Tại phía đông bắc của Campuchia, Trung Quốc đang cho xây dựng một con đê lớn với tổng chi phí lên đến 800 triệu USD. Dự án này được Bắc Kinh gọi là Đập Hạ Sê San 2 (Lower Sesan 2). Đây được xem như một trong những công trình thể hiện tham vọng muốn mở rộng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ra toàn châu Á.
Được biết, một khi hồ chứa nước của con đập này đầy nước thì gần 5.000 người sẽ mất nhà cửa, gần 40.000 người dân sinh sống dọc theo bờ sông Sesan và sông Srepok đang đứng trước nguy cơ bị mất nguồn thức ăn dự trữ vì không thể tiếp tục đánh bắt cá tại hai khu vực sông này.
Tuy nhiên, dự án này mới chỉ là một phần của một tham vọng to lớn hơn của Trung Quốc tại khu vực châu Á. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thực hiện một bước đi đầy táo bạo với mong muốn “trẻ hóa” dân tộc Trung Hoa, để khôi phục lại vị trí trung tâm châu Á của Bắc Kinh trước đây.
Khu vực xây dựng Đập Hạ Se San 2 chỉ cách dòng chính song Mê Kông 25km |
Trung Quốc có một tầm nhìn chiến lược phù hợp với sức mạnh kinh tế của nó. Điều này khiến không ít người cảm thấy lo ngại chính sách của Bắc Kinh rõ ràng là muốn đối đầu với chính sách đối ngoại của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, đặc biệt khi Mỹ đang “tái cân bằng” và rót hàng trăm tỉ USD đầu tư vào các quốc gia láng giềng của Trung Quốc. Họ muốn vượt mặt Hoa Kỳ với tư cách cường quốc lớn nhất của khu vực châu Á.
Chính sách bành trướng của Trung Quốc được thể hiện rõ nhất là ở hai nơi: Biển Đông và Campuchia - một quốc gia vốn từ lâu đã bị hút vào quỹ đạo của Trung Quốc và bị lôi kéo khỏi nhóm phương Tây với lời dụ dỗ sẽ đầu tư hàng tỉ USD, giúp xây dựng cầu đường và các công trình khác của Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ Thương mại của Campuchia Sun Chanthol cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Nếu không có cơ sở hạ tầng được xây dựng, bạn sẽ không thể vực dậy một quốc gia, chúng tôi bị chỉ trích là luôn đi theo Trung Quốc, nhưng chúng tôi cần các cơ sở, các công trình đó ngay lúc này. Mục đích của chúng tôi chỉ có như vậy”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói rằng ông ta muốn khôi phục lại con đường thương mại cổ đại bằng cách tạo ra “Con đường tơ lụa” trên biển kéo dài qua các vùng biển lớn của phía nam châu Á và một vành đai kinh tế băng qua các sa mạc và núi đồi của trung Á. Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng (AIIB) do Trung Quốc thiết lập cùng với Quỹ đầu tư “Con đường tơ lụa” 40 tỉ USD sẽ là nguồn tài chính cho giấc mộng này của Trung Quốc.
Campuchia nổi lên khỏi đống đổ nát từ sự hỗn loạn của chiến tranh và những cánh đồng chết của Khmer Đỏ trong những năm 70 của thế kỷ trước. Ngày nay, nền kinh tế của Campuchia đang tăng trưởng nhanh kéo theo đó là những nhu cầu trong tuyệt vọng về các cơ sở hạ tầng trong ngành giao thông vận tải và năng lượng.
Trong trình trạng đó, Trung Quốc đã trở thành chiếc phao cứu sinh đối với chính phủ Campuchia khi Bắc Kinh đồng ý cho Campuchia vay tiền mà không kèm theo những điều kiện nghiêm ngặt hay thủ tục tốn thời gian như của Ngân hàng Thế giới.
Các quan chức Campuchia còn cho biết khi vay tiền của Trung Quốc, họ không phải giải trình về những cáo buộc hay khiếu nại về nhân quyền vốn luôn bắt nguồn từ Hoa Kỳ. Thậm chí, Trung Quốc còn chẳng thèm để tâm đến tình trạng tham nhũng của Campuchia khi đồng ý cho vay.
Tuy nhiên, cho đến nay thì những “điều kiện ngầm” của Trung Quốc đang dần trở nên rõ ràng tại những ngôi làng xung quanh Dự án Lower Sesan 2 Dam. Dự án này đã được các nhà lãnh đạo của hai quốc gia thông qua mà không hề tính toán đến những tác động mà nó sẽ có đối với cộng đồng địa phương.
Với sự đe dọa sẽ mất đi nguồn lợi thủy sản lớn trên các con sông, vì con đập mới sẽ chặn những tuyến đường di cư chủ chốt của những con cá, hàng trăm ngàn người dân Campuchia sống dọc lưu vực sông Mekong có thể sẽ bị ảnh hưởng. Con đập này có thể chặn mất nguồn cung cấp protein quan trọng tại một quốc gia vốn đã nghèo đói và chỉ sống dựa vào nghề đánh bắt cá.
Theo một nghiên cứu của Ian Baird thuộc Đại học Wisconsin - Madison, Hoa Kỳ, con đập mới này sẽ làm tăng tình trạng suy dinh dưỡng và nghèo đói trên bình diện rộng tại Campuchia. Ngoài ra, một nghiên cứu khác còn cho thấy con đập còn làm ảnh hưởng đến hàng chục con đập khác của các quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia từ nay cho đến 2030.
Các báo cáo đánh giá môi trường cho thấy con đập mới được xây dựng mà không màng đến những ảnh hưởng xấu mà nó có thể gây ra cho cả khu vực rộng lớn. Tuy nhiên, dự án này lại không bao gồm bất kỳ điều khoản nào về vấn đề bồi thường đối với lượng thủy sản bị mất.
Theo Baird, một giáo sư địa lý nhận xét: “Con đập này không hề nằm ở vị trí tốt. Nó là một dự án khổng lồ và sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đến môi trường cũng như xã hội. Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Phát triển châu Á sẽ không bao giờ thông qua dự án này”.
Tại một ngôi làng nhỏ ở hạ lưu của con đập, những người ngư dân cho hay, việc các kỹ sư Trung Quốc dùng thuốc nổ, cùng với khói bụi mù mịt, nước xi măng chảy xuống sông từ công trường xây dựng đã khiến cho lượng cá mà các ngư dân đánh bắt được ngày càng ít đi.
Uta Khami, một ngư dân 54 tuổi lo lắng nói: “Chúng tôi không còn bắt được những con cá lớn nữa. Chúng tôi không thể sống dựa vào nghề đánh cá được nữa. Tôi bắt đầu đi đánh cá với cha mình từ năm 12 tuổi. Cả gia đình tôi sống dựa vào những con cá bắt được từ con sông này. Chứng kiến cảnh này khiến tôi như nghẹn thở”.
Được biết, nhà đầu tư chính của dự án này là một công ty nhà nước của Trung Quốc, HydroLancang, kết hợp với Royal Group - một tập đoàn của Campuchia. Nhưng nhiều nguồn tin cho hay người sở hữu Royal Group là ông trùm Kith Meng, một người bị Đại sứ quán Hoa Kỳ mô tả là một trùm xã hội đen tàn nhẫn với biệt danh “Mr Rough and Tough” với ý nghĩa “một kẻ hung bạo”.
Thế nhưng con đập này không phải là dự án duy nhất mà Trung Quốc đang xây dựng tại Campuchia. Tại bờ biển phía tây nam của Campuchia, Tập đoàn Phát triển Liên hiệp của Trung Quốc đang đầu tư vào một khu đất 36.400ha để xây dựng một trung tâm thương mại và khu du lịch sinh thái.
Tương tự với Dự án Lower Sesan 2 Dam, dự án này cũng khiến hàng ngàn người bị mất nhà cửa với số tiền bồi thường không cân xứng. Họ phải chuyển đến định cư ở những khu vực sống kém chất lượng, những ngôi nhà nghèo nàn, hạn chế điện nước sạch và ngay cả nhà vệ sinh cũng không đầy đủ.
Một dự án xây đập khác của Trung Quốc cũng ở phía tây nam Campuchia đã bị đình chỉ hồi tháng 2, sau khi nổ ra những cuộc biểu tình kéo dài của người dân địa phương và một chiến dịch truyền thông xã hội lan truyền trong giới trẻ thành thị Campuchia. Được biết, dự án này được xây dựng trong rừng rậm Areng Valley.
Mặc dù Hoa Kỳ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia, và vẫn là một nhà nhập cảng quan trọng các sản phẩm may mặc của đất nước này. Nhưng trong một thập niên qua, Trung Quốc đang dần trở thành nhà tài trợ lớn nhất cũng như là nguồn vốn đầu tư nước ngoài của Campuchia.
Rất nhiều người Campuchia có tổ tiên là người Trung Quốc, vì thế khi đến Campuchia, người ta có thể nhìn thấy nhiều cửa hàng và ngôi nhà trang trí theo kiểu Trung Quốc hoặc có chữ Trung Quốc dán trên tường để cầu hạnh phúc, sức khỏe.
Mey Kalyan, một cố vấn cấp cao của Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Campuchia, cho hay: “Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Campuchia đang dần lớn lên giống như sự tức giận của Hoa Kỳ. Xét về mặt đầu tư, tính đến nay mọi việc vẫn diễn ra tốt đẹp, mặc dù vẫn còn một số điểm cần phải cải thiện và chỉnh sửa”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét