This is featured post 1 title
Replace these every slider sentences with your featured post descriptions.Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these with your own descriptions.
This is featured post 2 title
Replace these every slider sentences with your featured post descriptions.Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these with your own descriptions.
This is featured post 3 title
Replace these every slider sentences with your featured post descriptions.Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these with your own descriptions.
Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016
Vì sao Trung Quốc không thể thành siêu cường soán ngôi Mỹ
Thứ Bảy, tháng 1 30, 2016
doanh nhan
No comments
Năng lực quân sự của Trung Quốc cũng cho thấy đây là một cường quốc nửa vời: một cường quốc khu vực đang nổi, nhưng hoàn toàn không phải một cường quốc toàn cầu. Trung Quốc không thể triển khai sức mạnh ra ngoài phạm vi các nước láng giềng Châu Á...
Nhận định Trung Quốc là một cường quốc toàn cầu đang hết sức phổ biến, cũng khá dễ hiểu nhưng thực sự là sai lầm. Không nên ảo tưởng rằng Trung Quốc vẫn sẽ phát triển như 30 năm qua, hoặc con đường đi tới ngôi vị cường quốc toàn cầu vẫn tiếp tục rộng mở.
Người ta thường cho rằng sức mạnh của Trung Quốc là không thể ngăn chặn và thế giới phải thích ứng với thực tế người khổng lồ Châu Á – có khả năng – trở thành một cường quốc toàn cầu đầy quyền lực. Ngành công nghiệp thu nhỏ của những đồn đoán “Trung Quốc trỗi dậy” đã phát triển trong thập kỷ qua, tất cả khắc họa lên bức tranh thế giới thế kỷ 21 mà ở đó Trung Quốc là động lực chi phối. Niềm tin này hết sức phổ biến, cũng khá dễ hiểu nhưng thực sự là sai lầm.
Chúng ta cần nhớ lại rằng cách đây không lâu, vào những năm 1980, người ta từng đưa ra những dự báo tương tự về việc Nhật Bản sẽ vươn lên nắm giữ ngôi vị “số một” và gia nhập câu lạc bộ của các siêu cường thế giới – trước khi nước này rơi vào tình trạng trì trệ kéo dài ba thập kỷ và cho thấy một cường quốc chỉ trên một phương diện (về kinh tế) thì không có đủ nền tảng để chống trụ trong khủng hoảng. Trước Nhật Bản, Liên Xô từng được cho là một siêu cường toàn cầu (người ta đưa ra giả thiết này trước khi nổ ra Cuộc Chiến tranh Lạnh kéo dài trong nửa thế kỷ) nhưng đã sụp đổ đầy bất ngờ vào năm 1991.
Sự tan rã của Liên bang Xô – Viết (The Union of Soviet Socialist Republics-USSR) cho thấy điều tương tự, Liên Xô là cường quốc ở một phương diện (về quân sự) đã tự suy yếu trong nhiều thập kỷ. Sau Chiến tranh Lạnh, một số chuyên gia nhận định rằng Liên minh Châu Âu đang được củng cố và mở rộng, nổi lên như một siêu cường toàn cầu mới và một cực trong hệ thống quốc tế – đến khi EU chứng tỏ sự bất lực và không có khả năng giải quyết hàng loạt thách thức toàn cầu. Châu Âu ở đây cũng giống như một cường quốc đơn chiều (về kinh tế). Vì vậy, khi đề cập Trung Quốc hiện nay, chúng ta cần phải tỉnh táo và có đôi chút hoài nghi.
Trung Quốc dĩ nhiên là cường quốc trỗi dậy quan trọng nhất của thế giới – vượt xa năng lực của Ấn Độ, Brazil và Nam Phi – và ở một số lĩnh vực, nước này đã vượt qua cả các “cường quốc bậc trung” khác như Nga, Nhật Bản, Anh, Đức và Pháp. Ở nhiều phương diện, vị trí cường quốc thứ hai thế giới của Trung Quốc sau Mỹ là không phải bàn cãi, và ở một vài phía cạnh Trung Quốc đã vượt qua Mỹ.
Trung Quốc hội tụ nhiều dấu hiệu của một cường quốc toàn cầu như: Có dân số đông nhất thế giới, lãnh thổ lục địa rộng lớn, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới và lực lượng quân thường trực lớn nhất thế giới, sở hữu một chương trình không gian do con người điều khiển, một tàu sân bay, có bảo tàng lớn nhất thế giới, đập thủy điện lớn nhất thế giới, mạng lưới đường cao tốc quốc gia lớn nhất thế giới và hệ thống đường sắt cao tốc thuộc loại tốt nhất thế giới.
Trung Quốc hiện là quốc gia thương mại hàng đầu thế giới, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, quốc gia có lượng khí thải nhà kính lớn nhất thế giới, nước tiếp nhận vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ hai thế giới và nước cung cấp vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đứng thứ ba thế giới, đồng thời là nhà sản xuất nhiều loại hàng hóa lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, năng lực chỉ là một khía cạnh của sức mạnh quốc gia và quốc tế – và không phải yếu tố quan trọng nhất. Nhiều thế hệ các nhà khoa học xã hội đã chỉ ra rằng một dấu hiệu quan trọng hơn của sức mạnh đó là tầm ảnh hưởng – khả năng chi phối các sự việc cũng như hành động của các bên khác. Cố nhà khoa học chính trị Robert Dahl đã từng nhận xét: “Bên A có ảnh hưởng đối với bên B ở mức độ có thể khiến bên B làm điều mà bên B không thể làm khác được.” Năng lực không chuyển đổi thành hành động nhằm đạt được một số mục đích thì không có nhiều giá trị.
Năng lực có tác dụng gây ấn tượng hoặc răn đe, nhưng nó có ảnh hưởng đến hành động của các bên khác, hay kết quả của một sự việc hay không mới là quan trọng. Dĩ nhiên, có những cách thức khác qua đó một quốc gia có thể sử dụng năng lực để tác động đến hành động của nước khác cũng như chiều hướng của sự việc: thu hút, thuyết phục, thu nạp, ép buộc, đền đáp, khuyến khích, hăm dọa hoặc sử dụng vũ lực. Như vậy, sức mạnh và sử dụng sức mạnh thực chất liên quan tới việc: Sử dụng các biện pháp tác động lên nước khác nhằm chi phối tình hình để mưu cầu lợi ích.
Khi đánh giá về ảnh hưởng và cách hành xử của Trung Quốc trên vũ đài thế giới hiện nay, chúng ta không nên chỉ chú trọng đến năng lực bề ngoài ấn tượng của nước này mà cần phải đặt ra câu hỏi: Liệu Trung Quốc có đang thực sự chi phối hành động của các nước khác, hay xu hướng của các vấn đề quốc tế trong những lĩnh vực khác nhau? Câu trả lời ngắn gọn là: Không nhiều, nếu không muốn nói là không có gì.
Có rất ít lĩnh vực người ra có thể kết luận rằng Trung Quốc đang thực sự chi phối nước khác, thiết lập các quy tắc chuẩn mực hay định hình những xu hướng toàn cầu. Bắc Kinh cũng không nỗ lực trong việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu. Nước này là một cường quốc thụ động, né tránh đối mặt với các thách thức và lẩn tránh khi các khủng hoảng quốc tế bùng phát. Cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine và Syria là ví dụ gần nhất cho thấy sự thụ động của Bắc Kinh.
Ngoài ra, khi nghiên cứu kỹ năng lực của Trung Quốc thì người ta có thể thấy nước này không phải thực sự mạnh. Nhiều chỉ số chỉ mang tính định lượng, không phản ánh thực chất. Thiếu sức mạnh thực chất dẫn đến việc Trung Quốc không có tầm ảnh hưởng thực sự. Người Trung Quốc có câu tục ngữ “wai ying, nei ruan”: cứng bên ngoài, mềm bên trong. Đây chính là đặc điểm của Trung Quốc hiện nay. Xem xét kỹ những số liệu thống kê ấn tượng về Trung Quốc và bạn có thể thấy khá nhiều điểm yếu, những khó khăn thực sự cùng cơ sở thiếu vững chắc để trở thành một cường quốc toàn cầu. Trung Quốc có thể chỉ là một con hổ giấy của thế kỷ 21.
Điều này có thể thấy ở 5 khía cạnh chính giúp củng cố vị thế toàn cầu của Trung Quốc: Chính sách đối ngoại, năng lực quân sự, ảnh hưởng văn hóa, sức mạnh kinh tế và các yếu tố trong nước. Chúng ta sẽ lần lượt xem xét từng khía cạnh.
Ở phương diện chính thức, ngoại giao Trung Quốc thực sự đã hiện diện ở quy mô toàn cầu. Trong bốn mươi năm qua, Trung Quốc trải qua một chặng đường dài từ một quốc gia cô lập với cộng đồng quốc tế trở thành một nước hòa nhập. Hiện nay, Bắc Kinh đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 175 quốc gia, là thành viên của hơn 150 tổ chức quốc tế và một bên tham gia của hơn ba trăm hiệp định đa phương. Hàng năm, Trung Quốc tiếp đón lãnh đạo của các nước tới thăm nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, và các nhà lãnh đạo của Trung Quốc cũng thường xuyên công du khắp thế giới.
Mặc dù tiến hành hội nhập quốc tế và thực hiện chính sách ngoại giao tích cực, lĩnh vực ngoại giao đã thể hiện rõ vị thế của Trung Quốc như một cường quốc nửa vời. Một mặt, ở vị thế cường quốc có nhiều ảnh hưởng, Trung Quốc là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, thành viên của G-20 và nhiều tổ chức quan trọng khác trên toàn cầu, và một bên tham gia tất cả các hội nghị thượng đỉnh quốc tế quan trọng. Mặt khác, quan chức Trung Quốc rất hay phản ứng và thể hiện sự thụ động trong các tổ chức trên, cũng như trong việc đối phó với các thách thức toàn cầu.
Bắc Kinh đã không đi đầu. Nước này cũng không định hướng ngoại giao quốc tế, tác động lên chính sách của các nước khác, hay thúc đẩy sự đồng thuận toàn cầu, thiết lập kênh hợp tác hoặc giải quyết những vấn đề. Bắc Kinh không tích cực tham gia giải quyết bất kỳ vấn đề toàn cầu quan trọng nào; đúng hơn, nước này là một bên tham gia thụ động và hoàn toàn là miễn cưỡng trong những nỗ lực đa phương do những nước khác khởi xướng, thường là Mỹ.
Là cường quốc toàn cầu đòi hỏi Trung Quốc phải đóng vai trò trung gian trong các tranh chấp, giúp các bên ngồi lại với nhau, thúc đẩy hợp tác và sự đồng thuận, và có thể phải gây áp lực khi cần thiết. Bắc Kinh thường chỉ khoanh tay đứng nhìn và kêu gọi các quốc gia giải quyết vấn đề của họ bằng các “biện pháp hòa bình” và tìm ra “những giải pháp đôi bên cùng có lợi”.
Trung Quốc hầu như không thể hiện được vai trò nước lớn có trách nhiệm mà chỉ chăm chăm thủ lợi là chính
Những tuyên bố trống rỗng như vậy gần như không giúp ích cho việc giải quyết vấn đề. Bắc Kinh cũng thực sự không tán thành các biện pháp cưỡng chế và chỉ đồng ý các biện pháp trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra khi nước này nhận thấy rõ rằng nếu không tán thành sẽ khiến Bắc Kinh bị cô lập và ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh quốc tế của nước này. Đây không phải là cách hành xử của một nhà lãnh đạo toàn cầu.
Thay vào đó, chương trình đối ngoại cấp cao của Bắc Kinh thực sự là một vở diễn màu mè, mang tính biểu tượng hơn là thực chất. Nó chủ yếu nhằm mục đích nâng cao tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc trước các khán giả trong nước bằng cách thể hiện giới lãnh đạo Trung Quốc có sự kết giao với giới tinh hoa của thế giới, đồng thời phát đi tín hiệu rằng nước này đã trở lại vị thế của một siêu cường sau nhiều thế kỷ chìm đắm trong trì trệ. Như vậy, chính phủ Trung Quốc đã cố gắng “đạo diễn” tỉ mỉ các cuộc tiếp xúc của lãnh đạo nước này với những người đồng cấp ngoại quốc.
Tuy nhiên, chính sách ngoại giao Trung Quốc thực sự vẫn còn e ngại rủi ro và bị chi phối bởi những lợi ích quốc gia hẹp hòi. Bắc Kinh thường sử dụng cách tiếp cận có mẫu số chung nhỏ nhất, tán thành những quan điểm an toàn nhất, ít gây tranh cãi nhất và chờ đợi xem lập trường của các nước khác như thế nào trước khi đưa ra quan điểm riêng của mình.
Trái ngược với cách hành xử thụ động này, trong những vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi, được xác định rõ như: Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương, nhân quyền và các yêu sách chủ quyền đầy tranh cãi của nước này, Bắc Kinh đã thể hiện rõ sự cảnh giác và quyết đoán về ngoại giao, nhưng các nỗ lực bảo vệ những lợi ích này khá vụng về và thường phản tác dụng đối với mục tiêu cũng như hình ảnh của nước này. Như vậy ngoại trừ việc bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình, ngoại giao Trung Quốc vẫn hết sức thụ động nếu xét về tầm vóc và vị thế quan trọng của Trung Quốc.
Khi nhắc đến quản trị toàn cầu, điều cần thiết là các bên phải đóng góp vào lợi ích chung một cách tương xứng với năng lực tổng thể của quốc gia. Cách hành xử của Bắc Kinh nhìn chung vẫn thụ động và có tư tưởng hẹp hòi giống như phần còn lại trong chính sách ngoại giao của nước này. Tuy vậy, Trung Quốc đã có đóng góp nhất định vào những khía cạnh khác nhau của nhiệm vụ quản trị toàn cầu như: Hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, các hoạt động chống cướp biển ở Vịnh Aden, các biện pháp chống khủng bố ở Trung Á, hỗ trợ phát triển các nước bên ngoài, không phổ biến nguyên liệu hạt nhân, y tế, cứu trợ thiên tai và phòng chống tội phạm quốc tế.
Ở những lĩnh vực này, Bắc Kinh đáng được khen ngợi. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể và nên cống hiến nhiều hơn nữa; nước này chưa thực sự đóng góp một cách tương xứng với tầm vóc, sự giàu có cũng như tầm ảnh hưởng của mình. Thế giới mong đợi và đòi hỏi Trung Quốc phải làm nhiều hơn.
Tại sao chính sách ngoại giao quản trị toàn cầu của Trung Quốc lại khá hạn chế? Có ba lý do căn bản. Trước tiên, ở Trung Quốc vẫn tồn tại sự hoài nghi rất lớn về các nền tảng tự do và khái niệm cơ bản về quản trị toàn cầu, Trung Quốc coi đây là “cái bẫy” mới nhất của phương Tây, chủ yếu là Mỹ, dùng để “tiêu hao sinh lực” Bắc Kinh, bằng cách đẩy nước này vào những cuộc khủng hoảng và những nơi nước này không có lợi ích quốc gia trực tiếp – theo đó sẽ phân tán nguồn lực và kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Thứ hai, người dân Trung Quốc sẽ chỉ trích chính phủ phân bổ nguồn lực ra bên ngoài trong khi sự nghèo đói và những vấn đề cấp bách khác vẫn đang tồn tại trong nước. Và thứ ba, Trung Quốc có cách tiếp cận kiểu như “trao đổi” để tối đa công sức bỏ ra, đặc biệt liên quan đến vấn đề tiền bạc. Điều này bắt nguồn từ văn hóa buôn bán trao đổi của Trung Quốc nhưng đã ảnh hưởng nhiều đến cách hành xử của nước này. Người Trung Quốc muốn biết chính xác họ sẽ thu lại được gì từ một khoản đầu tư nhất định và là khi nào. Như vậy, toàn bộ nền tảng của hoạt động xuất phát từ lòng nhân ái và đóng góp không vị lợi vì các lợi ích chung toàn cầu là điều khá xa lạ trong suy nghĩ của nhiều người Trung Quốc.
Kết quả là, trong lĩnh vực ngoại giao – song phương, đa phương và quản trị toàn cầu – Bắc Kinh vẫn hoàn toàn thụ động và miễn cưỡng khi tham gia. Năm 2005, ông Robert Zoellick đã từng nhận xét rằng Trung Quốc còn lâu mới trở thành một “bên liên quan có trách nhiệm”. Ngoại giao Trung Quốc có tính tư lợi hẹp hòi, và việc Bắc Kinh tham gia quản trị toàn cầu chỉ dừng ở mức tối giản, mang tính chiến thuật, hơn là tuân theo một quy chuẩn hay chiến lược. Trên thực tế, nhiệm vụ thực sự của ngoại giao Trung Quốc là thương mại.
Nhìn vào thành phần phái đoàn công du nước ngoài của chủ tịch hoặc thủ tướng Trung Quốc, người ta có thể thấy một số lượng lớn các CEO tập đoàn – với nhiệm vụ tìm kiếm những nguồn cung ứng năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, hoạt động thương mại và cơ hội đầu tư. Chính sách ngoại giao trọng thương như vậy không giúp Bắc Kinh có được sự tôn trọng của quốc tế và, trong thực tế, điều này bắt đầu tạo ra những làn sóng chỉ trích và phản ứng ngày càng gay gắt trên thế giới (đặc biệt là ở Châu Phi và Châu Mỹ La tinh).
Năng lực quân sự của Trung Quốc cũng cho thấy đây là một cường quốc nửa vời: một cường quốc khu vực đang nổi, nhưng hoàn toàn không phải một cường quốc toàn cầu. Trung Quốc không thể triển khai sức mạnh ra ngoài phạm vi các nước láng giềng Châu Á (ngoại trừ thông qua tên lửa đạn đạo liên lục địa, chương trình không gian và năng lực chiến tranh mạng), và ngay cả ở Châu Á, năng lực triển khai sức mạnh của nước này cũng rất hạn chế (mặc dù đang được cải thiện).
Khả năng Trung Quốc có thể triển khai sức mạnh quân sự ở khu vực ngoại vi xa tới 500 hải lý của nước này (ví dụ như trong tranh chấp Biển Hoa Đông hay Biển Đông) và duy trì đủ lâu để chiếm ưu thế trong một cuộc xung đột, cũng không hề chắc chắn. Lực lượng quân sự của Trung Quốc chưa được thử thách qua chiến đấu, và cũng chưa trải qua một cuộc chiến nào kể từ năm 1979.
Dĩ nhiên, nỗ lực hiện đại hóa quân đội Trung Quốc được tiến đều đặn trong 25 năm qua. Trung Quốc sở hữu ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới (ngân sách chính thức năm 2014 là 131,6 tỷ USD), lực lượng vũ trang thường trực lớn nhất, nhiều vũ khí tân tiến, một lực lượng hải quân có thể hoạt động ở các vùng biển xa ở phía tây Thái Bình Dương, đôi khi hiện diện cả ở Ấn Độ dương, cùng một tàu sân bay còn sơ khai. Vì vậy, quân đội Trung Quốc sẽ không dễ bị qua mặt. Trung Quốc hoàn toàn có khả năng bảo vệ đất nước, và hiện có thể chiếm ưu thế trong một chiến với Đài Loan (nếu Mỹ không có sự can thiệp nhanh chóng và toàn diện).
Trung Quốc được coi là một cường quốc quân sự ở Châu Á, do vậy làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực, nhưng quân đội Trung Quốc không có khả năng triển khai sức mạnh ở quy mô toàn cầu. Trung Quốc không có căn cứ ở nước ngoài, không có hệ thống hậu cần hoặc thông tin liên lạc trên phạm vi rộng, tầm bao phủ vệ tinh toàn cầu còn khá yếu. Lực lượng hải quân chủ yếu hoạt động ở các vùng biển gần, lực lượng không quân không có khả năng tấn công tầm xa hoặc năng lực tàng hình như đã chứng minh, và lực lượng mặt đất cũng không định hình theo hướng triển khai nhanh.
TQ muốn chấn chỉnh tình trạng thao túng chỉ số GDP?
Thứ Bảy, tháng 1 30, 2016
doanh nhan
No comments
Việc cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia bị điều tra tham nhũng sau khi ông công bố số liệu kinh tế Trung Quốc 2015 cho thấy Bắc Kinh có thể muốn chấn chỉnh cách tính các chỉ số này.
Ngày 26/1, Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ưởng Đảng (CCDI) của Trung Quốc thông báo trên website rằng Cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia (NBS) Vương Bảo An bị điều tra vì "vi phạm kỷ luật Đảng nghiêm trọng", cụm từ mà chính quyền và truyền thông Trung Quốc thường sử dụng để nói về các nghi án tham nhũng. Điều gây chú ý là việc CCDI thông báo điều tra chỉ vài tiếng sau khi ông Vương xuất hiện tại một cuộc họp báo để thông báo về những chỉ số tổng kết tình hình kinh tế năm 2015.
Cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc Vương Bảo An. Ảnh: Getty |
Cục Thống kê Quốc gia là cơ quan chịu trách nhiệm tổng hợp và công bố những số liệu chính thức về nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm chỉ số GDP. Cơ quan này tuyển dụng khoảng 20.000 nhân sự để nghiên cứu, xác thực các chỉ số. Ông Vương khẳng định những số liệu do NBS công bố đều "đáng tin cậy và có giá trị".
Khống GDP để thăng tiến?
Tuy nhiên, nhiều năm qua, các nhà phân tích, kinh tế học thường chỉ trích những số liệu thống kê kinh tế do chính quyền công bố chính thức là không trung thực.
Theo CNN, những người hoài nghi về độ tin cậy của chỉ số GDP chính thức cho rằng các số liệu này giống như để "thờ cúng", vì đây là một cách để thăng tiến, đề bạt nhanh chóng tại Trung Quốc. Nếu một quan chức địa phương đạt các chỉ tiêu tăng trưởng hoặc thậm chí vượt mức, những tin tức này sẽ được truyền tới chính phủ trung ương. Một điện tín ngoại giao của chính phủ Mỹ mà Wikileaks công bố cũng từng đề cập đến việc chính quyền Trung Quốc chỉnh sửa chỉ số GDP.
"Trung Quốc không có một cơ quan thống kê độc lập. Họ phụ thuộc vào các chính quyền địa phương báo cáo số liệu từ cấp cơ sở. Do vậy, nhiều địa phương có xu hướng bóp méo để làm đẹp số liệu", Andy Xie, nhà phân tích kinh tế độc lập, nói.
Chỉ số tăng trưởng năm 2015 của Trung Quốc được công bố chính thức là 6,9%, mức chậm nhất trong hơn hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn hoài nghi về phương pháp thống kê của Trung Quốc.
Công nhân Trung Quốc làm việc tại một nhà máy ở tỉnh Sơn Đông. Ảnh: China Daily |
Báo Wall Street Journal ngày 27/1 dẫn một nghiên cứu của giáo sư Xu Dianqing, chuyên gia kinh tế tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, cho thấy chỉ số GDP của Trung Quốc chỉ có thể ở khoảng 4,3% - 5,2%. Nhiều phân tích của các cơ quan, tổ chức quốc tế khác, như công ty Capital Economics (Canada), Barclays Bank (Anh), The Conference Board (Mỹ), Oxford Economics (Anh) cũng đưa ra nhận định tương tự, rằng tăng trưởng năm qua của Trung Quốc chỉ khoảng 4 - 6%.
Chấn chỉnh tình trạng GPD khống?
Cuối năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã có những bước đầu thừa nhận tình trạng thao túng chỉ số kinh tế ở các địa phương. Tân Hoa Xãhồi giữa tháng 12/2015 cho biết, chính quyền một số tỉnh ở khu vực đông bắc Trung Quốc, như Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang, đã thừa nhận "làm giả" dữ liệu kinh tế trong những năm qua. Điều này dẫn đến ảo tưởng về tình hình tăng trưởng nhanh chóng trong khi số liệu thực tại thấp hơn nhiều.
Một trong những trường hợp đáng chú ý như tỉnh Liêu Ninh. Cách đây 3 năm, địa phương này báo cáo tăng trưởng đến 9,5%, nhưng số liệu của 3 quý đầu năm 2015 chỉ đạt 2,7%. Tương tự, tỉnh Cát Lâm báo cáo tăng trưởng 12% cách đây 3 năm nhưng chỉ số hiện tại chỉ 6,3%. Các tỉnh này đều là những địa phương có mức tăng trưởng thấp nhất trên toàn quốc. NBS từ chối bình luận về những chênh lệch quá cao trong các con số thống kê này.
Trang Quartz cho rằng, việc ông Vương Bảo An bị điều tra cho thấy Bắc Kinh có thể muốn chấn chỉnh cách tính toán những chỉ số về tăng trưởng theo hướng đáng tin cậy hơn.
Thông báo của CCDI rất ngắn gọn, không có một gợi mở nào để liên tưởng về sự việc điều tra ông Vương với tình trạng chỉ số GDP sai lệch. Tuy nhiên, nếu quả thực sự ra đi của ông Vương liên quan đến điều này, thì các số liệu GDP chính thức của Trung Quốc có thể tiếp tục nhấn chìm lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài và thị trường thế giới về nền kinh tế nước này.
Việc điều tra ông Vương có thể còn nhiều ý đồ chính trị ở phía sau, do ông mới nhận nhiệm vụ tại NBS từ tháng 4/2015. Trước đó, ông đã trải qua 17 năm giữ chức ở Bộ Tài chính, bao gồm chức vụ thứ trưởng, giám sát việc chi tiêu đầu tư và các quyết định chính sách về tài chính.
Trung Quốc “vật lộn” chế tạo động cơ hiện đại cho các chiến đấu cơ
Thứ Bảy, tháng 1 30, 2016
doanh nhan
No comments
Trung Quốc đã chế tạo được động cơ cho chiến đấu cơ từ 30 năm trước nhưng loại động cơ này chưa thể sánh được với loại tương tự của phương Tây.
Theo Reuters, nhận định trên được các chuyên gia nước ngoài và cả Trung Quốc đưa ra.
Vẫn tồn tại quá nhiều vấn đề
Chuyên gia hàng đầu về không quân tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London Douglas Barrie cho biết, công nghệ động cơ của Trung Quốc chưa thể bằng những gì mà các tập đoàn của phương Tây như Pratt & Whitney, General Electric và Rolls-Royce chế tạo.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng thừa nhận “có một khoảng cách rõ rệt” giữa công nghệ quân sự của Trung Quốc với một số nước có ngành công nghiệp quốc phòng phát triển. Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định, Bắc Kinh sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh cho các lực lượng quân đội của mình.
Việc phương Tây cấm xuất khẩu vũ khí sang Trung Quốc, đặc biệt là các loại động cơ để phục vụ mục đích quân sự đã khiến Trung Quốc phải dựa vào các loại động cơ sản xuất trong nước hoặc những loại động cơ mà Nga đồng ý bán cho Trung Quốc.
“Các loại động cơ do Trung Quốc chế tạo có quá nhiều vấn đề”, ông Michael Raska, Phó Giáo sư tại Trường Đại học Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore cho biết.
Một trong những vấn đề này là các máy bay chiến đấu tàng hình như J-20 và J-31 không thể bay với tốc độ siêu thanh nếu không sử dụng buồng đốt phụ. Trong khi đó, các chiến đấu cơ đối thủ như F-22 và F-35 do hãng Lockheed Martin của Mỹ chế tạo có thể dễ dàng làm điều này mà không cần phải sử dụng buồng đốt phụ.
Việc sử dụng buồng đốt phụ để đẩy máy bay J-20 và J-31 lên tốc độ siêu thanh (dù chỉ trong một thời gian ngắn) đồng nghĩa với việc các chiến đấu cơ J-20 và J-31 phải từ bỏ khả năng tàng hình của mình và lộ diện “rõ mồn một” trên màn hình radar của địch.
Điều này là bởi, khí phát ra từ buồng đốt phụ vừa dễ bị radar bắt tín hiệu vừa tạo ra các dấu hiệu rõ ràng trên các thiết bị cảm biến hồng ngoại của đối phương.
Ngoài ra, các chuyên gia phương Tây cho biết, ngay cả loại động cơ được cho là tốt nhất của Trung Quốc cũng không mấy đáng tin cậy.
Một chiếc J-31 chuẩn bị cất cánh tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế lần thứ 10 tại Trung Quốc vào năm 2014. Ảnh Reuters |
Bất lợi khi đối đầu với Mỹ và đồng minh
Một chuyên gia Trung Quốc thừa nhận, các chiến đấu cơ của Trung Quốc không thể hoạt động tốt như các chiến đấu cơ của Mỹ do công nghệ động cơ của Trung Quốc đã lỗi thời.
Điều này sẽ khiến chiến đấu cơ Trung Quốc gặp bất lợi khi phải đối đầu với đối thủ đến từ Mỹ hoặc Nhật Bản trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông.
Các chuyên gia an ninh nhận định, trong vài năm tới, các chiến đấu cơ của Trung Quốc và Mỹ sẽ nhiều lần “đụng mặt” nhau trên Biển Đông sau khi Trung Quốc hồi đầu tháng 1 tiến hành bay thử tại một trong 3 đường băng mà nước này xây dựng trái phép trên các bãi đá mà Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để “bù đắp” cho bất lợi này, Trung Quốc sẽ chơi chiến thuật “lấy ít địch nhiều” và sử dụng tên lửa phóng từ tàu chiến hoặc trên mặt đất để tiêu diệt máy bay địch nếu xảy ra đối đầu.
Mặc dù vậy, trong vài năm tới, Trung Quốc vẫn đặt ưu tiên hàng đầu là phát triển công nghệ động cơ cho các chiến đấu cơ của mình.
Tập đoàn Galleon có trụ sở tại Thượng Hải hiện đang phụ trách việc tư vấn cho các tập đoàn quốc phòng của Trung Quốc ước tính, trong khoảng 20 năm tới, Trung Quốc sẽ chi khoảng 300 tỷ USD cho các chương trình phát triển động cơ máy bay quân sự và dân sự.
Một số nguồn tin cho biết, Trung Quốc đã thuê một vài kỹ sư và cựu phi công nước ngoài để tham gia vào chương trình phát triển động cơ máy bay này.
“Trong khoảng 20-30 năm tới, dựa vào những gì mà họ đã làm được và những nỗ lực hiện nay, chắc chắn Trung Quốc sẽ sở hữu các động cơ máy bay quân sự đáng gờm”, ông Greg Waldron, người phụ trách biên tập mảng châu Á của tạp chíFlightglobal nhận định.
Hình ảnh chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc suýt va chạm với máy bay trinh sát P-8 Poseidon của Mỹ trên Biển Đông hồi năm 2014. Ảnh Reuters |
Quá trình phát triển chậm chạp
Những chiếc máy bay chiến đấu đầu tiên mà Trung Quốc sản xuất là nhờ phía Nga cấp phép từ những năm 50 của thế kỷ trước và phải mất gần 3 thập kỷ sau, Trung Quốc mới tự chế được các chiến đấu cơ của mình.
Động cơ máy bay chiến đấu tốt nhất hiện nay của Trung Quốc là WS-10A Taihang do Viện Nghiên cứu Động cơ Máy bay Shenyang thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC)- tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực này của Trung Quốc sản xuất.
Được phát triển từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, hơn 250 động cơ WS-10A Taihang đã được lắp vào các chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 là J-10 và J-11 của Trung Quốc. Mặc dù vậy, động cơ này được cho là không cung cấp đủ sức mạnh cho các loại máy bay chiến đấu nói trên và thường xuyên phải sửa chữa.
“Họ đang cố cải thiện động cơ WS-10A Taihang nhưng độ tin cậy của động cơ này vẫn là vấn đề rất lớn”, một chuyên gia cho biết.
Hồi tháng 10/2015, truyền thông Trung Quốc đưa tin, 3 hãng chế tạo động cơ thuộc AVIC đã được sáp nhập làm một và trong những năm tới, sẽ có nhiều hãng chế tạo động cơ khác được sáp nhập thêm. Điều này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, phát triển và sản xuất các loại động cơ máy bay.
Hiện tại, Trung Quốc đang phải lắp thêm các động cơ do Nga sản xuất vào các chiến đấu cơ của nước này.
Hồi tháng 11/2015, Trung Quốc đã tiến hành trao đổi với Tập đoàn United Engine của Nga về khả năng hợp tác để sản xuất các động cơ cho máy bay quân sự. Cũng trong thời điểm đó, Trung Quốc cũng ký thỏa thuận mua 24 siêu chiến đấu cơ tối tân Su-35 của Nga.
Trung Quốc lắp vũ khí chống người nhái cho tàu Liêu Ninh
Thứ Bảy, tháng 1 30, 2016
doanh nhan
No comments
hời báo Hoàn Cầu hung hăng dọa dẫm rằng vũ khí này còn có thể được triển khai trên các đảo đá mà Trung Quốc chiếm đóng, mở rộng trái phép ở Biển Đông.
"Vũ khí bí ẩn" trên tàu Liêu Ninh
Cuối tháng 12/2015, lần đầu tiên Trung Quốc công bố clip của CCTV ghi lại hình ảnh tàu sân bay Liêu Ninh luyện tập trên biển ở gần Bột Hải, sát bán đảo Triều Tiên.
Theo Popular Mechanics (Mỹ), cuộc diễn tập bắt đầu với các màn cất hạ cánh của tiêm kích hạm J-15 trang bị trên tàu Liêu Ninh. Trong clip có mặt ông Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh hải quân và được xem là cha đẻ của chương trình tàu sân bay nước này.
Sau cuộc diễn tập, truyền thông nước ngoài đã đưa ra nhiều bình luận mới về trang bị, khả năng hoạt động của tàu sân bay Liêu Ninh nói riêng, cũng như của Hải quân Trung Quốc nói chung. Trong đó có một chi tiết thu hút sự chú ý đặc biệt của giới chuyên gia.
Vị trí xuất hiện "vũ khí bí ẩn" trên tàu sân bay Liêu Ninh.
Theo trang tin tiếng Trung toutiao, truyền thông nước ngoài nhận định rằng, khu vực phía trước bên phải boong tàu Liêu Ninh, nơi bố trí ăng-ten thông tin liên lạc cỡ lớn và rocket chống ngầm, xuất hiện một loại vũ khí bí ẩn (vòng tròn đỏ trong hình), không rõ là gì.
"Giải mã" vấn đề này, chuyên gia quân sự Trung Quốc Lôi Trạch cho biết, đó là rocket chống người nhái 55mm CS/AR1.
Đây là hệ thống do Trung Quốc phát triển dựa trên rocket chống người nhái của Nga, dùng để đối phó với người nhái và cuộc tấn công dưới nước của đối phương.
Theo ông Lôi Trạch, người nhái thường có nhiệm vụ đặc biệt như thu thập tin tình báo, kích nổ mìn dưới nước, xâm nhập bờ biển.
Do tính ưu việt trong chiến lược phi đối xứng nên hình thức tác chiến người nhái ngày càng được các nước coi trọng. Song song với đó là sự phát triển của vũ khí chống người nhái.
Luận điệu của Trung Quốc
Sau nhận định của ông Lôi Trạch, trang tin toutiao bỗng dưng đề cập rằng Việt Nam đang tăng cường số lượng người nhái, cũng như nâng cấp trang bị cho lực lượng tác chiến này.
Đặc công nước Việt Nam khổ luyện. Ảnh: Quân đội Nhân dân
Toutiao còn dẫn lại một bài viết trên báo Hồng Kông bình luận rằng:
"Họ (người nhái Việt Nam) có thể âm thầm áp sát tàu chiến đối phương khoảng 4m rồi cho nổ thủy lôi, cũng có thể lặn sâu 50m khi mang nặng nửa tấn và duy trì trang thái ở yên dưới nước suốt 24 giờ đồng hồ".
Theo bài viết, vào tháng 5/1964, 6 người nhái quân miền Bắc Việt Nam đã đánh chìm tàu sân bay USS Card của Mỹ bằng thủy lôi.
Từ thành tích đó mà những năm gần đây, trình độ trang bị, cũng như số lượng biên chế của người nhái Việt Nam đều được nâng cao đáng kể.
Dựa trên những "dẫn chứng" của mình, toutiao đi đến kết luận rằng do lo ngại người nhái Việt Nam mà Trung Quốc phải trang bị vũ khí mới cho tàu Liêu Ninh.
Có thể thấy rõ đây là sự ngụy biện cho hành động khiêu khích của trang báo Trung Quốc.
Đây không phải lần đầu tiên truyền thông nước này "vu vạ" cho Việt Nam để viện cớ cho những hành động ngang ngược của mình.
Trước đó, vào năm 2014, khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, truyền thông Trung Quốc cũng từng rêu rao rằng, Việt Nam giăng lưới, sử dụng đặc công người nhái ở khu vực giàn khoan này.
Đây là thông tin hoàn toàn bịa đặt, đã bị phía Việt Nam phản bác rõ ràng. Trong cuộc họp báo ngày 16/6/2014 do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức, ông Ngô Ngọc Thu - phó tư lệnh, tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam khi đó khẳng định:
“Việt Nam không hề sử dụng lực lượng người nhái. Về một số lưới đánh cá, nguyên nhân đây là vùng đánh cá truyền thống của Việt Nam.
Khi bị Trung Quốc ngăn cản, đâm va, tàu cá Việt Nam buộc phải bỏ lưới để tránh sự truy cản của tàu Trung Quốc, tàu Trung Quốc đã thu lưới của ngư dân Việt Nam...”
Thế nhưng, với thông tin liên quan đến tàu sân bay Liêu Ninh lần này, có thể thấy họ vẫn trơ trẽn sử dụng các luận điệu cũ như một cái cớ để chuẩn bị cho việc triển khai các loại vũ khí nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng các nước láng giềng và an ninh trong khu vực.
Hệ thống rocket CS/ARI được Trung Quốc giới thiệu lần đầu tiên tại triển lãm Chu Hải 2014, cấu tạo chủ yếu gồm có rocket chống người nhái, thiết bị khởi động và điều khiển, đạn sát thương người nhái.
Rocket chống người nhái CS/ARI 55 mm được Trung Quốc trừng bày tại Triển lãm hàng không Chu Hải 2014
Khi đó, bằng giọng điệu hiếu chiến, Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) dọa dẫm rằng, những năm gần đây, Biển Đông "liên tục đối mặt với thách thức, đe dọa của một số nước", và CS/ARI là vũ khí dùng để "làm khiếp sợ" những nước "có ý đồ gây rối".
Chưa hết, Hoàn Cầu còn không ngần ngại bộc lộ dã tâm bành trướng của chính phủ nước này khi tuyên bố Trung Quốc có thể triển khai hệ thống CS/ARI trên các đảo đá mà nước này xây dựng/chiếm đóng trái phép ở Biển Đông để "bảo vệ an toàn" cho lực lượng trên đảo.
Ngoài ra, CS/ARI cũng có thể trở thành một phần trong hệ thống vũ khí phòng vệ khu vực lân cận tàu chiến mặt nước.
Khi tàu chiến dừng, cập bến, neo đậu, CS/ARI áp dụng phương thức bắn độc lập, bắn nhóm hoặc bắn đồng loạt, tiêu diệt có hiệu quả các mục tiêu di động nhỏ khu vực dưới nước lân cận như người nhái, bảo đảm an toàn cho bản thân tàu chiến.
Hoàn Cầu đặc biệt nhấn mạnh rằng, mặc dù tiếng ồn sinh ra từ hoạt động bơi của người nhái rất nhỏ nhưng loại vũ khí mới này có thể dò tìm được và tiến hành tấn công đối với người nhái.
Theo quảng bá của Trung Quốc, tầm bắn hiệu quả của CS/ARI là 2 km, nước này hiện nay còn đang nghiên cứu phát triển rocket có tầm bắn xa hơn.
Việc trang bị hệ thống rocket chống người nhái trên tàu Liêu Ninh là động thái mới cho thấy Trung Quốc ngày càng hung hăng, hiếu chiến, sẵn sàng dùng vũ lực uy hiếp các nước láng giềng để hiện thực hóa tham vọng bành trướng lãnh thổ của mình.
Trung Quốc sẽ dùng tàu sân bay tranh chấp Biển Đông?
Thứ Bảy, tháng 1 30, 2016
doanh nhan
No comments
Hải quân Trung Quốc có khả năng sẽ triển khai tàu sân bay hoạt động thường xuyên ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang ráo riết tranh chấp chủ quyền.
Giáo sư Chu Shulong, giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quốc tế tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nói với IHS Jane ngày 28/1 rằng việc triển khai có thể sẽ xảy ra khi tàu sân bay thứ hai của Hải quân Trung Quốc hoạt động đầy đủ.
Giáo sư Chu Shulong giải thích: "Đối với Bắc Hải, Hoàng Hải và Biển Hoa Đông, Trung Quốc không cần đến tàu sân bay. Các máy bay Trung Quốc từ đất liền có khả năng vươn tới những nơi như quần đảo Điếu Ngư(Senkaku thuộc quyền quản lý của Nhật Bản)".
Tuy nhiên, theo giáo sư Chu Shulong, Trung Quốc lại cần triển khai tàu sân bay ở Biển Đông. Ông nói với IHS Jane: “Nếu người Mỹ đưa máy bay và tàu chiến vào Biển Đông, Trung Quốc hiện không có năng lực không quân để đối phó với một thách thức như vậy".
Ông Chu nói thêm rằng sẽ mất khoảng một giờ để máy bay chiến đấu của Trung Quốc từ căn cứ không quân gần nhất trên đảo Hải Nam đến được khu vực phía nam của Biển Đông.
"Những thách thức (của Mỹ) rất có thể sẽ diễn ra rất thường xuyên trong tương lai", ông Chu Shulong nói.
Chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải của Hải quân Mỹ, đặc biệt là chuyến tuần tra của tàu khu trục tên lửa USS Lassen đi một “đảo nhân tạo” ,à Trung Quốc bồi đắp trái phép trong tháng 10/2015 đã thuyết phục các nhà lãnh đạo quân sự của Trung Quốc rằng việc triển khai một tàu sân bay ở Biển Đông là cần thiết.
Trung Quốc đang đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên tại nhà máy đóng tàu Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc. Đây là tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc, sau tàu sân bay Liêu Ninh - một chiếc tàu từ thời Liên Xô mà Bắc Kinh mua lại từ tay Ukraine năm 1998.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền hơn 90% diện tích Biển Đông, chồng lấn với tuyên bố chủ quyền của Indonesia, Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia.
Người đứng đầu Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, hôm 27/1 cho biết, Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự do hoạt động hàng hải ở Biển Đông, thách thức tham vọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực.
Mỹ phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc bồi đắp trái phép “đảo nhân tạo” ở khu vực nam Biển Đông và xây dựng nhiều công trình kiên cố, đường băng sân bay trên một số “đảo”. Washington nghi ngờ các “đảo nhân tạo” này sẽ được sử dụng làm tiền đồn quân sự, trong khi Bắc Kinh khăng khăng nói rằng chúng sẽ chủ yếu phục vụ mục đích nhân đạo.