Website của Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương đảng cộng sản Trung Quốc (CCDI) gần đây liên tục đăng tải các phát biểu đanh thép cảnh cáo nội bộ của Chủ tịch Tập Cận Bìn
Cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc liên tiếp cảnh cáo đanh thép
Hôm 9/1, CCDI đăng bài “Tập Cận Bình: Có kẻ đã đến mức ngông cuồng không e sợ gì, gan to bằng trời”.
Ngày 10, cơ quan này đăng tin “Có một số việc trên phương diện chính trị không được phép, nếu làm thì phải trả giá”, ngày 11 tiếp tục đăng bài chỉ trích thẳng thừng "có cán bộ lãnh đạo đã đặt mình lên trên tổ chức, ông đây là thiên hạ đệ nhất".
Có phân tích cho rằng, cơ quan truyền thông của nhà nước Trung Quốc thông qua việc không ngừng đăng tải thông tin để "tạo đà", rất có khả năng trong tương lai gần một “hổ lớn” sẽ bị lôi ra.
Bài đăng hôm 11 của CCDI đã thu hút lượng lớn phương tiện truyền thông chính thống của Trung Quốc như Tân Hoa Xã, Mạng Nhân dân (thuộc Nhân dân Nhật báo), Sina, Wangyi... dẫn lại.
Các tuyên bố của ông tập trong bài nằm trong cuốn "Trích dẫn phát biểu của Tập Cận Bình về kỷ luật và quy củ nghiêm minh trong đảng" phát hành hôm 1/1/2016, do CCDI cùng Phòng nghiên cứu văn kiện trung ương Trung Quốc biên soạn.
Bài viết trên CCDI tuyên bố, nội bộ đảng CSTQ không cho phép lôi bè kết phái, tự thiết lập hội nhóm, tham gia đảng phái riêng, nếu tham gia sẽ quy vào vi phạm kỷ luật chính trị.
Trong đó, phát biểu của ông Tập tại Hội nghị toàn thể lần thứ 5 của CCDI chỉ rõ: "Có quan chức lãnh đạo đã đặt mình lên trên tổ chức, lão tử thiên hạ đệ nhất, biến nơi được giao nhiệm vụ trở thành 'vương quốc riêng'.
Sử dụng cán bộ, làm quyết sách không theo quy định của báo cáo Trung ương, lập lên những ngọn 'tiểu sơn', bè phái nhỏ."
Tuyên bố này của Tập Cận Bình được báo chí Trung Quốc lan truyền rộng rãi và nhanh chóng tạo sự chú ý bởi tạo ra sự liên tưởng đến phát ngôn của ông Tập về "Thái thượng hoàng", cũng xuất hiện trong cuốn sách xuất bản đầu năm 2016.
"Có trường hợp chà đạp lên chế độ tập trung dân chủ, thực hiện chế độ gia đình trị, lời nói của một người là tất cả, trịch thượng, tự ý cho mình là 'Thái thượng hoàng', vươn xa nắm mọi quyền lực, với chế độ lãnh đạo độc tài 'theo ta thì sống, nghịch ta thì chết', mưu đồ thiết lập cái gọi là 'quyền lực tuyệt đối', độc bá một phương," ông Tập nói.
Trong bài viết hôm 9/1, CCDI nêu ra, “không những yêu cầu chính trị, mà cả kỷ luật cũng phải duy trì sự thống nhất cao độ”.
Bài xã luận trích lời ông Tập Cận Bình trong Hội nghị toàn thể lần 2 thuộc Hội nghị trung ương 4 khóa XVIII của đảng CSTQ: "Có kẻ coi thường kỷ luật chính trị và quy tắc chính trị.
Vì cái gọi là sự nghiệp, sức ảnh hưởng của bản thân mà lập ra hệ thống gia đình trị, loại trừ những ai bất đồng chính kiến với chúng, lôi kéo bè phái, ... Có kẻ đã đến mức ngông cuồng không kiêng sợ gì, gan to bằng trời!”.
Trong khi đó, bài viết hôm mùng 10 của CCDI cảnh cáo, trong vấn đề chính trị, bất kỳ ai cũng không được vượt quá “vạch đỏ”, nếu vượt quá sẽ bị truy cứu trách nhiệm chính trị.
“Có một số việc trên phương diện chính trị không được phép thi hành nhưng đã thi hành thì sẽ phải trả giá, không ai được phép đem kỷ luật chính trị và quy tắc chính trị ra làm trò đùa,” cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc cứng rắn tuyên bố.
Cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân (phải) được cho là còn duy trì ảnh hưởng trên chính trường Trung Quốc sau khi về hưu. Ảnh: AFP
Tiếp tục cảnh cáo lãnh đạo về hưu "yên phận"
Trang Đa Chiều (Mỹ) bình luận, những phát biểu nội bộ của Chủ tịch Trung Quốc liên tiếp được Bắc Kinh tung ra như một động thái khẳng định quyền lực của giới lãnh đạo nước này hiện tại.
Thái độ cứng rắn của Trung Nam Hải nhằm vào các lãnh đạo Trung Quốc về hưu được truyền thông quốc tế biết đến rõ rệt nhất kể từ bài viết gây chấn động của Nhân dân Nhật báo hôm 10/8/2015.
Tờ báo đảng Trung Quốc khi đó chỉ trích: “Có quan chức lãnh đạo không chỉ khi còn đang tại vị đã âm thầm đưa thân tín của mình vào nhằm sau này phát huy thế lực 'dư quyền'; mà nhiều năm sau khi về hưu họ vẫn không chịu buông tay đối với các vấn đề quan trọng của cơ quan, tổ chức.
Nếu không vừa lòng họ sẽ than vãn 'người đi trà lạnh', chỉ trích người khác 'chỉ biết danh lợi', không coi họ ra gì. Ai nghe cũng đều biết họ đang ám chỉ ai!”.
Bài xã luận của CCDI ngày 11/1 cũng được truyền thông quốc tế đánh giá là lời cảnh cáo tiếp theo của ông Tập đối với các lãnh đạo Trung Quốc đã về hưu, bao gồm người tiền nhiệm vốn được cho là còn duy trì nhiều quyền lực như ông Giang Trạch Dân.
Cho đến nay, một số "hổ lớn" đã bị Bắc Kinh xử lý như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu hay Quách Bá Hùngđều được truyền thông quốc tế cho là đã "lên như diều gặp gió" dưới thời ông Giang, đồng thời nắm giữ nhiều quyền lực dưới thời ông Hồ Cẩm Đào.
Đa Chiều từng nhiều lần đưa tin, sự tồn tại "dư quyền" của Giang Trạch Dân tại Trung Nam Hải đã khiến thời kỳ lãnh đạo của ông Hồ Cẩm Đào trôi qua trong tình trạng "lão nhân can chính" (lãnh đạo về hưu can thiệp chính trị).
Ông Giang rút khỏi vị trí Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc vào tháng 3/2005, hai năm sau khi ông thôi giữ chức Chủ tịch Trung Quốc và ông Hồ Cẩm Đào kế nhiệm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét