Các quan chức hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc đã thể hiện sự bất đồng trong cách thức đối phó với vụ thử vũ khí hạt nhân mới nhất của Triều Tiên cũng như các biện pháp làm giảm căng thẳng trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc hội đàm kéo dài hơn 4 giờ. Các cuộc thảo luận được cả hai bên đánh giá là "mang tính xây dựng" và "thẳng thắn". Tuy nhiên, tại buổi họp báo chung sau đó, hai ông lại đưa ra những quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau về các vấn đề trên. Ngoại trưởng Mỹ thừa nhận "những khác biệt về quan điểm giữa hai chúng tôi sẽ tiếp tục là thuốc thử cho mối quan hệ song phương", song nhấn mạnh thế giới sẽ được hưởng lợi nếu Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác với nhau, kể cả trong những vấn đề liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran và tình trạng biến đổi khí hậu.
Về vấn đề Triều Tiên, Ngoại trưởng Kerry cho biết Mỹ muốn Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) áp đặt "các biện pháp mới nghiêm ngặt" để trừng phạt Bình Nhưỡng vì đã tiến hành thử hạt nhân trong tháng này, đồng thời gây áp lực buộc Triều Tiên trở lại các cuộc đàm phán để bàn về vấn đề giải giáp hạt nhân. Trong khi đó, Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng Trung Quốc nhất trí cần có một nghị quyết mới, song sẽ không ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới (nhằm vào Triều Tiên), mặc dù Trung Quốc vẫn lên án vụ thử hạt nhân mà Triều Tiên vừa tiến hành. Ông Vương Nghị nêu rõ: "Các biện pháp trừng phạt không phải là giải pháp. Nghị quyết mới không nên kích động thêm tình trạng căng thẳng, gây bất ổn cho bán đảo Triều Tiên".
Ngoại trưởng Kerry lưu ý rằng chính các biện pháp trừng phạt đã đưa Iran tới bàn đàm phán hạt nhân. Ông nói: "Các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đã được áp đặt với Iran, nước không có vũ khí hạt nhân như Triều Tiên. Iran còn phải hứng chịu nhiều biện pháp trừng phạt hơn Triều Tiên. Tất cả các quốc gia - đặc biệt là những nước đang tìm kiếm vai trò lãnh đạo toàn cầu hoặc đang đóng vai trò lãnh đạo toàn cầu - phải có trách nhiệm giải quyết mối đe dọa này (vũ khí hạt nhân của Triều Tiên)". Ông nhấn mạnh cần đạt đồng thuận về các biện pháp có ý nghĩa để đạt được mục tiêu đàm phán và phi hạt nhân hóa, đồng thời nhắc lại rằng Trung Quốc là "mắt xích" chính kết nối Triều Tiên với thế giới bên ngoài, và Bắc Kinh có thể làm nhiều hơn nữa.
Về vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi Trung Quốc ngừng các hoạt động cải tạo đất và xây dựng đường băng ở các khu vực đang tranh chấp. Các hành động này đã khiến các nước láng giềng của Trung Quốc lo ngại. Ông Kerry nói: "Tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các bên có tuyên bố chủ quyền ở (Biển Đông) tìm kiếm điểm chung, sự đồng thuận và tránh các hành động gây bất ổn, làm gia tăng sự nghi ngờ lẫn nhau hoặc làm leo thang căng thẳng".
Trong một cuộc gặp hiếm có với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Kerry đã hoan nghênh "vai trò quan trọng" của Trung Quốc trong thỏa thuận hạt nhân Iran cũng như trong việc giải quyết tình trạng ấm lên toàn cầu. Trong khi đó, ông Tập Cận Bình đã miêu tả mối quan hệ song phương Mỹ-Trung là "khá suôn sẻ và trên đà phát triển trong năm qua". Ông nói: "Nhìn chung, khi Mỹ và Trung Quốc hợp tác với nhau, hai nước có thể mang đến những điều tốt đẹp, giúp cả hai 'cùng thắng', đồng thời góp phần vào hòa bình, sự thịnh vượng và ổn định của thế giới".
Về vấn đề quan hệ của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng, các chuyên gia phân tích cho rằng Trung Quốc đôi khi ngần ngại áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên vì lợi ích của chính nước này. Ông Scott Snyder, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên tại Hội đồng Đối ngoại, nói: “Đối với Trung Quốc, thách thức là làm sao để cân bằng giữa việc trừng phạt Triều Tiên với các mối quan tâm của họ về sự ổn định ở Triều Tiên. Do đó, họ muốn thúc đẩy trừng phạt, nhưng lại không muốn đẩy quá mạnh”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét