Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Trung Quốc hoàn tất xây dựng căn cứ cho tàu sân bay gần Biển Đông

Quá trình xây dựng cơ bản của căn cứ tàu sân bay thứ hai của Hải quân Trung Quốc ở đảo Hải Nam đã được hoàn thành vào tháng 11/2014.


Tàu sân bay Liêu Ninh (Ảnh CNS)
Tạp chí quân sự Hán Hòa trích dẫn thông tin được đăng tải trên trang mạng của Thời báo Hoàn cầu cho biết với quy mô lớn, căn cứ vừa được hoàn thành có thể đón hai tàu sân bay cùng một lúc.
Theo tạp chí nêu trên, căn cứ tại đảo Hải Nam dài 700 mét và có thể được coi là căn cứ tàu sân bay dài nhất thế giới. Hiện căn cứ tàu sân bay của Hải quân Mỹ tại tỉnh Kanagawa của Nhật Bản chỉ dài 400 mét.
Với quy mô lớn nêu trên, Hải quân Trung Quốc có thể dễ dàng cung cấp các trang thiết bị và nhiêu liệu, cũng như dễ dàng hạ thủy cả hai tàu sân bay.
Quá trình xây dựng căn cứ tàu sân bay thứ hai của Hải quân Trung Quốc bắt đầu năm 2011 và dự kiến hoàn tất trong 4 năm. Căn cứ mới có vị trí địa lý gần với căn cứ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Yulin. Theo đánh giá, nếu hai căn cứ này cùng được triển khai, Trung Quốc sẽ có hệ thống căn cứ đa năng lớn nhất thế giới.
Hồi tháng 10/2012, hệ thống sàn của căn cứ ở đảo Hải Nam đã được hoàn thiện song các công trình bên ngoài vẫn chưa xây xong.
Ngoài ra, khi được Bộ Quốc phòng Trung Quốc giao nhiệm vụ, một đơn vị chuyên phụ trách thiết kế và xây dựng các trạm theo dõi thông tin đã đánh dấu màu xanh trên các mái che. Tạp chí Quân sự Hán Hòa cho rằng đây là các công trình về những hệ thống có nhiệm vụ dẫn đường hoặc do thám cho căn cứ ở đảo Hải Nam.
Sau nhiều tháng xây dựng, Hải quân Trung Quốc đã đưa hai tàu khu trục và một tàu tiếp vận vào căn cứ mới hồi tháng 11/2014, đánh dấu thời điểm căn cứ này chính thức đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, tạp chí quân sự Hán Hòa cho rằng vị trí của căn cứ mới nêu trên và căn cứ tàu ngầm Yulin cùng một làng cá ở gần hiện chưa đạt được tính chiến lược cao. Theo đó, làng cá sẽ phải di dời trong thời gian tới, hoặc cá ngư dân phải đi qua căn cứ tàu sân bay để ra biển. Điều này đồng nghĩa với việc khách du lịch tới đảo Hải Nam có thể theo dõi được các hoạt động của tàu ngầm và tàu sân bay của Hải quân Trung Quốc bằng thuyền cá.
Hiện tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc sản xuất đang được đóng tại nhà máy đóng tàu Đại Liên. Tạp chí quân sự Hán Hòa nhấn mạnh rằng tàu sân bay này nhiều khả năng sẽ được triển khai tại căn cứ ở đảo Hải Nam.
Theo kế hoạch, quá trình đóng tàu sân bay và thử nghiệm tàu sân bay mới của Trung Quốc sẽ được hoàn tất trong năm năm tới. Ngoài ra, để bảo vệ cho các căn cứ ở đây, có khả năng quân đội Trung Quốc sẽ trang bị thêm các hệ thống phòng không trên đảo Hải Nam.



Quân đội Philippines muốn tăng ngân sách quốc phòng để đối phó Trung Quốc

Giới chức lãnh đạo quân đội Philippines ngày 29/7 đã đề nghị quốc hội nước này tăng ngân sách quốc phòng trong 5 năm tới lên gần gấp 3 lần nhằm hiện đại hóa các trang thiết bị quân sự.


Tàu chiến của Hải quân Philippines. (Ảnh AFP)
Tàu chiến của Hải quân Philippines. (Ảnh: AFP)
Phát biểu trong phiên điều trần trước một ủy ban quốc phòng tại Hạ viện Philippines, Thiếu tướng Guillermo Molina cho rằng đang tồn tại khoảng cách giữa nhu cầu chi tiêu mua sắm của quân đội Manila với những loại vũ khí mà quân đội nước này thực tế đang sở hữu.
“Trong thời gian tới, quốc hội Philippines có thể sẽ phải cân nhắc tăng ngân sách quốc phòng thường niên lên mức ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP)”, Thiếu tướng Guillermo Molina khẳng định.
Hiện chính phủ Philippines đã đề ra kế hoạch chi tiêu với tổng trị giá 998 tỷ peso, tương đương 21,95 tỷ USD, để hiện đại hóa các lực lượng trong 15 năm tới.
Trong năm nay, Quốc hội Philippines sẽ cấp 115,8 tỷ peso, chưa tới 1% GDP của nước này, cho quốc phòng. Trong năm 2016, chính phủ đã đề nghị tăng khoản tiền này lên 129,1 tỷ peso.
“So sánh với mức chi tiêu quốc phòng của các quốc gia khác trong khu vực, quân đội Philippines đang ở mức thấp nhất. Chưa kể, các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông thời gian qua cũng làm dấy lên những quan ngại”, Thiếu tướng Molina cho biết thêm.
Nhận định thêm về khả năng của quân đội Philippines lúc này, Thiếu tướng Molina đánh giá Không quân nước này chưa có được những vũ khí cần thiết để bảo vệ các lợi ích. Theo đó, quốc gia Đông Nam Á này không có máy bay chiến đấu hiện đại và phi cơ do thám để theo dõi và phát hiện các hoạt động của đối phương trong vùng lãnh hải của mình.
Thiếu tướng Molina thừa nhận Hải quân Philippines cũng rất cần hiện đại hóa khi chỉ có 2 tàu tuần duyên do Mỹ sản xuất, 3 tàu hộ tống và một số tàu tuần tra từ thời Thế chiến II.
Hiện chưa rõ Philippines sẽ lấy khoản tiền từ đâu để tăng ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên, Nghị sỹ Francisco Acedillo, cựu phi công của Không quân Philippines, cho biết Hạ viện nước này sẽ nghiên cứu đề xuất của quân đội.
“Số liệu đề nghị có thể khiến chúng tôi gặp chút khó khăn song nếu đây là điều mà quốc gia cần, chúng tôi phải tìm ra cách để ủng hộ đề xuất đó”, nghị sỹ Acedillo khẳng định.



Trung Quốc có thể sử dụng “vũ khí mới” trong tranh chấp chủ quyền

Trang tin Reference News của Trung Quốc ngày 27/7 đưa tin nước này có thể triển khai hệ thống vũ khí sử dụng sóng viba WB-1 để chống lại tàu thuyền của các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.


Hệ thống vũ khí WB-1 (Ảnh: Global Times)
Vũ khí sóng viba WB-1 ban đầu được phát triển với mục đích sử dụng cho việc trấn áp các vụ bạo động ở Trung Quốc.
Với khả năng hoạt động trong phạm vi 80km, vũ khí WB-1 có thể gây bỏng nhưng không gây thương vong. Đây là loại vũ khí hoạt động với nguyên lý tương tư như một chiếc lò vi sóng.
Một số nguồn tin cho biết thêm, tại triển lãm hàng không Zhuhai ở tỉnh Quảng Đông hồi năm ngoái, vũ khí WB-1 đã được thử nghiệm cho mục đích sử dụng trên các loại tàu chiến.
Có ý kiến cho rằng Hải quân Trung Quốc đang cân nhắc sử dụng loại vũ khí phi sát thương này trong những lần xảy ra xung đột với các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền với nước này tại biển Đông và biển Hoa Đông.
Trước đây, quân đội Mỹ từng giới thiệu loại vũ khí sử dụng sóng viba hồi năm 2007 và triển khai tới chiến trường Afghanistan hồi năm 2010.
Tuy nhiên, bất chấp đề nghị liên tục được sử dụng loại vũ khí này của giới chức quân đội, chính phủ Mỹ đã không cho phép sử dụng loại vũ khí này để tấn công các nhóm phiến quân ở Afghanistan do lo ngại tác động tới dư luận có thể gây ra từ loại vũ khí này còn nguy hiểm hơn cả vũ khí sát thương.



Trung Quốc điều tra tham nhũng cựu Thứ trưởng môi trường

Ủy ban kiểm tra giám sát kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) ngày 30/7 chính thức lập án điều tra đối với ông Trương Lực Quân, cựu Thứ trưởng Bộ bảo vệ môi trường Trung Quốc do bị tình nghi “vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng” - cụm từ thường chỉ tội tham nhũng.

Ông Trương Lục Quân, cựu Thứ trưởng Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc. (Ảnh: Sina)
Ông Trương Lực Quân, cựu Thứ trưởng Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc. (Ảnh: Sina) 
Báo Sina đưa thông tin trên và cho biết Cựu Thứ Trưởng Trương bị CCDI "sờ gáy" khi đã về hưu được 2 năm. Đây cũng là "con hổ" đầu tiên của Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc bị điều tra trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo Sinaông Trương Lực Quân sinh năm 1952, từng đảm nhân chức vụ Cục trưởng Cục bảo vệ môi trường tỉnh Cát Lâm, Giám đốc Tòa soạn Báo môi trường Trung Quốc trước khi trở thành Vụ trưởng Vụ tài chính kế hoạch thuộc Cục bảo vệ môi trường quốc gia. Sau đó ông Trương được bổ nhiệm làm Tổng Cục Phó Tổng Cục bảo vệ môi trường  quốc gia và được thăng chức lên Thứ trưởng Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc (2008-2013).
Ngay sau khi có thông tin ông Trương Lực Quân bị điều tra tham nhũng, báo chí Trung Quốc đã phanh phui về các tội trạng của ông.
Theo đó, ông Trương đã lợi dụng chức quyền trong thời gian tại vị, thông qua lập ra các chính sách và xây dựng lợi ích nhóm thu về những khoản thu nhập bất chính khổng lồ. Ngoài ra, ông Trương còn thuê xã hội đen để "dằn mặt" đối thủ, Sina viết


Hương Giang


Trung Quốc chống tham nhũng: Trước “đả hổ”, nay “đập muỗi”

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Bloomberg/Getty)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - người đã ví chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay ở nước này với “đả hổ, diệt ruồi” - đang chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện thêm việc “đập muỗi”.
Hãng tin Bloomberg cho biết, từ “đập muỗi” đã được truyền thông Trung Quốc sử dụng nhiều trong thời gian gần đây để chỉ sáng kiến mới về chống tham nhũng ở các vùng nông thôn, làng bản xa xôi.
Khi “những con hổ” đã lẩn trốn, thì “những con muỗi vẫn vo ve và hút máu”, một bài báo của Tân Hoa Xã đăng hôm 4/7 có đoạn viết.
Tăng trưởng đã thấp nhất 25 năm
Nỗ lực chống tham nhũng ở nông thôn cho thấy sự chuyển hướng chính sách của Bắc Kinh sau chiến dịch “đả hổ” kéo dài gần 3 năm khiến hơn 100 quan chức cấp cao bị điều tra và đưa ra xét xử, bao gồm một cựu trợ lý của cựu Chủ tịch nước và một cựu Bộ trưởng Công an.
Với một loạt nhân vật “nguy hiểm” tiềm tàng đã bị xử lý, ông Tập Cận Bình giờ đây có thể giảm bớt áp lực đối với giới tinh hoa chính trị ở Bắc Kinh nhằm tập trung vào chương trình cải cách rộng hơn mà nhà lãnh đạo này đề ra.
“Ở vào một thời điểm nào đó, ông Tập Cận Bình cần rút lui khỏi việc săn lùng những ‘con hổ’ chính trị lớn”, giáo sư chính trị Andrew Wedeman thuộc Đại học Georgia nhận xét. “Nếu cứ tiếp tục tấn công vào những nhân vật cấp cao, thì theo tôi, điều đó sẽ gây chia rẽ và bất ổn”.
Lúc này, ông Tập Cận Bình sẽ cần sức mạnh mà ông tích tụ được từ chiến dịch chống tham nhũng, để thực thi kế hoạch kinh tế nhằm đạt mục tiêu tăng gấp đôi GDP trong thời gian từ nay đến cuối thập kỷ.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hiện đã giảm xuống mức thấp nhất trong 25 năm, trong khi sự sụt giảm chóng mặt của thị trường chứng khoán nước này đã buộc Bắc Kinh phải tung những biện pháp can thiệp chưa từng có tiền lệ.
Theo ước tính của ngân hàng Bank of America, chiến dịch chống tham nhũng đã khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm một điểm phần trăm bởi giới quan chức và nhà giàu nước này không còn “dám” mua những món đồ xa xỉ để làm quà tặng hay phô trương tài sản nữa.
Việc “đả hổ” ở Trung Quốc đến nay vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn.
Mới tuần trước, Ủy ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) của nước này tuyên bố điều tra Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc Zhou Benshun. Hôm 28/3, ông Zhou Benshun, người từng là trợ lý của cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang, đã bị khai trừ Đảng. Bản thân Chu Vĩnh Khang mới đây đã lĩnh án chung thân.
Tuy vậy, số vụ điều tra các quan chức cấp cao đã giảm xuống. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã điều tra 102 quan chức cấp cao trong thời gian từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền vào tháng 11/2012 đến kỳ họp Quốc hội nước này vào tháng 3 năm nay.
Tính trung bình, mỗi tháng có 3,5 vụ điều tra quan chức cấp cao. Tuy vậy, trong vòng 6 tháng đầu năm nay, số vụ điều tra trung bình mỗi tháng giảm còn 2,5 vụ.
“Ruồi vẫn ở khắp mọi nơi”
Trong khi đó, CCDI hôm 17/8 miêu tả việc chống tham nhũng ở nông thôn, hay còn gọi là “đập muỗi”, là “chặng cuối” khốc liệt của chiến dịch chống tham nhũng. Cơ quan công tố cấp cao nhất của Trung Quốc tuần trước đã công bố chiến dịch chống tham nhũng ở các vùng nông thôn, nói rằng sáng kiến này sẽ kéo dài 2 năm.
Nhà chức trách Trung Quốc không lý giải “muỗi” khác với “ruồi” ở giai đoạn trước của chống tham nhũng ở điểm nào. Tuy vậy, cách sử dụng từ ngữ mới này nhấn mạnh khả năng gây hại của đối tượng tham nhũng.
Theo Tân Hoa Xã, phát biểu trước Bộ Chính trị hôm 26/6, ông Tập Cận Bình nói Đảng Cộng sản Trung Quốc “không chấp nhận bất kỳ ngoại lệ nào đối với những người quyền lực” và cũng “không bỏ qua bất kỳ lỗi nhỏ nào”.
“Đảng sẽ thực thi các nguyên tắc và quy định luật pháp để đảm bảo “các quan chức không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không muốn tham nhũng”, ông Tập nói.
Theo CCDI, trong 6 tháng đầu năm nay, cơ quan chức năng Trung Quốc đã mở 12.600 cuộc điều tra nhằm vào các quan chức cấp thấp. “Ruồi vẫn ở khắp mọi nơi và nhiệm vụ diệt ruồi là khó khăn và cấp bách”, bài báo đăng trên website của CCDI viết.
Còn theo ông Steve Tsang, một chuyên gia về Trung Quốc thuộc Đại học Nottingham, ông Tập Cận Bình phải duy trì chiến dịch chống tham nhũng để khiến các đối thủ tiềm năng của ông lúc nào cũng cảm thấy lo sợ.
“Có một sự phản kháng không hề nhỏ đối với ông Tập, và những người không ủng hộ việc ông ấy làm đang chờ thời cơ để ‘bật’ lại”, ông Tsang nói và so sánh việc ông Tập chống tham nhũng như “cưỡi trên lưng hổ”.
“Ông Tập không thể dừng lại mà không bị hổ đe dọa. Bởi thế, ông ấy phải tiếp tục”.



Trò chơi hai mặt của Trung Quốc tại Ukraina

Chính sách Ukraina của Trung Quốc xem ra đầy mâu thuẫn khi Bắc Kinh vừa “sát cánh” bên Moskva trong cuộc đối đầu với phương Tây, vừa âm thầm “giang tay cứu vớt” nền kinh tế của Kiev.

Tờ Financial Times số ra ngày 6/7/2015 đã cung cấp một thông tin khiến nhiều người bất ngờ. Đó là việc Ukraina đã vượt qua Mỹ, trở thành nước xuất khẩu lớn nhất cho Trung Quốc. Điều này gây ngạc nhiên lớn, bởi Mỹ đã giữ vị trí gần như độc quyền về xuất khẩu ngô sang Trung Quốc trong nhiều năm. Hơn thế nữa, vai trò của Kiev trong việc cung cấp thực phẩm cho cường quốc đông dân nhất thế giới cũng đã mở rộng vượt ra ngoài ngô. Đáng chú ý, kể từ sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea, thương mại nông nghiệp giữa Ukraina và Trung Quốc đã tăng 56%.
Đó là một nghịch lý. Bởi một mặt, Trung Quốc vẫn “im hơi lặng tiếng” về vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraina. Bắc Kinh thậm chí còn “giúp đỡ” Moskva, thách thức phương Tây khi thúc đẩy một loạt hợp đồng lớn mua dầu mỏ và khí đốt của Nga, mặc dù bản thân cũng đã tìm được sự đảm bảo năng lượng nhất định cho nền kinh tế số 2 thế giới của mình từ việc mở rộng các hợp đồng dầu khí với Trung Á. Mặt khác, Trung Quốc lại “giang tay cứu vớt” nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá của Ukraina bằng đầu tư và thương mại. Nói không ngoa thì nguồn tài chính từ Bắc Kinh đã đóng góp rất lớn vào sự hồi sinh của ngành nông nghiệp từng rất phát triển của Kiev.
Thoạt nhìn, chính sách đối với Ukraina của Trung Quốc có vẻ mâu thuẫn, nhưng rõ ràng chiến lược của Bắc Kinh ở không gian hậu Xôviết là duy trì không liên kết một cách thực dụng. Trung Quốc nhận ra những lợi ích của việc cân bằng các mối liên kết thương mại với Nga và Ukraina và rất biết tận dụng cơ hội nhập khẩu với chi phí thấp hơn từ nền kinh tế đang khủng hoảng của Kiev. Bắc Kinh khá rạch ròi trong chiến lược kinh tế và ngoại giao đối với Kiev.
Trong khi, nhìn về phía Ukraina, “chơi” với Trung Quốc lúc này như kiểu “chết đuối vớ được cọc”, bất kể cái “cọc” đó dễ lung lay hay vững chắc. Trung Quốc đang tạo thuận lợi cho Ukraina tái thiết nền kinh tế từ đống tro tàn chiến tranh, mở rộng các ngành công nghiệp tăng trưởng của Ukraina như công nghệ thông tin và xây dựng bất động sản. Thị trường Trung Quốc cũng sẽ là một thị trường mới, đáng tin cậy cho các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Ukraina.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải) và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ hôm 21/1. Ảnh: gov.cn
Việc chuyển hướng trọng tâm sang Trung Quốc của Ukraina cũng có thể giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế có truyền thống của nước này vào Nga. Bởi, mặc dù hai bên đang có xung đột với nhau nhưng Nga vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Ukraina. Tăng cường hợp tác kinh tế Trung Quốc - Ukraina cũng có thể bù đắp cho sự giúp đỡ tài chính miễn cưỡng của phương Tây dành cho “anh lính tiền tiêu chống Nga” này.
Sẽ là thiếu sót nếu cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraina đã khiến Nga - Trung “bắt tay nhau” chống phương Tây. Thực tế cần phải nhìn nhận rằng, Ukraina đã trở thành một nơi cạnh tranh kinh tế giữa hai cường quốc này, thay vì là một cơ sở cho việc hợp tác chiến lược lâu dài. Để giải thích điều này, cần nhìn vào bối cảnh lịch sử quan hệ Ukraina - Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Việc tăng cường liên kết kinh tế giữa Ukraina và Trung Quốc đã có từ trước khi Nga sáp nhập Crimea, bắt đầu từ thời ông Viktor Yushchenko (2004-2010) làm Tổng thống và tiếp tục mở rộng dưới thời Tổng thống Viktor Yanukovych. Những tưởng, quan hệ Trung - Ukraina sẽ bước vào “vận rủi” khi kinh tế Kiev sụp đổ với mức nợ tăng vọt sau khi Crimea trở về với Nga, nhưng đến thời Tổng thống Petro Poroshenko, ông này lại ủng hộ mối quan hệ gần gũi với Liên minh châu Âu và Trung Quốc trong việc chống lại ảnh hưởng của Nga. Trung Quốc không bị ràng buộc bởi sự cân bằng quan hệ giữa Nga và Ukraina. Kết quả là, Trung Quốc chiếm thế thượng phong trong “Trò chơi lớn” với Ukraina.
Ngay cả trước khi làn sóng biểu tình Maidan nổ ra cuối năm 2013, Trung Quốc tuyên bố có ý định thuê lại 5% đất trang trại của Ukraina. Sau vụ sáp nhập Crimea năm 2014, Trung Quốc đều đặn tăng phạm vi ảnh hưởng lên đất nông nghiệp ở Ukraina. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đầu tư đáng kể trong các lĩnh vực khác. Tháng 3-2015, Trung Quốc cho Ukraina vay 15 tỉ USD trong 15 năm, tái thiết nền kinh tế từ đống tro tàn chiến tranh nâng đỡ thị trường bất động sản của nước này. Quan hệ giữa hai nước còn sâu sắc hơn trong lĩnh vực công nghiệp hàng không, công nghệ thông tin, những ngành công nghiệp tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế thiếu tiền mặt của Ukraina.
Bản thân Kiev cũng đón nhận đầu tư của Trung Quốc bằng thái độ hoan nghênh, thậm chí kỳ vọng đầu tư trong tương lai của Bắc Kinh ở Kiev có thể phát triển như hợp tác kinh tế sâu sắc giữa Trung Quốc và Belarus. Tại Belarus, Trung Quốc đã bảo lãnh cho 5 dự án lớn, từ các nhà máy hidrocarbon cho đến khu công nghiệp.
Tuy nhiên, cũng có một số khác bi quan về phạm vi, khả năng đầu tư của Trung Quốc do tình hình kinh tế bất ổn kéo dài ở Ukraina. Gần đây, thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp đổ cũng cảnh báo các nhà đầu tư Ukraina và đặt câu hỏi về sự ổn định lâu dài của nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng bất chấp những vấn đề này, khu vực tư nhân của Ukraina đã bước vào một “vòng xoáy chết” nếu không tiếp tục củng cố các liên kết kinh doanh với Trung Quốc.
“Gió đã đổi chiều”, “tam giác chiến lược” Trung Quốc - Ukraina -Nga cũng đã có chuyển biến mạnh mẽ do cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 1 năm qua tại Ukraina. Nếu như hồi 2012, khi ông Yanukovych tuyên bố việc xây dựng một thỏa thuận ba bên với Nga và Trung Quốc, bao gồm vận chuyển đường sắt và các dự án đường ống dẫn xuất khẩu nguyên liệu, Ukraina là quốc gia có thể quyết định mức độ “qua lại” với Trung Quốc trong liên quan đến Nga, thì bây giờ, Trung Quốc với túi tiền rủng rỉnh đang là điểm tựa mà cả Nga và Ukraina đều phải “trông cậy” vào.



Trung Quốc: Thăng giáng minh bạch, quyết đấu tham nhũng

Văn phòng Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) ngày 28/7 thông báo CPC đã ban hành quy định mới về đề bạt và giáng cấp cán bộ, đồng thời tăng cường quản lý nhằm xây dựng môi trường chính trị lành mạnh, minh bạch đặc biệt trong việc quản lý và sử dụng cán bộ, hỗ trợ cho cuộc chiến chống tham nhũng…

Từ Tài Hậu và những cọc tiền thu giữ tại nhà riêng
Theo Tân Hoa xã, Quy định mới được đề ra nhằm khắc phục một vấn đề tồn tại từ lâu, theo đó các cán bộ được đề bạt hoặc duy trì ở một cấp bậc, song không bị giáng cấp trừ khi vi phạm kỷ luật của CPC hoặc phạm pháp. 
Củng cố bộ máy, đấu với quan tham
Theo đó, các cán bộ đương nhiệm cần tuân thủ các nguyên tắc của CPC, trung thực, liêm khiết, có trách nhiệm, mẫn cán và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao. CPC sẽ đề bạt các cán bộ có năng lực, thay thế những cá nhân yếu kém và sa thải những người không đủ khả năng hoặc có hành vi tham nhũng. 
Bên cạnh đó, CPC đặt mục tiêu củng cố bộ máy cán bộ bằng cách bổ nhiệm các quan chức có năng lực vào vị trí phù hợp, loại trừ các tác phong công việc không lành mạnh như thiếu tích cực trong hoạt động chính trị, lơ là trách nhiệm và lạm dụng chức quyền. Các cán bộ bị phát hiện năng lực yếu kém hoặc thiếu chủ động trong việc hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị cách chức.
Cùng với việc quy định minh bạch hóa việc xử lý cán bộ, Trung Quốc tiếp tục mạnh tay với tham nhũng. Cùng ngày 28/7, Tân Hoa xã đưa tin Dương Cương (Yang Gang), nguyên Bí thư Thành ủy Urumqi, thủ phủ Khu tự trị Tân Cương, miền Tây Trung Quốc, đã bị buộc tội tham nhũng. Ông Dương Cương bị buộc tội nhận hối lộ, “trục lợi cho người khác” và “nhận các tài sản khổng lồ từ người khác một cách phi pháp”. Cựu quan chức này giữ cương vị Bí thư Thành ủy Urumqi từ năm 1999 - 2006. 
Chưa hết, Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo, Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc (miền Bắc nước này) Chu Bản Thuận cũng đã bị cách chức. Bên cạnh đó, Chu Bản Thuận còn bị cách chức Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân tỉnh Hà Bắc - cơ quan lập pháp địa phương. Hiện Chu Bản Thuận đang bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) Đảng Cộng sản Trung Quốc điều tra với cáo buộc “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật”.
Trước đó, chính quyền Bắc Kinh thông báo cách chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao đối với ông Tiếu Thiên do bị điều tra tham nhũng. Theo CCDI, họ đã đặt ông Tiếu Thiên vào vòng điều tra do bị tình nghi “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và luật pháp”, cụm từ dùng để ám chỉ tội tham nhũng. Tờ Bắc Kinh Thời báo cho hay, nhân kỳ thanh tra hồi tháng 11/2014, Ban Kiểm tra và Kỷ luật cùng với Ban Tổ chức Trung ương Đảng đã phát hiện nhiều vấn đề trong công tác quản lý ngành thể thao. 
Ông Tiếu Thiên cùng với vợ là bà Điền Hoa, cũng là cán bộ nhà nước, bị nghi ngờ có hành động tuyển chọn mờ ám các vận động viên điền kinh và can thiệp vào nhiều giải đấu. Ông Thiên và vợ còn bị nghi ngờ hối lộ một số quan chức và trọng tài tại các giải đấu quốc gia hồi năm 2013. Từng là một tay kiếm thuật cừ khôi, ông Tiếu Thiên là quan chức cao cấp nhất trong ngành thể thao bị hạ bệ trong chiến dịch chống tham nhũng.
Bên lĩnh vực tư pháp, một quan chức cao cấp khác - Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao - cũng đang nằm trong danh sách đối tượng bị điều tra vì tham nhũng, trở thành thẩm phán cao cấp nhất bị chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình nhắm tới. Ông Hề Hiểu Minh, 61 tuổi, là Thẩm phán tại Tòa án Tối cao từ năm 1982, bị nghi ngờ “vi phạm kỷ luật của Đảng” và “vi phạm luật pháp”, theo thông cáo của Ủy ban Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trước nữa, ông Lệnh Kế Hoạch, nhân vật thân tín của cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng bị khai trừ khỏi Đảng và chính thức bị bắt giữ. Phóng viên Le Figaro Patrick Saint Paul ở Bắc Kinh nhận xét: “Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình quả là không ngơi nghỉ. Tư pháp Trung Quốc chuẩn bị xét xử một con “hổ” mới - Lệnh Kế Hoạch, nguyên là cố vấn của ông Hồ Cẩm Đào - và chỉ vài tuần sau khi kết án tù chung thân cựu Sa hoàng của ngành an ninh Chu Vĩnh Khang”. 
Ông Lệnh Kế Hoạch bị cáo buộc nhiều sai phạm nghiêm trọng: vi phạm kỷ luật tổ chức, kỷ luật bảo mật... lạm dụng quyền thế, tham ô, nhận đút lót, ngoại tình... Cũng theo Le Figaro, trong một xã luận của Hoàn Cầu Thời báo, tác giả Quốc Bình - bút hiệu được chính quyền sử dụng khi muốn cho ý kiến về một sự kiện chính trị hay kinh tế quan trọng – vụ án Lệnh Kế Hoạch được nêu lên như một lời cảnh cáo đối với đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, để họ không lập bè phái, tránh đeo đuổi quyền lợi cá nhân trong Đảng, hay có “những hành động chống đối hay tự phụ”.
Chu Vĩnh Khang trước Tòa 
Quân đội phải chấm dứt tham nhũng
Còn theo một thông cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc mới đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã lên án những hành vi sai trái của cố Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu làm tổn hại đến uy tín của quân đội nước này.
Phát biểu trước các sĩ quan quân đội tại Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cũng là Chủ tịch Quân ủy Trung ương một lần nữa nhấn mạnh đến mục đích bài trừ tham nhũng trong guồng máy quân đội. Lần đầu tiên lãnh đạo Trung Quốc đã nêu đích danh cố Thượng tướng Từ Tài Hậu, người đã bị điều tra vì tham nhũng, bị phát hiện lợi dụng chức vụ giúp đỡ một số nhân vật thăng quan tiến chức trước khi qua đời vào tháng 3/2015 vì bệnh ung thư. 
Chủ tịch Tập Cận Bình đã lên án: “Những hoạt động bất hợp pháp của tướng Từ Tài Hậu đã gây thiệt hại to lớn và ăn sâu trong hàng ngũ quân đội”. Ông Tập kêu gọi các tướng lĩnh Trung Quốc hãy “vứt bỏ ảnh hưởng của Từ Tài Hậu trong cách tư duy, trong cách tổ chức và trong công việc hàng ngày để quay trở lại với truyền thống vẻ vang của Hồng quân” - truyền thống anh hùng đã dẫn tới thắng lợi của cách mạng năm 1949.
Phó Chánh án TANDTC Hề Hiểu Minh 
Thu hồi 38,7 tỷ NDT 
Tại Trung Quốc, chiến dịch chống tham nhũng đã được Chủ tịch Tập Cận Bình đẩy mạnh kể từ khi lên cầm quyền cách đây hơn 2 năm. Đã có khoảng 27.000 đảng viên, quan chức bị trừng phạt vì các hành vi tham nhũng. 
Kể từ sau Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, hơn 100 quan chức từ cấp Thứ trưởng, Quân đoàn trở lên bị điều tra xử lý, trong đó có 4 Ủy viên Trung ương và 11 Ủy viên Dự khuyết. 
Theo tờ “Nhân dân Nhật báo”, tính tới ngày 25/6, trong năm 2015, ở Trung Quốc đã có 14 quan chức cấp tỉnh, Bộ trở lên “ngã ngựa” vì nhúng chàm. Con số này của cả năm 2013 là 17 người và năm 2014 là hơn 40 người.
Các số liệu thống kê mới nhất vừa được công bố cũng cho biết, Trung Quốc đã truy thu 38,7 tỷ nhân dân tệ (NDT), tương đương 6,2 tỷ USD, thất thoát do hành vi hối lộ, trong bối cảnh nước này thực thi chiến dịch chống tham nhũng với quy mô lớn. Theo tờ Nhân dân Nhật báo, các quan chức bị buộc tội tham nhũng của Trung Quốc đã phải trả lại đất đai và tài sản có được do nhận hối lộ. 
Lệnh Kế Hoạch 
Cơ quan chống tham nhũng cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho hay số tiền được thu hồi trên trong giai đoạn từ sau một hội nghị cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 11/2012 đến tháng 6/2015. Những cá nhân và doanh nghiệp hưởng lợi bất hợp pháp từ các khoản miễn giảm thuế cũng phải hoàn trả số tiền có được. 
Kể từ khi lên nắm quyền điều hành đất nước từ năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ đạo thực hiện một chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt để trừng phạt các hành vi tham nhũng và hối lộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và điều hành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Mục tiêu của chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc trải rộng nhiều lĩnh vực bao gồm doanh nghiệp quốc doanh, năng lượng và quốc phòng…



 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons