Ngày 15-1, Tân Hoa xã dẫn tuyên bố của ông Phùng Văn Hải, Phó thị trưởng của cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, theo đó chào đón các nguồn đầu tư tư nhân và “sẽ bắt đầu chương trình đối tác công - tư”.
Ông Phùng Văn Hải còn cho biết, trong năm 2016, sân bay trên đảo Phú Lâm sẽ tiếp nhận các chuyến bay thường xuyên từ Trung Quốc.
Bắc Kinh sẽ thúc đẩy xây dựng cầu tàu và phủ sóng wifi tại toàn bộ các đảo có người ở, xây dựng cầu tàu đơn giản tại các đảo không người ở mà Trung Quốc kiểm soát trái phép ở Hoàng Sa và Trường Sa; quy hoạch xây dựng trung tâm cứu hộ điều trị trên biển; hoàn thiện và đưa vào sử dụng tuyến cáp quang đáy biển.
Ngoài ra, Trung Quốc còn xây dựng tòa án tại đảo Phú Lâm để “xét xử” công dân nước ngoài khi xâm phạm cái gọi là “chủ quyền Trung Quốc”. Khi được hỏi về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Gabrielle Price cho biết, Washington tiếp tục kêu gọi tất cả các bên tranh chấp ngừng hoạt động cải tạo, xây dựng các cơ sở mới và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông.
Cũng trong ngày 15-1, tờ Financial Times đưa tin, Trung Quốc đã tăng cường xây dựng 3 đường băng bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam sau khi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình thăm Washington hồi tháng 9-2015, với cam kết “không quân sự hóa Biển Đông”. Điều này cho thấy những nỗ lực của Mỹ trong việc chống lại sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông còn hạn chế.
Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Mỹ, ông Gregory Poling cho rằng, đường băng tại bãi đá Xu Bi và Vành Khăn đã gần như hoàn thành, trong đó việc xây dựng ở Vành Khăn diễn ra nhanh gấp đôi những gì đã làm ở Chữ Thập. CSIS nêu rõ, ngoài đường băng trên bãi đá Chữ Thập, Trung Quốc đã gần hoàn thành việc xây dựng đường băng dài 2.644m trên bãi đá Vành Khăn và đường băng dài 3.250m trên bãi đá Xu Bi.
Tốc độ xây dựng tại Xu Bi và Vành Khăn cho thấy, Bắc Kinh tiếp tục quân sự hóa ở Biển Đông bất chấp sự phản đối của Mỹ và các nước hữu quan. Và hành vi bay thử nghiệm của Trung Quốc là nhằm thúc đẩy yêu sách chủ quyền vô lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Ông Gregory Poling còn cho rằng, Bắc Kinh muốn đẩy nhanh tốc độ quân sự hóa ở Biển Đông, nhằm tạo sự đã rồi trước khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết về vụ kiện “đường lưỡi bò” vào giữa năm 2016. Trung Quốc cho rằng, sự kiểm soát trên thực tế quan trọng hơn bất cứ phán quyết nào.
Khi viết trên tờ The Indian Express hôm 15-1, học giả Rahul Mishra đến từ Trung tâm Đông - Tây ở Washington cho rằng, thực tế đang diễn ra tại Biển Đông mâu thuẫn với những phát biểu trước đó của ông Tập Cận Bình khi tuyên bố “Trung Quốc không theo đuổi quân sự hóa Biển Đông”.
Trước đó (13-1), tờ The National Interest đăng bài “Thách thức tàu vỏ trắng của Bắc Kinh ở Biển Đông” của học giả Collin Koh, đến từ Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc phòng, thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam, Singapore. Trong đó cảnh báo về tốc độ phát triển của lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc (chuẩn bị đưa vào sử dụng tàu cảnh sát biển khổng lồ thứ hai, với số hiệu 3901), bởi đối với hòa bình và ổn định tại các vùng biển tranh chấp, ảnh hưởng của cuộc đua “tàu công vụ” này thực sự rộng lớn.
Tàu cảnh sát biển 3901 cũng là tàu tuần tra lớn nhất của Trung Quốc sẽ hoạt động tại Biển Đông. Bên cạnh đó, Cảnh sát biển Trung Quốc còn được trang bị tàu chiến cũ từ hải quân và giới chuyên môn coi đây là cách xây dựng lực lượng hải quân trá hình của Bắc Kinh nhằm chiếm ưu thế tại những vùng biển tranh chấp.
Ngày 13-1, tờ Thời báo Hoàn Cầu đưa tin, cải cách quân đội Trung Quốc đã gây chú ý và đại quân khu Quảng Châu sẽ được cải tổ thành Chiến khu miền Nam và “phòng thủ Biển Đông” sẽ là một trong những chức trách của tổ chức mới.
Học giả Theresa Fallon, chuyên gia cao cấp về quan hệ Âu - Á và tranh chấp ở Biển Đông thuộc Viện châu Âu nghiên cứu về châu Á (EIAS) coi hành động đơn phương của Trung Quốc đã làm leo thang căng thẳng tại một trong những khu vực tranh chấp “nóng” nhất thế giới. Giáo sư Eric David, Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế thuộc Đại học Tự do Brussels (ULB) coi việc xây dựng đường băng trên các đảo tranh chấp của Bắc Kinh là hành động nhằm thể hiện chủ quyền.
Nhiều học giả và chuyên gia quốc tế tham dự Diễn đàn Triển vọng khu vực 2016 tại Singapore hôm 12-1, cũng phản đối hành động đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông. Giáo sư Carlyle Thayer đến từ Đại học New South Wales, thuộc Học viện Quốc phòng Australia cho rằng, việc Trung Quốc thực hiện các chuyến bay quân sự xuống Trường Sa không phải là sự khởi đầu hoạt động dân sự, mà là bước đầu tiên cho việc quân sự hóa.
Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Susan Shirk đến từ trường Chính sách và Chiến lược toàn cầu thuộc Đại học California, San Diego, Mỹ, Trung Quốc theo đuổi lợi ích hẹp hòi về chủ quyền và bất chấp mọi rủi ro để theo đuổi lợi ích này, bất chấp cái giá phải trả với sự xích mích thường xuyên với các nước láng giềng. Và luôn có khoảng cách lớn giữa lời nói và hành động.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét