Bài toán phát triển động cơ phản lực nội địa của Trung Quốc sau hàng chục năm vẫn chưa có lời giải.
Tạp chí quân sự Jane’s dẫn nguồn tin giấu tên từ ngành công nghiệp hàng không Ukraine cho biết, Trung Quốc đang phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ động cơ phản lực của Ukraine tương tự như những gì đã từng xảy ra với công nghệ động cơ phản lực mà nước này có từ Nga.
Thậm chí các kỹ sư thuộc phòng thiết kế động cơ Ivchenko-Progress của Ukraine còn cho rằng, mặc dù Trung Quốc có cố gắng trong chương trình phát triển động cơ phản lực thế hệ mới của nước này, nhưng những nỗ lực này vẫn còn khá lúng túng do giới hạn về mặt công nghệ mặc dù Bắc Kinh luôn tự hào rằng mình đã có thể tự thiết kế và sản xuất một số dòng động cơ nội địa.
Trước đó vào tháng 11/2012, Tổng công ty công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) từng giới thiệu mẫu động cơ phản lực thế hệ mới có tên Minshan tại triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải-2012. Vào thời điểm đó cả AVIC và Tổng công ty xuất nhập khẩu hàng không Trung Quốc (CATIC) đều tuyên bố rằng Minshan sẽ mẫu động cơ được trang bị trên dòng máy bay huấn luyện phản lực thế hệ mới L-15 của nước này.
Tuy nhiên, sau đó L-15 lại được trang bị các động cơ phản lực AI-222-25 do Ivchenko-Progress phát triển và chúng được sản xuất tại nhà máy chế tạo động cơ Motor Sich ở Zaporozhye, miền đông nam Ukraine.
Phòng thiết kế Ivchenko-Progress nay là công ty Ivchenko-Progress là một trong những nơi chế tạo động cơ hàng đầu của Liên Xô còn hoạt động cho tới tận ngày nay. Do Ivchenko-Progress thừa hưởng khá nhiều thành tựu công nghệ hàng không trong việc thiết kế và chế tạo các dòng động cơ phản lực từ Liên Xô, bên cạnh đó công ty này còn hợp tác với các công ty hàng không hàng đầu của Nga trước khi xung đột Ukraine nổ ra vào năm 2014.
Một số quan chức của Ivchenko-Progress còn nhận định Ivchenko-Progress hoàn toàn có thể cạnh tranh trực tiếp với các công ty chế tạo động cơ phản lực của Nga, điển hình như công ty chế tạo động cơ Salyut của Nga có trụ sở Moscow.
Phía Ukraine cho rằng Salyut chỉ có thể tiếp tục phát triển một mẫu động cơ phản lực nếu như hợp tác với một công ty chế tạo động cơ khác.
Ivchenko-Progress còn lấy dẫn chứng cụ thể là đề án phát triển động cơ phản lực tiên tiến dành cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Nga. Salyut đã buộc phải liên kết với một công ty khác là NPO Saturn cũng của Nga để phát triển một mẫu động cơ phản lực mới thay thế cho mẫu động cơ AL-41F1S (117S) vốn đang được trang bị cho các máy bay tiêm kích đa năng Su-35 và các nguyên mẫu máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 PAK FA của Nga hiện tại.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét