Những thông tin tiêu cực về tình hình kinh tế vĩ mô của Trung Quốc và sự thay đổi chính sách tiền tệ thường xuyên của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã khiến các nhà đầu tư vừa hoang mang vừa choáng váng, khiến trào lưu rút vốn khỏi thị trường này càng gia tăng, đạt tới 1.000 tỷ USD trong năm 2015.
Theo đánh giá của Bloomberg Intelligence, số vốn rút khỏi Trung Quốc trong năm 2015 đã gấp 7 lần so với con số của năm 2014. Làn sóng rút vốn đạt đến đỉnh điểm vào tháng 9/2015 với tổng cộng 194,2 tỷ USD.
Theo dự báo, luồng vốn rút khỏi Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm nay
Số vốn rút khỏi thị trường này trong tháng 12/2015 đạt mức cao thứ 2 trong năm với 158,7 tỷ USD, tăng 50 tỷ USD so với tháng trước.
Ngoài tình trạng các nhà đầu tư rút vốn khỏi thị trường, các nhà xuất khẩu cũng chuyển sang dự trữ đồng USD thay vì chuyển đổi sang đồng nhân dân tệ, Tom Orlik, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á ở Bắc Kinh của Bloomberg nhận định.
“Nguyên nhân trực tiếp của hiện tượng rút vốn ồ ạt kéo dài đến cuối năm 2015 chính là bởi sự truyền thông kém của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc về sự chuyển đổi trong chính sách tiền tệ của họ,” Mark Williams, kinh tế trưởng khu vực châu Á của Công ty Capital Economics tại Luân Đôn nhận định.
Cũng theo Mark Williams: “Tình trạng rút vốn sẽ tiếp tục mạnh mẽ vì Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vẫn chưa thể lấy được tín nhiệm của các nhà đầu tư về những động thái họ đang tiến hành và những mục tiêu chính sách mà họ có thể đạt được”.
Trong khi đó, Cục Ngoại hối Quốc gia của Trung Quốc khẳng định rằng dự trữ ngoại hối của quốc gia này vẫn đủ để bù đắp lượng vốn rút khỏi thị trường ngày càng ồ ạt. Trên thực tế, dự trữ ngoại hối của quốc gia này đã giảm 523 tỷ USD xuống mức 3.330 tỷ USD trong năm 2015 – đây là lần giảm đầu tiên theo năm kể từ năm 1992.
Hầu hết các chuyên gia kinh tế tại Bloomberg dự đoán rằng, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm xuống khoảng 3.000 tỷ USD trong năm nay, và giảm sâu hơn xuống mức 2.660 tỷ USD vào năm 2017.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét