Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế Mỹ (CSIS) trình lên quốc hội nước này bản báo cáo có tên gọi Tái cân bằng châu Á 2025. Bản báo cáo này được coi là cơ sở để tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới dựa vào nhằm tăng cường "dằn mặt" Trung Quốc.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt thuộc Hạm đội 5 Hải quân Mỹ
Trong năm bầu cử thay đổi chính quyền tổng thống của Mỹ, việc công bố bản báo cáo này có ý nghĩa tham khảo quan trọng cho chiến lược của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương những năm tiếp theo.
Phải chăng hành động này đồng nghĩa với việc Washington đã chuẩn bị chuyển giao chiến lược “tái cân bằng châu Á” của chính quyền tổng thống Obama cho chính quyền tổng thống mới? Rốt cuộc tổng thống mới của Mỹ lên nắm quyền sẽ buông lỏng hay tiếp tục tăng cường chiến lược châu Á – Thái Bình Dương?
Tiếp tục tăng cường “tái cân bằng” chỉ tăng mà không giảm
Ngày 19/1, hãng Reuters đưa tin, các chuyên gia nghiên cứu của CSIS lo ngại, chiến lược “tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương” của tổng thống Obama không thể đủ để bảo vệ lợi ích của Mỹ tại khu vực này.
Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế là trung tâm nghiên cứu các vấn đề quốc tế có quy mô lớn nhất của Mỹ, trụ sở đặt tại Washington. Trang Defense news của Mỹ mới đây đưa tin, bản báo cáo có tên gọi Tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương 2025 dài 270 trang mà CSIS trình lên quốc hội Mỹ là do quốc hội nước này yêu cầu Bộ quốc phòng ủy thác cho CSIS xây dựng.
Bản báo cáo viết: “Từ lâu, hành động của Trung Quốc và Triều Tiên đã tạo thành thách thức lớn đối với độ tin cậy về lời cam kết an ninh của Mỹ, với năng lực và tốc độ phát triển như hiện nay của Mỹ, sự cân bằng trong sức mạnh quân sự của khu vực này đang phát triển theo chiều hướng bất lợi cho Mỹ”. Năm 2011, để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách trên quy mô lớn, Mỹ đã áp dụng chính sách cắt giảm chi tiêu bắt buộc đối với cả chính phủ.Quan chức Lầu năm Góc cho rằng hành động này đã hạn những nỗ lực của nước Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc – quốc gia có sức mạnh quân sự ngày càng lớn mạnh và các mối đe dọa về an ninh khác.
Bản báo cáo còn nhấn mạnh: “Kể cả khi độ ảnh hưởng về kinh tế, quân sự và địa chính trị của Trung Quốc tiếp tục bước đi với nhịp bước vừa phải, thế giới đều sẽ được chứng kiến sự biến động động lớn nhất trong quá trình tái phân bổ quyền lực toàn cầu sau khi nước Mỹ trỗi dậy kể từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Và bất luận thế nào, những hành vi mang tính xâm lược của Trung Quốc trong 2 năm qua đã khiến nhiều nước châu Á – Thái Bình Dương muốn tiến gần Mỹ hơn”. Ngoài Trung Quốc, bản báo cáo còn chỉ đích danh Triều Tiên, Nga là “mối đe dọa” đối với Mỹ.
Ông Từ Tiến – chuyên gia của Viện nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc đánh giá: “Trong mắt Mỹ, hiện tại Trung Quốc chưa là mối đe dọa thực sự, khi sức mạnh quốc gia của Trung Quốc từng bước được nâng lên, mối đe dọa tiềm ẩn sẽ tồn tại, Mỹ cho rằng Trung Quốc có thể làm suy yếu lực lượng chủ đạo của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Do đó, Mỹ nhất quán áp dụng chiến lược nắm chắc cả hai tay “tiếp xúc và ngăn chặn”. Ông Từ Tiến đã ví chiến lược “tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương” của Mỹ giống như một “hòm dụng cụ”, trong đó các “dụng cụ” là sự chuẩn bị cho cục diện chiến lược đối phó các mối đe dọa tiềm ẩn trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ”.
CSIS: Chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ sẽ tiếp tục được tăng cường trong nhiệm kỳ của tổng thống mới.
Bản báo cáo của CSIS nhấn mạnh, mặc dù chính quyền tổng thống Obama đã áp dụng một số hành động để thực thi chiến lược “tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương”, nhưng độ mạnh chưa đủ. Bản báo cáo kiến nghị Mỹ tiếp tục coi trọng vị thế của chiến lược châu Á – Thái Bình Dương, thúc đẩy thực hiện chiến lược thông qua tập trung sức mạnh.
Thời điểm chuyển giao nhạy cảm, bản báo cáo nhằm mục đích gì?
Nhìn lại chặng đường đã qua, tháng 1/2009, ông Obama lên nắm quyền tổng thống Mỹ. Ngay từ lúc lên cầm quyền, người đứng đầu Nhà Trắng đã ưu tiên trọng tâm chiến lược của chính sách ngoại giao tập trung vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2011, chiến lược “tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương” chính thức được thực thi.
Tính đến thời điểm hiện tại, chiến lược này đã thực thi được 5 năm. 2016 là năm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống của Mỹ, tại sao ở thời điểm chuyển giao này, trung tâm nghiên cứu chiến lược hàng đầu của Mỹ lại đệ trình lên quốc hội bản báo cáo mới? Bản báo cáo này có ý nghĩa gì?
“ Năm 2015, thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc xuất hiện một số biến động, trong đó có tiếng nói của hai trường phái. Một trường phái cho rằng cần có thái độ bao dung đối với sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc, cần để Trung Quốc hội nhập vào các sự vụ của “châu Á – Thái Bình Dương” do Mỹ đóng vai trò chủ đạo, xây dựng mô hình cùng phát triển hòa bình trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Điều này cũng phù hợp với lời kêu gọi mô hình mới về quan hệ nước lớn giữa Trung Quốc và Mỹ mà nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi.
Trường phái còn lại thì kiên quyết cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là không thể ngăn chặn, xu thế này có thể sẽ làm suy yếu sự ảnh hưởng chủ đạo của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thậm chí thách thức sự bá quyền của Mỹ trong khu vực này. Nếu như vậy, điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi ích chiến lược của Mỹ trong khu vực, gây ảnh hưởng đến mối quan hệ của Mỹ với các nước đồng minh. Do đó, trường phái này chủ trương Mỹ nên tiếp tục chiến lược “tái cân bằng châu Á”, thậm chí cần tiếp tục củng cố và tăng cường thực thi chiến lược này” – Ông Lưu Minh – Viện trưởng Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế thuộc Viện khoa học xã hội Thượng Hải phân tích.
Và theo thông lệ chính trị của Mỹ, mỗi khi tổng thống mới lên nắm quyền đều đưa ra sự đánh giá toàn diện về chính sách trên cách phương diện của chính quyền cũ rồi dựa vào đó đề ra chiến lược phát triển tiếp theo. Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) đưa ra bản báo cáo phủ đầu là muốn ảnh hưởng đến các ứng cử viên tranh cử tổng thống trong quá trình bầu cử, để ứng cử viên tuyên truyền theo chủ trương của bản báo cáo này, đồng thời lựa chọn một số học giả hoặc cựu quan chức lập nên đoàn ngoại giao, hình thành nên khẩu hiệu ngoại giao cho mình.
Khi cuộc bầu cử kết thúc, tổng thống mới sẽ đưa các chính sách này vào Nhà Trắng và bắt đầu thực thi. Xét về tổng thể, ý đồ công bố bản báo cáo này vào thời điểm này đã rất rõ nét – đặt nền tảng chiến lược cho chính sách châu Á – Thái Bình Dương của chính quyền tổng thống mới.
Chính sách châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ sẽ về đâu?
Hai năm trở lại đây, tình hình thế giới đầy biến động, cuộc khủng hoảng Ukraina vẫn chưa được giải quyết triệt để, cục diện hỗn loạn ở Trung Đông chưa có lời giải, nhiệm vụ chống khủng bố vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều chông gai. Mỹ phải phân bổ “tinh lực” cho nhiều hoạt động ngoại giao. Tuy nhiên, khi nền kinh tế Mỹ có những chuyển biến tốt, kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại, sự đối sánh về lực lượng quốc tế có thể có sự thay đổi lớn. Nước cờ ngoại giao của chính phủ Mỹ nhiệm kỳ mới sẽ đi như thế nào? Trong tương lai, chiến lược của Mỹ đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ có thay đổi gì?
Ông Lưu Minh nói: “Trong mắt Mỹ, Trung Quốc sẽ là một thách thức trường kỳ, có thể nói, ngăn chặn Trung Quốc sẽ là chính sách lâu dài của Mỹ, không vì thay đổi người cầm quyền mà phương hướng thay đổi. Trung Quốc càng lớn mạnh, chiến lược “tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương” của Mỹ sẽ càng được tăng cường nhằm giữ vững vị thế chủ đạo của Mỹ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, ngoại giao ở khu vực này”.
Dự đoán về xu thế mới trong chiến lược “tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương” của Mỹ, ông Lưu Minh nhận định: “Có thể Mỹ sẽ cùng một số nước đồng minh trong khung vực và các nước ASEAN xây dựng một số cơ chế hợp tác. Có thể Mỹ cũng sẽ đưa ra một số quy tắc mới để hạn chế hành động của Trung Quốc trong các vấn đề trên biển. Một điều đáng nói là, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP mà Mỹ khởi xướng được ký kết và mở rộng sẽ hình thành nên các tập đoàn kinh tế thương mại mới ở châu Á – Thái Bình Dương, điều này có thể trở thành thẻ bài chiến lược mới trong chiến lược này của Mỹ, từ đó làm giảm độ ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc tại khu vực này”.
Trung Quốc bày trận trên biển Đông đáp trả
Trước những nhận định về chiến lược “tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương” của Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống mới, Trung Quốc cũng đang ráo riết chuẩn bị chiến lược đối đầu. Mới đây, đô đốc - tư lệnh hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi thẳng thắn bày tỏ với quan chức quân sự cấp cao của Mỹ, Trung Quốc sẽ không thể không bày trận trên biển Đông, thiết bị phòng ngự dày hay mỏng hoàn toàn phụ thuộc vào “mức độ bị đe dọa”.
Tờ Hoàn cầu của Trung Quốc mới đây đăng tải bài phân tích nhấn mạnh, do diện tích các đảo nhân tạo đều khá nhỏ, nguồn năng lượng có hạn, trang bị vũ khí có thể lắp đặt rất hữu hạn, do đó bố trí vũ khí phòng ngự loại nào đều phải lựa chọn tỉ mỉ và có quy hoạch chi tiết.
Bài viết trên Toàn cầu nhấn mạnh, máy bay trinh sát cảnh báo sớm là phương tiện không thể thiếu. Đây vừa là nhu cầu “bảo vệ chủ quyền” các hòn đảo mà Trung Quốc đã xây dựng trái phép, vừa là nhu cầu giám sát, quản lý hải phận và không phận khu vực lân cận. Trước hết cần loại radar điều khiển không lưu (ATC) với số lượng nhất định, radar cảnh báo đối không và radar tìm kiếm đối biển; Cần bố trí một số hệ thống trinh sát hồng ngoại, ánh sáng trắng; Ngoài ra còn có thể lắp đặt một số hệ thống trinh sát điện tử và thông tin nghe lén; Lắp đặt một số hệ thống sonar dưới đáy biển với một số lượng nhất định.
Đương nhiên sẽ không thể thiếu hệ thống thông tin, bao gồm trạm vệ tinh mặt đất, điện đài cao tần, thiết bị thông tin vô tuyến điện cao tần và hệ thống cáp quang dưới đáy biển. Hệ thống thông tin nói trên có thể dựa vào diện tích các hòn đảo xây dựng trái phép để xây dựng, trên một số hòn đảo còn cần xây dựng hệ thống chỉ huy để tiện lợi cho hoạt động “chỉ huy phía trước”.
Hoàn cầu cho rằng, hiện tại mối đe dọa lớn nhất đối với các hòn đảo mà Trung Quốc đã xây dựng trái phép vẫn là trên không và trên biển, bình thường vũ khí thường trú lấy vũ khí phòng không, chống tàu là chủ đạo. Do diện tích đảo có hạn, liên quan đến phòng không, Trung Quốc dự định bố trí một số hệ thống phòng không cự ly gần, như “Q-7”, pháo phòng không type 730 hoặc hệ thống pháo tự động 35mm, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ “phòng ngự điểm”, ngăn ngừa sự đột kích của tên lửa hành trình, và bình thường, tàu chiến hải quân sẽ đảm nhận nhiệm vụ phòng không khu vực ở vòng ngoài.
Nếu cục diện căng thẳng, Trung Quốc có thể bố trí hệ thống phòng không “Q -9”, “Q -12” hoặc S-300, lựa chọn các hòn đảo nằm ở phía trước, diện tích tương đối rộng để lắp đặt.
Hệ thống tên lửa phòng không Q-9 của Trung Quốc
Ngoài hệ thống phòng không, Trung Quốc còn lưu ý bố trí một lượng nhỏ vũ khí chống tàu, bình thường coi các tổ hợp pháo phòng thủ bờ biển với nhiều loại cỡ nòng là lực lượng chủ đạo, chủ yếu đối phó với sự thách thức và “quấy rối” của lực lượng nhỏ, Bắc Kinh coi đây là mối đe dọa chủ yếu trong thời bình.
Tại thời điểm xung đột leo thang, Bắc Kinh có thể bố trí hệ thống tên lửa chống tàu C801, C62, điều này sẽ giúp Trung Quốc phong tỏa và kiểm soát trên biển, “lấy đất liền chặn đứng biển”. Ngoài ra, Bắc Kinh còn có kế hoạch bố trí một lượng nhỏ vũ khí chống tàu ngầm và vũ khí chống người nhái, chủ yếu là các loại rocket chống tàu ngầm, rocket chống người ngái hoặc máy bay săn ngầm.
Tuy nhiên do diện tích các đảo Trung Quốc xây dựng trái phép trên biển Đông đều có hạn, xét về tổng thể không thể bố trí nhiều trang bị vũ khí, khóa hình thành nên sự bố trí có hệ thống, có lớp lang. Các trang bị vũ khí ở đảo Hải Nam và “thành phố Tam Sa” - đơn vị hành chính phi pháp do Trung Quốc thành lập trên đảo Phú Lâm chiếm đóng của Việt Nam cách các hòn đảo trên biển Đông quá xa, do đó khi khủng hoảng khu vực leo thang, Trung Quốc vẫn phải dựa vào sự bảo vệ của tàu chiến hoặc tàu chiến mặt nước loại lớn.
Hoàn Cầu khẳng định, việc bố trí vũ khí hạng nặng (bao gồm máy bay chiến đấu) không nhất thiết phải cố định, có thể áp dụng phương thức bố trí luân phiên. Để lực lượng phòng thủ bờ biển, lực lượng không quân và lực lượng máy bay chiến đấu luân phiên phụ trách nhiệm vụ phòng thủ lập thể trên các hòn đảo.
H.L
0 nhận xét:
Đăng nhận xét