Truyền thông thế giới mới đây đưa tin: Trong một cuộc họp báo, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố rằng họ đang tiến hành chương trình chế tạo tàu sân bay trong nước đầu tiên của mình.
Tuyên bố này không khiến nhiều chuyên gia ngạc nhiên, khi từ lâu các cơ quan tình báo, tổ chức nghiên cứu và truyền thông đã theo dõi và cập nhật những thông tin mới nhất về hoạt động này. Tàu có tên là “Dự án 001A” và ảnh chụp của khung tàu ở xưởng đóng tàu Dalian đã xuất hiện trên các trang mạng. Các quan chức Trung Quốc, trong đó có các tướng cấp cao, đã nhiều lần nhắc đến chương trình này.
Minh họa tàu sân bay mới của Trung Quốc. |
Điều này cũng tương tự với trường hợp tàu Liêu Ninh, vốn là một tàu sân bay chưa hoàn thành của Liên Xô mà Trung Quốc mua lại từ Ukraine, sau đó tu sửa để đưa vào sử dụng trong quân đội Trung Quốc vào năm 2012. Ngay từ những năm 1990, cộng đồng quốc tế đã biết đến chương trình này nhờ những thông tin manh mún được phát tán từ trước. Vì vậy sự xuất hiện của tàu Liêu Ninh không khiến nhiều người ngạc nhiên.
Dựa trên những thông tin ít ỏi, đã có nhiều dự đoán về loại tàu sân bay mới của Trung Quốc. Phần lớn các báo cáo đều đánh giá qua cao chương trình tàu sân bay của nước này. Ví dụ, một số người tin rằng tàu sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng chính phủ Trung Quốc tiết lộ rằng tàu sẽ chạy bằng động cơ diesel. Ngoài ra, một số hãng thông tấn đưa tin Trung Quốc đang phát triển một hệ thống hỗ trợ cất cánh máy bay điện từ (EMALS) giống như của Mỹ, tuy nhiên việc tàu vẫn có dốc cất cánh ở mũi tàu cho thấy Trung Quốc vẫn chưa đủ sức để chế tạo hệ thống trên.
Một số nhà phân tích của Trung Quốc thừa nhận, gần như tất cả các bộ phận và thiết bị trên tàu sân bay không phải là những công nghệ quá tối tân. Chúng là những linh kiện đã tồn tại và được chế tạo dựa trên những quan sát mà các kỹ sư Trung Quốc rút ra được từ tàu Liêu Ninh, hoặc là những phiên bản nâng cấp theo yêu cầu của Quân đội Trung Quốc. Có thể thấy rằng, việc đánh giá quá cao những tiến bộ của Trung Quốc trong việc chế tạo tàu sân bay là điều không nên.
Cần phải biết rằng, tàu sân bay không có khả năng hoạt động một mình, mà phải đi cùng với các tàu chiến hộ tống. Tàu lớp Kiev của Liên Xô trước đây mặc dù được trang bị hệ thống tên lửa đạn đạo P-500 Bazalt cùng các loại vũ khí phòng không và chống tàu ngầm khác, nó vẫn phải hoạt động cùng một đội tàu chiến nữa mỗi khi làm nhiệm vụ.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã có chiến lược phát triển đội tàu phù hợp để hỗ trợ tàu sân bay đồng thời chú ý cách thức hoạt động của các đội tàu sân bay từ những lực lượng hải quân nước ngoài. Cụ thể, Trung Quốc đã cho trình làng những tàu chiến như Type-052C/D cùng với Type-054A, có nhiệm vụ phòng không cũng như gây nhiễu các thiết bị định hướng của dối phương.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã mang đến những thông tin cần thiết cho các kỹ sư thiết kế và là công cụ quan trọng của Hải quân Trung Quốc. |
Hơn nữa, Trung Quốc cũng có chiến lược chế tạo những tàu hỗ trợ hậu cần, ví dụ như tàu Type-903. Phiên bản tiếp theo là tàu Type-901 sẽ có trọng lượng từ 40 – 45.000 tấn, hiện đang bước đến những giai đoạn sản xuất cuối cùng.
Khả năng của đội tàu sân bay của Trung Quốc trong tương lai vẫn chưa thể bằng Mỹ, vì nhiều lý do. Thứ nhất, tàu sân bay Liêu Ninh hiện vẫn còn yếu kém về khả năng cảnh báo sớm, khi tàu chỉ có các trực thăng Ka-31RLD. Tầm hoạt động, độ bền cũng như hệ thống cảm biến của chúng không thể sánh được với những máy bay cánh cố định. Rất có thể, Hải quân Trung Quốc sẽ đưa vào sử dụng loại trực thăng Z-18J, phiên bản cải tiến của máy bay Z-8, vốn là bản sao của mẫu trực thăng SA321 của Pháp.
Thứ hai, tàu sân bay sẽ là nơi hoạt động của các phi cơ J-15, hiện đã được sử dụng trên tàu Liêu Ninh. Đây là loại máy bay dùng trên tàu sân bay duy nhất mà Trung Quốc đang có, vốn được thiết kế để tham gia không chiến, nhưng lại giới hạn về khả năng chống hạm cũng như oanh kích gần bờ. Tàu Liêu Ninh hiện chỉ có khoảng 20 máy bay, và theo dự đoán của các chuyên gia, tàu sân bay mới sẽ có kích cỡ tương đương Liêu Ninh, do đó nó cũng sẽ chỉ mang theo cùng số lượng phi cơ. Theo tạp chí Kanwa Defense Review, một số công đoạn sản xuất của máy bay vẫn được chế tạo thủ công, do đó tốc độ sản xuất cũng như độ tin cậy của máy bay bị đặt dấu hỏi lớn.
Vì vậy, cách thức hoạt động của đội tàu sân bay Trung Quốc sẽ có phần giống với những gì Hải quân Liên Xô và Nga đã làm, chủ yếu sử dụng các tàu sân bay trong các chiến dịch phòng vệ và phụ thuộc vào hỏa lực của các tàu hộ tống khi tham chiến. Các tàu Type-052C/D sẽ là những tàu tham chiến chính với các tên lửa đất đối không S-300FM để bù đắp cho tầm hoạt động hạn chế của máy bay J-15. Sắp tới Trung Quốc sẽ chế tạo thêm tàu Type-055, được cho là có thể mang theo nhiều tên lửa hơn Type-052.
Mặc dù vẫn còn hạn chế, kế hoạch phát triển đội tàu sân bay của Trung Quốc đang tiếp tục nhờ có sự hậu thuẫn về tài chính cũng như chính trị. Bên cạnh đó, hải quân nước này cũng thực hiện nhiều cuộc tập trận với sự tham gia của tàu Liêu Ninh và J-15. Vấn đề còn lại sẽ là liệu đội tàu sân bay có phát huy khả năng của mình hay không.
Một máy bay J-15 cất cánh từ tàu Liêu Ninh. |
Trong tương lai, Trung Quốc sẽ có thêm lựa chọn khi tham gia tác chiến. Ví dụ, nếu quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan trở nên xấu đi, Bắc Kinh có thể sẽ được điều tàu sân bay đến vùng biển phía Đông Đài Loan để có thể ngăn chặn hoặc kìm chân lực lượng hải quân Mỹ đến từ các căn cứ quân sự ở Guam hay Hawaii, đồng thời mở “mặt trận thứ hai”, phối hợp với các lực lượng ở phía Tây. Đây là khả năng xấu nhất có thể xảy ra đối với Đài Loan.
Tàu sân bay Trung Quốc cũng sẽ rất hữu dụng trong các cuộc tranh chấp lãnh hải. Tại biển Hoa Đông, Trung Quốc có thể sẽ điều đội tàu sân bay đến gần khu vực đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi nước này đang tranh chấp với Nhật Bản. Tuy nhiên, chúng sẽ yếu thế trước phòng tuyến tên lửa được bố trí dọc quần đảo ở phía Nam Nhật Bản, nơi quân đội nước này và quân đội Mỹ đang đóng quân.
Còn tại Biển Đông, tình thế sẽ có phần khác đi. Do yếu tố địa lý trên biển, đội tàu sân bay sẽ có rất ít khả năng sống sót trước hệ thống chống xâm nhập mà các nước trong khu vực thiết lập. Thêm vào đó, bản thân đảo Hải Nam và các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trong các khu vực tranh chấp có thể coi là một căn cứ không quân vững chắc. Nếu Trung Quốc mất tàu sân bay cùng các tàu đi cùng do các loại tên lửa, tàu ngầm, máy bay chiến đấu và thủy lôi của các nước láng giềng, đó sẽ là tổn thất nặng nề về tài chính cũng như chiến lược của Bắc Kinh.
Ở những vùng biển cách xa đất liền, hiệu quả của tàu sân bay Trung Quốc sẽ giảm đi đáng kể. Đội tàu sẽ không thể phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ đất liền như ở eo biển Đài Loan, biển Hoa Đông và Biển Đông nữa. Chúng sẽ phải hoạt động độc lập phần lớn thời lượng chiến dịch, cho dù tàu được phép cập cảng của những nước thân cận. Trước mắt, tàu sân bay có thể tham gia những chiến dịch có ít trở ngại (ví dụ như việc tàu Liêu Ninh sơ tán các công dân Trung Quốc ở Yemen), nhưng trong tình huống giao chiến thực, chúng vẫn tỏ ra yếu thế.
Các đảo mà Trung Quốc đang tranh chấp, ví dụ như quân đảo Senkaku/Điếu Ngư trong hình, có thể trở thành một căn cứ hải quân trên biển mới và không cần sự hiện diện của tàu sân bay. |
Những vấn đề trên không ngăn cản Trung Quốc tiếp tục theo đuổi tham vọng tàu sân bay của mình. Chiếc tàu mà nước này đang chế tạo trong nước sẽ không phải là chiếc cuối cùng. Không chỉ là biểu tượng của sức mạnh quốc gia, tàu sân bay cũng là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển quân sự để có thể chủ động tham gia gìn giữ an ninh quốc tế, giống như những gì họ đang làm ở khu vực Trung Đông và Châu Phi.
Thực tế, ngay từ khi được đưa vào sử dụng, tàu Liêu Ninh đã tham gia nhiều cuộc diễn tập, cụ thể là các bài tập đội hình trên không để các máy bay có thể hoạt động ở Biển Đông và vịnh Bắc Hải. Hải quân Trung Quốc hiểu rõ được tầm quan trọng của những đợt tập trận như vậy. Trong tương lai, tàu sân bay của nước này sẽ còn lợi hại hơn hiện tại, đặc biệt là khi các nhà khoa học và kỹ sư Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm hơn để phát triển những công nghệ hiện đại.
Mặc dù đi sau nhiều nước trong việc phát triển tàu sân bay, Hải quân Trung Quốc tỏ ra quyết tâm rút ngắn tốc độ phát triển tàu chiến bằng cách đầu tư thời gian, tài nguyên và nhân lực vào các chương trình này. Trước những thách thức mà nước này phải đối mặt, Trung Quốc vẫn sẽ tìm cách để biến hạm đội tàu sân bay trở thành sự thật, tuy nhiên những thành tựu mà Trung Quốc đạt được vẫn cần thời gian để chứng minh.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét