoản 3 Điều 121, đó là các đá.”
Vì những vùng đất nổi ở Biển Đông cơ bản không phải là đảo, yêu sách vùng biển chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán căn cứ vào các đá chiếm đóng trái phép này của Trung Quốc là không có giá trị pháp lý.
Điều 60 của UNCLOS quy định rõ, việc tiến hành mở rộng, thay đổi các đá, rạn san hô thành đảo nhân tạo không thể là cơ sở đòi hỏi lãnh hải riêng, vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa. Một đảo nhân tạo, theo luật pháp quốc tế hiện nay, chỉ có thể có vùng an toàn 500mét.
Trong vụ việc phân định biển và các vấn đề về lãnh thổ giữa Qatar và Bahrain năm 2001, Tòa án Quốc tế cũng kết luận: “Theo quy định trong Công ước Luật biển, những nỗ lực bị cáo buộc của cả hai nước để thay đổi một cách nhân tạo phần phía trên bề mặt của Qit’at Jaradah không cho phép kết luận rằng nó có tư cách pháp lý của đảo”.
Căn cứ vào thực tiễn quốc tế và các án lệ quốc tế, GS. Erik Franckx, Thành viên Tòa trọng tài thường trực Lahaye, tòa án hiện đang có phiên điều trần đầu tiên về việc Philippines kiện Trung Quốc, khẳng định: “Trung Quốc xây dựng, bồi đắp các cồn cát, bãi đá thành đảo nhân tạo ở Biển Đông. Việc bồi đắp, mở rộng các cồn cát, bãi đá thành đảo có diện tích lớn hơn sẽ không tạo ra một quy chế lãnh hải trong vùng biển này”.
Bất đồng tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là thực tế khách quan. Bởi vì chủ quyền của các đảo ở Biển Đông đang bị tranh chấp, vì vậy, các vùng biển liên quan đến những đảo này cũng bị tranh chấp. Giả sử rằng, Trung Quốc có chủ quyền đối với các đảo tại Biển Đông thì các vùng biển tạo ra từ các đảo tại Biển Đông sẽ chồng lấn với các vùng biển đối diện từ bờ biển của các quốc gia khác.
Khi đó, ranh giới trên biển phân chia vùng chồng lấn phải được đàm phán giữa Trung Quốc với các nước có bờ biển đối diện như Việt Nam, Philippines, Malaysia,vv... Điều 74 và 83 của UNCLOS quy định, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa sẽ được thực hiện bằng con đường thỏa thuận theo đúng luật pháp quốc tế để đi đến một giải pháp công bằng.
Vì vậy, một quốc gia không thể dễ dàng đơn phương áp đặt sự phân định của mình lên các quốc gia khác. Hơn nữa, an lệ quốc tế chưa bao giờ trao cho các bãi đá nhỏ, hẻo lánh như ở Biển Đông nhiều giá trị hơn đường bờ biển đối diện kéo dài và liên tục trong việc xác định vị trí của ranh giới biển.
Mặt khác, các đoạn đứt khúc trong bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc thể hiện ranh giới giữa các quốc gia không hề có căn cứ pháp lý trong luật biển. Nó không thể là ranh giới lãnh hải của nước này và do đó chủ quyền của Trung Quốc bởi các nét đứt đoạn của bản đồ nằm ngoài ranh giới tối đa 12 hải lý của lãnh hải tính từ các thực thể mà Trung Quốc yêu sách.
Thậm chí, có nhiều đoạn không chỉ quá gần bờ biển của các quốc gia ven biển khác mà toàn bộ hay một phần các đoạn đó còn nằm ngoài phạm vi 200 hải lý của bất kỳ thực thể nào mà Trung Quốc yêu sách ở Biển Đông. Điều 57 của UNCLOS quy định rằng, chiều rộng của vùng đặc quyền kinh tế “không thể vượt quá 200 hải lý” tình từ đường cơ sở. Do vậy, đường lưỡi bò cũng không thể là ranh giới của vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.
Không chỉ dùng mọi thủ thuật trong truyền thông để đánh tráo khái niệm, cố tình giải thích và áp dụng sai các quy định của UNCLOS, cựu Phó Đô đốc Anup Singh, nguyên Tư lệnh Hạm đội Hải quân miền Đông Ấn Độ lo ngại, khi các máy bay chiến đấu Trung Quốc có thể cất cánh từ chính các bãi đá đó - các tàu sân bay bằng bê tông, kết hợp với sức mạnh hải quân, Trung Quốc sẽ buộc cộng đồng quốc tế phải công nhận sự áp đặt của họ cho đến khi đạt được mục tiêu độc chiếm Biển Đông: “Việc Trung Quốc tiến hành xây dựng, cải tạo quy mô lớn ở quần đảo Trường Sa là nhằm tạo cơ sở quân sự trên Biển Đông. Trung Quốc đã xây dựng các căn cứ hải quân hay sân bay trên các đảo đá. Đây là những hành động đe dọa sử dụng vũ lực, tạo ra áp lực lớn cho các quốc gia khác trong Biển Đông”.
Nhà phân tích Gregory Polling, chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á, Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế của Mỹ cho rằng, Biển Đông dậy sóng là vì Trung Quốc ngang ngược, bất tuân luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS; vi phạm thỏa thuận chung giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN: “Quần đảo Hoàng Sa là nơi đang có tranh chấp chủ quyền và do vậy vùng biển tại đây cũng là khu vực tranh chấp. UNCLOS quy định rõ, trong trường hợp có tranh chấp thì các bên kiềm chế không tiến hành các hành động khiêu khích và đơn phương. Năm 2002, Trung Quốc cũng đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) với ASEAN, trong đó các bên cam kết kiềm chế trong tranh chấp tại Biển Đông, chấm dứt việc tiến hành các hoạt động đưa người đến sinh sống tại các thực thể chưa có người sinh sống. Do vậy, hành động của Trung Quốc đã vi phạm cả tinh thần lẫn nội dung của 2 thỏa thuận trên.”
PGS. Jonathan D. London, Đại học Hongkong
Những hành động hung hăng của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng tới quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, cách cư xử của Trung Quốc hiện nay ở Biển Đông đã "vượt ra khỏi" các thông lệ quốc tế. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cảnh báo: “Nếu chúng ta để mặc mọi tình huống phi pháp, trật tự sẽ sớm bị đảo lộn, hòa bình và ổn định sẽ sụp đổ.”
PGS. Jonathan D. London, Đại học Hongkong cho rằng, Trung Quốc không tương xứng với hình ảnh của một nước lớn đang “trỗi dậy hòa bình”: “Trung Quốc là một quốc gia có ảnh hướng lớn trên thế giới vì thế yêu cầu Trung Quốc phải hành xử với tư cách là một nước lớn có trách nhiệm. Để là một quốc gia có trách nhiệm, cần phải tuân theo luật pháp quốc tế. Rõ ràng, đây là điều mà Trung Quốc không thực hiện trong những năm gần đây. Trung Quốc đã nói đến việc trỗi dạy một cách hòa bình nhưng tôi nghĩ là không thể vì Trung Quốc đang áp dụng chính sách ngoại giao pháo hạm”.
Cộng đồng quốc tế đã có phản ứng gay gắt trước tham vọng cưỡng chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Hành động của Bắc Kinh được cho là chà đạp lên luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS mà chính Trung Quốc là thành viên của Công ước này. Đây cũng là một trong những lý do mà Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện tại Tòa án Trọng tài Thường trực Lahaye, một cuộc chiến pháp lý theo cơ chế của UNCLOS về tranh chấp ở Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc./.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét