Chính sách Ukraina của Trung Quốc xem ra đầy mâu thuẫn khi Bắc Kinh vừa “sát cánh” bên Moskva trong cuộc đối đầu với phương Tây, vừa âm thầm “giang tay cứu vớt” nền kinh tế của Kiev.
Tờ Financial Times số ra ngày 6/7/2015 đã cung cấp một thông tin khiến nhiều người bất ngờ. Đó là việc Ukraina đã vượt qua Mỹ, trở thành nước xuất khẩu lớn nhất cho Trung Quốc. Điều này gây ngạc nhiên lớn, bởi Mỹ đã giữ vị trí gần như độc quyền về xuất khẩu ngô sang Trung Quốc trong nhiều năm. Hơn thế nữa, vai trò của Kiev trong việc cung cấp thực phẩm cho cường quốc đông dân nhất thế giới cũng đã mở rộng vượt ra ngoài ngô. Đáng chú ý, kể từ sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea, thương mại nông nghiệp giữa Ukraina và Trung Quốc đã tăng 56%.
Đó là một nghịch lý. Bởi một mặt, Trung Quốc vẫn “im hơi lặng tiếng” về vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraina. Bắc Kinh thậm chí còn “giúp đỡ” Moskva, thách thức phương Tây khi thúc đẩy một loạt hợp đồng lớn mua dầu mỏ và khí đốt của Nga, mặc dù bản thân cũng đã tìm được sự đảm bảo năng lượng nhất định cho nền kinh tế số 2 thế giới của mình từ việc mở rộng các hợp đồng dầu khí với Trung Á. Mặt khác, Trung Quốc lại “giang tay cứu vớt” nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá của Ukraina bằng đầu tư và thương mại. Nói không ngoa thì nguồn tài chính từ Bắc Kinh đã đóng góp rất lớn vào sự hồi sinh của ngành nông nghiệp từng rất phát triển của Kiev.
Thoạt nhìn, chính sách đối với Ukraina của Trung Quốc có vẻ mâu thuẫn, nhưng rõ ràng chiến lược của Bắc Kinh ở không gian hậu Xôviết là duy trì không liên kết một cách thực dụng. Trung Quốc nhận ra những lợi ích của việc cân bằng các mối liên kết thương mại với Nga và Ukraina và rất biết tận dụng cơ hội nhập khẩu với chi phí thấp hơn từ nền kinh tế đang khủng hoảng của Kiev. Bắc Kinh khá rạch ròi trong chiến lược kinh tế và ngoại giao đối với Kiev.
Trong khi, nhìn về phía Ukraina, “chơi” với Trung Quốc lúc này như kiểu “chết đuối vớ được cọc”, bất kể cái “cọc” đó dễ lung lay hay vững chắc. Trung Quốc đang tạo thuận lợi cho Ukraina tái thiết nền kinh tế từ đống tro tàn chiến tranh, mở rộng các ngành công nghiệp tăng trưởng của Ukraina như công nghệ thông tin và xây dựng bất động sản. Thị trường Trung Quốc cũng sẽ là một thị trường mới, đáng tin cậy cho các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Ukraina.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải) và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ hôm 21/1. Ảnh: gov.cn
Việc chuyển hướng trọng tâm sang Trung Quốc của Ukraina cũng có thể giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế có truyền thống của nước này vào Nga. Bởi, mặc dù hai bên đang có xung đột với nhau nhưng Nga vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Ukraina. Tăng cường hợp tác kinh tế Trung Quốc - Ukraina cũng có thể bù đắp cho sự giúp đỡ tài chính miễn cưỡng của phương Tây dành cho “anh lính tiền tiêu chống Nga” này.
Sẽ là thiếu sót nếu cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraina đã khiến Nga - Trung “bắt tay nhau” chống phương Tây. Thực tế cần phải nhìn nhận rằng, Ukraina đã trở thành một nơi cạnh tranh kinh tế giữa hai cường quốc này, thay vì là một cơ sở cho việc hợp tác chiến lược lâu dài. Để giải thích điều này, cần nhìn vào bối cảnh lịch sử quan hệ Ukraina - Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Việc tăng cường liên kết kinh tế giữa Ukraina và Trung Quốc đã có từ trước khi Nga sáp nhập Crimea, bắt đầu từ thời ông Viktor Yushchenko (2004-2010) làm Tổng thống và tiếp tục mở rộng dưới thời Tổng thống Viktor Yanukovych. Những tưởng, quan hệ Trung - Ukraina sẽ bước vào “vận rủi” khi kinh tế Kiev sụp đổ với mức nợ tăng vọt sau khi Crimea trở về với Nga, nhưng đến thời Tổng thống Petro Poroshenko, ông này lại ủng hộ mối quan hệ gần gũi với Liên minh châu Âu và Trung Quốc trong việc chống lại ảnh hưởng của Nga. Trung Quốc không bị ràng buộc bởi sự cân bằng quan hệ giữa Nga và Ukraina. Kết quả là, Trung Quốc chiếm thế thượng phong trong “Trò chơi lớn” với Ukraina.
Ngay cả trước khi làn sóng biểu tình Maidan nổ ra cuối năm 2013, Trung Quốc tuyên bố có ý định thuê lại 5% đất trang trại của Ukraina. Sau vụ sáp nhập Crimea năm 2014, Trung Quốc đều đặn tăng phạm vi ảnh hưởng lên đất nông nghiệp ở Ukraina. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đầu tư đáng kể trong các lĩnh vực khác. Tháng 3-2015, Trung Quốc cho Ukraina vay 15 tỉ USD trong 15 năm, tái thiết nền kinh tế từ đống tro tàn chiến tranh nâng đỡ thị trường bất động sản của nước này. Quan hệ giữa hai nước còn sâu sắc hơn trong lĩnh vực công nghiệp hàng không, công nghệ thông tin, những ngành công nghiệp tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế thiếu tiền mặt của Ukraina.
Bản thân Kiev cũng đón nhận đầu tư của Trung Quốc bằng thái độ hoan nghênh, thậm chí kỳ vọng đầu tư trong tương lai của Bắc Kinh ở Kiev có thể phát triển như hợp tác kinh tế sâu sắc giữa Trung Quốc và Belarus. Tại Belarus, Trung Quốc đã bảo lãnh cho 5 dự án lớn, từ các nhà máy hidrocarbon cho đến khu công nghiệp.
Tuy nhiên, cũng có một số khác bi quan về phạm vi, khả năng đầu tư của Trung Quốc do tình hình kinh tế bất ổn kéo dài ở Ukraina. Gần đây, thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp đổ cũng cảnh báo các nhà đầu tư Ukraina và đặt câu hỏi về sự ổn định lâu dài của nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng bất chấp những vấn đề này, khu vực tư nhân của Ukraina đã bước vào một “vòng xoáy chết” nếu không tiếp tục củng cố các liên kết kinh doanh với Trung Quốc.
“Gió đã đổi chiều”, “tam giác chiến lược” Trung Quốc - Ukraina -Nga cũng đã có chuyển biến mạnh mẽ do cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 1 năm qua tại Ukraina. Nếu như hồi 2012, khi ông Yanukovych tuyên bố việc xây dựng một thỏa thuận ba bên với Nga và Trung Quốc, bao gồm vận chuyển đường sắt và các dự án đường ống dẫn xuất khẩu nguyên liệu, Ukraina là quốc gia có thể quyết định mức độ “qua lại” với Trung Quốc trong liên quan đến Nga, thì bây giờ, Trung Quốc với túi tiền rủng rỉnh đang là điểm tựa mà cả Nga và Ukraina đều phải “trông cậy” vào.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét