5 người làm trong ngành xuất bản bị mất tích bí ẩn ở Hồng Kông chỉ trong một thời gian ngắn. Báo chí Hồng Kông nghi ngờ chính quyền Bắc Kinh “bắt cóc” những người này. Vậy tại sao chính quyền Trung Quốc lại không thể đường đường chính chính triệu tập những đối tượng trên nếu thấy họ có dấu hiệu phạm pháp?
Người dân Hồng Kông biểu tình ngày 3/1/2016 trước văn phòng đại diện của Bắc Kinh phản đối việc nhiều nhân viên nhà sách "mất tích" |
Mất tích hàng loạt
Từ hơn một tháng qua, báo chí Hồng Kông liên tục đưa tin về 5 trường hợp mất tích bí ẩn, tất cả họ đều làm việc cho nhà xuất bản HồngKông Mighty Current, vốn nổi tiếng chỉ trích Trung Quốc.
Từ giữa tháng 11/2015, người ta không có tin tức gì về bốn nhân viên và từ ngày 30/12/2015, ông Lý Ba, phụ trách xuất bản của hiệu sách Causeway Bay, nổi tiếng đối với các tác phẩm bị kiểm duyệt tại Trung Quốc, đã không trở về nhà.
Một trong những đồng nghiệp của ông Lý Ba nói là đã nhìn thấy ông đi cùng với một kẻ lạ mặt. Vợ ông cho biết là đã nhận được cuộc gọi điện thoại cuối cùng vào khoảng 22 giờ cùng ngày. Cuộc gọi đến từ một số điện thoại của Trung Quốc, thuê bao ở Thâm Quyến.
Ông Lý Ba năm nay 65 tuổi. Những người thân của ông cho rằng đây là hoạt động của các nhân viên an ninh Trung Quốc, thâm nhập vào Hồng Kông để trả thù. Có thể ông Lý Ba đang bị giam giữ tại địa lục, giống như bốn đồng nghiệp của ông mà người ta không hề có tin tức gì của họ kể từ khi bị mất tích vào giữa tháng 11/2015.
Cuốn sách về người tình cũ của Chủ tịch Tập Cận Bình
Các vụ mất tích này xảy ra trong bối cảnh có tin đồn là nhà xuất bản Mighty Current chuẩn bị cho ra mắt một cuốn sách nói về người tình cũ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hà Tuấn Nhân, một dân biểu thuộc phe dân chủ, hôm 3/1, cho rằng có thể an ninh Trung Quốc đã bắt cóc năm người nói trên. Trong khi đó, ông Lương Chấn Anh, Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông, khẳng định là không có một yếu tố nào cho phép đoán như vậy và kêu gọi thu thập bằng chứng. Tuy nhiên, Trưởng đặc khu Hồng Kông bị coi là người thân Bắc Kinh do vậy, ông bị chỉ trích là đã không làm gì để có được thông tin từ phía Trung Quốc.
Dân biểu dân chủ, Lý Trác Nhân, tuyên bố là chính quyền Hồng Kông và ông Lương Chấn Anh cần làm cho Bắc Kinh biết là người dân Hồng Kông lo ngại, chứ không bên chỉ “ngồi chờ câu trả lời” của Trung Quốc.
Vì sao Bắc Kinh phải bắt cóc?
Từ khi được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, lãnh thổ Hồng Kông vẫn giữ lại được quyền tự do ngôn luận, và là nơi lánh nạn của nhiều nhà bất đồng chính kiến. Nhưng Bắc Kinh bắt đầu nắm lại quyền kiểm soát. Năm ngoái, một người phụ trách xuất bản đã bị kết án 10 năm tù với tội danh buôn lậu, chỉ vì đã cho xuất bản một cuốn sách với nhiều tiết lộ động trời liên quan đến Chủ tịch Tập Cận Bình. Người thân của nạn nhân khẳng định đó là một vụ được dàn dựng từ đầu đến cuối.
Như vậy là đã rõ, nếu theo luật tại Đặc khu hành chính Hồng Kông thì chính quyền Bắc Kinh không thể kết tội, bắt bớ những người bất đồng chính kiến, người thể hiện tự do ngôn luận. Nhưng không vì thế mà họ không kiểm soát được. “Bắt cóc” là cách tốt nhất cho mọi trường hợp vì vừa không đụng đến luật pháp lại vừa không bị “lộ”, từ đó mang tiếng là không tôn trọng lời hứa khi nhận Hồng Kông từ nước Anh.
Hỏa mù của công an Trung Quốc?
Trong lúc những lời đồn về việc 5 người ở Hồng Kông có thể bị an ninh Trung Quốc bí mật dẫn về đại lục để điều tra vẫn chưa được xác minh thì hôm 17/1/2016, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV phát đoạn phim trong đó Quế Dân Hải, một trong số 5 người mất tích trên, nói là tự nguyện sang Bắc Kinh “đầu thú”.
Quế Dân Hải, có hai quốc tịch Hồng Kông và Thụy Điển, cùng với đồng nghiệp Lý Ba là chủ nhân nhà xuất bản Mighty Current. Tháng 10/2015, Quế Dân Hải đi du lịch tại Thái Lan và mất tích.
Xuất hiện trên đài truyền hình Trung Quốc từ một nhà tù không rõ nơi chốn, Quế Dân Hải “khai” là vì ân hận, ông tự nguyện sang Trung Quốc để “nhận tội” lái xe trong cơn say, đụng chết một sinh viên tại đại lục cách nay…11 năm. Ông còn kêu gọi chính phủ Thụy Điển không nên can thiệp.
Báo chí Hồng Kông coi đoạn phỏng vấn này là “hỏa mù” của công an Trung Quốc. Nicolas Bequelin, Giám đốc tổ chức Ân xá Quốc tế trong khu vực, khẳng định: “Về mặt pháp lý, đoạn video này không có giá trị gì cả. Không ai biết ông Quế Dân Hải bị giam ở đâu? Trong khuôn khổ pháp lý nào? Điều kiện thực hiện phỏng vấn?" Không thể loại trừ trường hợp nạn nhân bị cưỡng bách.
Một dân biểu của phong trào Dân chủ Hồng Kông tuyên bố với báo South China Morning Post: “Bắc Kinh tìm cách tung hỏa mù để che giấu lý do bắt cóc nạn nhân để trả thù nhà xuất bản. Trong đoạn video, ông Quế Dân Hải không nói bằng cách nào ông sang Trung Quốc”.
Đang có mặt tại Hồng Kông, Thứ trưởng Tài chính Thụy Điển Per Bolund cho biết Stockholm “rất lo ngại” cho số phận công dân mình.
Theo AFP, trong số năm người mất tích, trường hợp ông Lý Ba là gây chấn động dư luận Hồng Kông nhất, vì ông biến mất ngay tại đặc khu hành chính nơi mà công an Trung Quốc không có thẩm quyền can thiệp.
Việc che đậy của an ninh Trung Quốc cũng để lộ ra nhiều điều bất hợp lý. Website của đài CCTV đưa lại bản tin cũ 11 năm trước, năm 2005, theo đó ông Quế Dân Hải, 46 tuổi, bị kết án 2 năm tù treo vì đã đụng chết một sinh viên Hoa lục. Thế nhưng, theo bản tin của Tân Hoa Xã, ông Quế Dân Hải năm 2016 này mới 51 tuổi.
Cách nay hai tuần, vợ ông Lý Ba, nhận được điện thư của chồng, cũng nói tự nguyện sang Hoa lục “hợp tác trong một vụ điều tra”, nhưng cách viết không theo văn phong của ông và của người sử dụng tiếng Quảng Đông.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét