Kinh tế Trung Quốc suy yếu sẽ khiến cho nước này không còn là mối đe dọa như khi họ còn mạnh mẽ. Thậm chí, sự sụp đổ của kinh tế Trung Quốc được hi vọng có thể sẽ “cứu” cả Biển Đông?
Trung Quốc sẽ bớt hung hăng trên Biển Đông khi kinh tế sụp đổ?
Đó là nhận định của giáo sư người Mỹ gốc Hoa Bùi Mẫn Hân - hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược Keck thuộc Học viện Claremont McKenna, đồng thời là cựu chuyên gia cao cấp của Chương trình châu Á tại Quỹ vì hòa bình quốc tế Carnegie, trên tờ National Interest (Lợi ích quốc gia).
Theo Giáo sư họ Bùi, cách đây không lâu, đã có những dự báo triển vọng hấp dẫn, cũng như những thách thức và rủi ro của nền kinh tế Trung Quốc. Bất chấp tăng trưởng qua các năm không cân bằng, nhưng Bắc Kinh vẫn cố gắng dựa vào đầu tư để tăng sức mạnh, cũng như giữ nhịp độ tăng trưởng cao cho nền kinh tế. May mắn là cơn sốt tăng trưởng tín dụng từ năm 2009 mặc dù đã khiến tỉ lệ nợ của nước này trên GDP lên đến gần 300% - mức độ nguy hiểm đối với một nước có thu nhập trên trung bình, nhưng đã không gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính ở Trung Quốc. Bong bóng bất động sản có lẽ là lớn nhất thế giới đã hình thành nhưng mới chỉ bị rò rỉ chứ chưa sụp đổ hoàn toàn.
Sự tăng trưởng kinh tế may mắn này đã khuyến khích Bắc Kinh theo đuổi một chính sách đối ngoại đầy tham vọng nhưng cũng rủi ro nhất trong vài năm qua.
Nhiều thành viên trong giới tinh hoa Trung Quốc đã hả hê xem sự suy giảm của Hoa Kỳ và các nước phương Tây là không thể đảo ngược và sự trỗi dậy của Trung Quốc là tất yếu không gì cản nổi. Chính sự kiêu căng, ngạo mạn này đã dẫn đến việc Bắc Kinh theo đuổi các chính sách kinh tế và an ninh mà chắc chắn sẽ lần lượt “chôn” các di sản của Đặng Tiểu Bình xuống mồ sâu.
Thay vì duy trì cách tiếp cận “giấu mình, chờ thời”, Bắc Kinh đã mở rộng rất nhiều cam kết kinh tế ở nước ngoài và bắt đầu công khai thách thức trật tự an ninh do Mỹ dẫn dầu ở khu vực Đông Nam Á.
Về mặt kinh tế, Trung Quốc đã cam kết góp vốn hơn 100 tỉ USD cho Ngân hàng Hạ tầng châu Á (AIIB), Ngân hàng Phát triển mới và Quỹ Con đường Tơ lụa mới, một loạt tổ chức tài chính và các cơ cấu được thiết kế để bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài, tích cực cạnh tranh với các định chế tài chính quốc tế hiện có như Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới.
Trong thế giới đang phát triển, Trung Quốc cũng đặt cược nhiều vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn. Ở Mỹ Latinh, Trung Quốc đã cho vay gần 120 tỉ USD từ năm 2005. Tại châu Phi, Trung Quốc đầu tư và cho vay ước tính vượt trên 100 tỉ USD.
Đối mặt với một đối thủ “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, nắm trong tay 4 nghìn tỉ USD dự trữ ngoại tệ như Trung Quốc, tất cả những gì phương Tây có thể làm là lo ngại, dè chừng và công khai phàn nàn về sự phá hủy môi trường cũng như vi phạm nhân quyền mà Trung Quốc gây ra khi hoạt động đầu tư ở nước ngoài.
Bước đi táo bạo nhất mà Trung Quốc đã thực hiện ở thời điểm họ có sức mạnh kinh tế rõ ràng và không thể nghi ngờ chính là cách tiếp đối với với các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông - một trong những tuyến giao thương, hàng hải huyết mạch của cả khu vực và thế giới.
Trong khi các thế hệ lãnh đạo trước của Bắc Kinh cố tình gác lại các tranh chấp khó khăn và tiềm ẩn nguy hiểm ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông và ở Biển Đông, thì những người kế nhiệm họ hiện nay ở Trung Nam Hải lại có cách tiếp cận đối đầu nhiều hơn với niềm tin rằng, với sức mạnh phát triển nhanh chóng về kinh tế và quân sự, Trung Quốc không cần phải tôn trọng lợi ích và sự nhạy cảm của Hoa Kỳ cùng đồng minh, đối tác trong khu vực.
Kết quả là, trong 2 năm qua, Trung Quốc đã bành trướng và đẩy căng thẳng leo thang khi đơn phương áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản và bồi đắp, xây dựng một loạt đảo nhân tạo với quy mô lớn và tốc độ chưa từng có ở các vùng biển tranh chấp tại Biển Đông.
Tin xấu từ nền kinh tế Trung Quốc khiến các nhà đầu tư phản ứng bằng cách tháo chạy. (Ảnh: FT)
Bây giờ động lực của nền kinh tế Trung Quốc cuối cùng cũng dừng lại và điểm yếu của nó đã bộc lộ có thể thấy rõ, câu hỏi rõ ràng đặt ra là liệu Bắc Kinh còn có thể tiếp tục duy trì chính sách đối ngoại diều hâu của mình hay không.
Căn cứ vào những hành vi của Trung Quốc trong quá khứ và những hạn chế cứng hiện tại, có vẻ như nếu có bất kỳ điều gì tích cực xuất hiện trong nền kinh tế Trung Quốc thì đó sẽ là một chính sách ngoại giao bớt hung hăng hơn.
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã lựa chọn chính sách đối ngoại mang lại những rủi ro lớn, trong khi chủ nghĩa thực dụng và thận trọng lại là cách làm việc của những người tiền nhiệm thời hậu Mao Trạch Đông.
Ba người tiền nhiệm của ông Tập là các ông Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào – tất cả đều nhận thức rất rõ sự chênh lệch về quyền lực giữa Trung Quốc và phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ.
Do đó, họ đều có những nhượng bộ chính sách đối ngoại đáng kể khi kinh tế Trung Quốc yếu kém. Ví dụ, Đặng Tiểu Bình đã không để vấn đề Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan ảnh hưởng đến quan hệ thương mại Mỹ - Trung, còn Giang Trạch Dân kiềm chế rất lớn trong vấn đề Đài Loan cuối những năm 1990 để đổi lấy sự ủng hộ của Hoa Kỳ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO.
Nếu tăng trưởng của Trung Quốc trong ngắn hạn đòi hỏi phải tăng cường xuất khẩu nhiều hơn vào các nước phương Tây, thì thật không thể tưởng tượng rằng Bắc Kinh có thể thành công trong nhiệm vụ này khi mà vẫn tiếp tục chính sách cứng rắn, hung hăng ở Biển Đông.
Đồng thời, sự suy giảm kinh tế trong nước cũng sẽ hạn chế đáng kể năng lực tài trợ của Bắc Kinh đối với các dự án kinh tế siêu “khủng” nhưng đầy rủi ro ở bên ngoài biên giới. Nguy cơ vỡ nợ được dự đoán trong những năm tới sẽ khiến Trung Quốc lúng túng và là bài kiểm tra xem Bắc Kinh có thể tiếp tục “rót tiền vào hang thỏ” đến bao giờ.
Quan trọng nhất, việc kinh tế tiếp tục suy yếu sẽ đòi hỏi Trung Quốc phải bố trí lại các nguồn lực tài chính hạn chế của mình để duy trì tăng trưởng Trung Quốc. Và khi đó, ông Tập sẽ buộc phải lựa chọn sự tồn tại của chế độ hay những vinh quang, hào nhoáng bên ngoài.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét