Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2015

Trung - Nga đua nhau gom vàng

Nhân cơ hội giá vàng xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, ngân hàng trung ương nhiều nước như Trung Quốc và Nga đẩy mạnh mua vào kim loại quý này cho dự trữ quốc gia - tờ Wall Street Journal cho hay.


Bên trong một tiệm vàng ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc
Bên trong một tiệm vàng ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc
Thời gian qua, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sắp tăng lãi suất đã đẩy tỷ giá đồng USD mạnh, kéo giá vàng chạm đáy của gần 6 năm. Nhiều quỹ lớn đã mạnh tay bán tháo vàng.
Tuy nhiên, sự hoảng sợ này của thị trường lại được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) xem là cơ hội để gom vàng.
Theo số liệu của PBoC, dự trữ vàng của Trung Quốc vào thời điểm cuối tháng 11 vừa qua là 1.743 tấn, tăng 5,1% so với mức 1.658 tấn vào thời điểm tháng 7. Từ năm 2009 đến nay, dự trữ vàng của Trung Quốc đã tăng khoảng 60%.
Nhiều chuyên gia tin rằng nếu không có hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương, giá vàng có thể đã giảm sâu hơn. Sáng 11/12, giá vàng quốc tế ở dưới ngưỡng 1.070 USD/oz, gần mức thấp nhất kể từ đầu năm 2009.
“Nếu không nhờ ngân hàng trung ương Trung Quốc và Nga bắt đáy, thì giá vàng đã giảm dưới 1.000 USD/oz”, chuyên gia kinh tế trưởng Bill Hubard của công ty Bullion Capital nhận định.
Theo giới phân tích, việc PBoC gom vàng có thể xuất phát từ một số mục đích, bao gồm đa dạng hóa dự trữ ngoại hối khổng lồ và đi theo con đường của các ngân hàng trung ương lớn khác xây dựng dự trữ vàng như một cách để tích trữ giá trị.
Dự trữ vàng của PBoC hiện chỉ chiếm 1,6% dự trữ ngoại hối, một tỷ lệ thấp hơn nhiều so với của các ngân hàng trung ương phương Tây. Nhiều nước phương Tây có tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối lên tới hơn 60% - theo ông Ross Norman, Giám đốc điều hành công ty môi giới vàng Sharps Pixley có trụ sở ở London.
Khối lượng vàng dự trữ của Trung Quốc hiện chỉ bằng 20% so với dự trữ vàng của Mỹ.
“Chúng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Trung Quốc tiếp tục mua vàng trong những năm tới, bởi xét tới quy mô của nền kinh tế Trung Quốc, thì mức dự trữ vàng của nước này hiện nay là chưa tương xứng”, ông Norman nói. Nhà môi giới này dự báo, PBoC sẽ tranh thủ mua vàng mỗi đợt giá giảm sâu
Việc Trung Quốc mua nhiều vàng hơn trong năm nay có thể một phần xuất phát từ nỗ lực của nước này thuyết phục Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa đồng Nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới. Các nhà phân tích cho rằng một khi Trung Quốc có nhiều vàng hơn trong quốc khố, các nhà đầu tư sẽ tin tưởng hơn khi nắm giữ đồng Nhân dân tệ.
“Chúng tôi tin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng nắm giữ vàng để đa dạng hóa dự trữ ngoái hối và cũng để phát tín hiệu về sức mạnh”, ông Seamus Donoghue, Giám đốc điều hành công ty giao dịch vàng Allocated Bullion Solutions ở Singapore, nhận định.
Tuy nhiên, PBoC không phải là ngân hàng trung ương duy nhất mua vàng dự trữ trong năm nay.
Theo số liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), trong quý 3 vừa qua, Nga mua ròng 77,2 tấn vàng cho dự trữ quốc gia, nâng tổng mức dự trữ lên 1.352 tấn.
Cũng giống như Trung Quốc, Nga đang giảm nắm giữ các tài sản USD trong dự trữ ngoại hối - ông Norman cho biết. “Tốc độ mua vàng của Nga trong năm 2015 là rất mạnh, và xu hướng này sẽ còn duy trì”, nhà môi giới nói.
Các quốc gia khác tăng dự trữ vàng trong năm nay bao gồm Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ukraine, Malaysia, Kazakhstan, Jordan và Belarus.
Mặc dù vậy, “số phận” của vàng chủ yếu vẫn được quyết định bởi giao dịch trên các sản vàng quốc tế và nhu cầu vàng vật chất, nhất là nhu cầu của người tiêu dùng ở Ấn Độ và Trung Quốc - hai nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới.
Một số nhà phân tích tin giá vàng có thể giảm sâu hơn nếu FED tăng lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào ngày 15-16/12.
“Nếu FED tăng lãi suất lần này, giá vàng sẽ về mức 1.050 USD/oz”, ông Barnabas Chen, nhà phân tích thuộc ngân hàng OCBC, nhận định. Theo ông Chen, giá vàng có thể giảm về mức 950 USD/oz trong năm 2016 nếu FED tiếp tục nâng lãi suất.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons