Trong chuyến thăm tới châu Á, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chú trọng tới các giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông và hối thúc Trung Quốc mạnh tay với Triều Tiên sau vụ thử bom nhiệt hạch hồi đầu tháng này.
Theo AP, ông Kerry đã đặt chân tới thủ đô Lào hôm 24/1 và sẽ tới thăm Campuchia và Trung Quốc trong những ngày tới. Chuyến thăm châu Á nằm trong sứ mệnh ngoại giao vòng quanh thế giới của ông Kerry khởi đầu từ các cuộc đàm phán về tình hình an ninh ở Trung Đông mà cụ thể là tại Iran và nỗ lực đem lại hòa bình cho cuộc xung đột hơn 4 năm qua tại Syria.
Với vai trò hiện là chủ tịch Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), trong thời gian qua, Lào đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích các hành động hung hăng của Trung Quốc liên quan tới tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông. Vào tháng tới, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ chủ trì cuộc họp các nhà lãnh đạo ASEAN tại California.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) gặp gỡ nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hồi năm 2015. |
Trước khi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh, giới chức Mỹ cho hay Ngoại trưởng Kerry sẽ nhóm họp với 10 quốc gia thành viên ASEAN để thống nhất quan điểm ứng phó trước hành động xâm chiếm chủ quyền của Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường xây dựng trái phép các hòn đảo nhân tạo và đường băng trên Biển Đông.
Ngoài các nước trong khu vực như Philippines và Việt Nam, lâu nay, Mỹ cũng đã nhiều lần lên tiếng phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc. Washington nhấn mạnh hành động xâm chiếm chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông đang đe dọa tình hình ổn định trong khu vực và vi phạm quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Tuy nhiên, tinh thần đoàn kết thống nhất trong ASEAN không phải lúc nào cũng được giữ vững bởi Trung Quốc đã tạo ra được lá chắn ảnh hưởng lớn đối với một số quốc gia thành viên trong khối như Campuchia. Cụ thể, hồi năm 2012, Campuchia đã ngăn cản nỗ lực của khối ASEAN trong tiến trình đạt được một thỏa thuận chung trên Biển Đông và thường xuyên bênh vực Trung Quốc trước chủ đề tranh chấp chủ quyền.
Theo một quan chức Mỹ giấu tên, hành động Trung Quốc mới đây ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng chồng lấn thềm lục địa với Việt Nam đồng thời cảnh báo máy bay các nước hoạt động gần những hòn đảo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép trên Biển Đông khiến giới chức ASEAN không khỏi lo ngại làm cách nào để ngăn chặn một quốc gia ngoài khối như Trung Quốc không làm ảnh hưởng tới tình đoàn kết thống nhất trong nhóm.
Ông Kerry là Ngoại trưởng thứ hai của Mỹ tới thăm Lào kể từ năm 1955. Trước đó, vào năm 2012, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng đã tới thăm quốc gia châu Á này. Trong khi đó, ông Obama sẽ trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân tới Lào vào cuối năm nay.
Theo kế hoạch, tại Campuchia, ông Kerry dự định thảo luận về những thành tựu tăng trưởng kinh tế vượt bậc của quốc gia này đồng thời đưa ra những ý kiến quan ngại về tình hình nhân quyền và tự do ngôn luận khi Thủ tướng Hun Sen cầm quyền suốt một thời gian dài.
Bắc Kinh sẽ là điểm đến cuối cùng của Ngoại trưởng Kerry tới châu Á. Tại đây, ông Kerry sẽ tái thảo luận về hành động ngang nhiên của Trung Quốc trên Biển Đông đồng thời kêu gọi giới chức Bắc Kinh cần mạnh mẽ hơn trong những tuyên bố chỉ trích chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Kể từ khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch hôm 6/1, giới chức Mỹ đã liên tiếp hối thúc Trung Quốc sử dụng tầm ảnh hưởng để yêu cầu nhà lãnh đạo Triều Tiên ngừng theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân đồng thời nối lại vòng đàm phán 6 bên nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Còn theo một quan chức cấp cao Mỹ, áp lực mà Trung Quốc tạo ra với Triều Tiên sẽ không đủ để nhà lãnh đạo Kim Jong-un thay đổi quan điểm. Do đó, Bắc Kinh cần tham gia liên minh của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản để tạo ra một mặt trận thống nhất giải quyết những vấn đề liên quan tới Bình Nhưỡng.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Associated Press (AP) của Mỹ. Đây là hãng tin lớn nhất trên thế giới, có trụ sở tại New York. AP cũng là một trong những nguồn cung cấp tin tức lớn nhất cho các tờ báo, đài truyền hình và đài phát thanh trên thế giới.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét