Hành động Trung Quốc lần đầu tiên đưa tàu hộ tống trang bị vũ khí tới gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông là một phần trong nỗ lực ngăn Nhật Bản không can thiệp vào các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Theo một quan chức giấu tên thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản, hôm 26/12, lực lượng bảo vệ biển Trung Quốc đã điều động tổng cộng 3 tàu chiến trang bị các tháp pháo bao gồm chiếc tàu hộ tống đi vào khu vực 12 hải lý quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Còn theo thông tin từ lực lượng tuần duyên Nhật Bản, 3 chiếc tàu của Trung Quốc đã xuất hiện tại vùng biển phía bắc đảo Kuba, thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào khoảng 8 giờ 19 phút sáng, tiến vào hải phận của Nhật Bản vào lúc 9 giờ 30 phút sáng và rời khỏi đây lúc 10 giờ 50 phút sáng ngày 26/12. Chiếc tàu có vũ trang này được cho là đã xuất hiện vào ngày 22/12, cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư 28 km về phía đông – đông bắc. Chính phủ Nhật Bản đã gửi công điện phản đối tới Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Tokyo và Bộ Ngoại giao Trung Quốc về hành động xâm phạm hải phận.
|
Tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc. |
Căng thẳng trên biển Hoa Đông leo thang đúng thời điểm tình hình Biển Đông có nhiều biến động sau khi Hải quân Mỹ điều tàu tuần tra tới thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trước các nước láng giềng như Philippines và Việt Nam. Về phần mình, Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu Thủ tướng Shinzo Abe không can thiệp vào các cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
"Trung Quốc không muốn Nhật Bản can thiệp vào tình hình Biển Đông. Sự hiện diện tăng cường cùng vũ khí của Trung Quốc trên biển Hoa Đông nhằm nhắc nhở Nhật Bản về những rủi ro phải đối mặt khi Tokyo triển khai lực lượng tới các vùng biển Đông Nam Á", Bloomberg dẫn lời phó Giáo sư Giulio Pugliese tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Heidelberg.
Căng thẳng ngoại giao giữa hai cường quốc châu Á không chỉ xuất phát từ những tranh chấp lãnh thổ mà còn từ những bất đồng trong lịch sử thời chiến. Kể từ cuối năm 2014, Thủ tướng Shinzo Abe và nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã nhóm họp 2 lần nhưng những cam kết của họ về việc giảm thiểu xung đột liên quan tới các hòn đảo tranh chấp dường như chưa được hiện thực hóa.
Trong đó, Trung Quốc hiện quan ngại về khả năng Nhật Bản chủ động tăng cường vai trò duy trì an ninh ở khu vực Đông Nam Á đặc biệt trong bối cảnh Thủ tướng Abe sửa đổi hiến pháp và cho phép quân đội nước này triển khai lực lượng tới hỗ trợ các quốc gia đồng minh khi bị tấn công. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đã đồng thuận cung cấp các tàu bảo vệ biển cho Việt Nam và Philippines để nâng cao năng lực tuần tra. Hồi tháng Sáu, Nhật Bản và Philippines còn tiến hành tập trận chung hải quân trên Biển Đông.
Hồi tháng trước, tuyên bố trước Tổng thống Barack Obama, Thủ tướng Abe cho hay ông đang cân nhắc điều động lực lượng tới hỗ trợ hoạt động quân sự của Mỹ trên Biển Đông. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, nhà lãnh đạo Nhật Bản khẳng định lời bình luận của ông đã bị hiểu sai ý và Tokyo chưa có kế hoạch cụ thể tham gia tuần tra cùng Mỹ.
Xâm phạm hải phận thường xuyên
"Trung Quốc đang muốn Nhật Bản quay trở lại tập trung vào biển Hoa Đông bởi khả năng Tokyo tự cho rằng tình hình tại khu vực này đã ổn định và Tokyo có thể chuyển hướng quan tâm sang Biển Đông", nhà nghiên cứu Collin Koh Swee Lean tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore nói.
Theo một quan chức ngoại giao Nhật Bản, sự xuất hiện của 3 tàu Trung Quốc hôm 26/12 là lần thứ 139 Bắc Kinh đưa tàu vào hải phận Nhật Bản kể từ tháng 9/2012. Kể từ năm 2014, số lượng tàu Trung Quốc xuất hiện trong hải phận Nhật Bản đã tăng từ 4 – 10 chuyến/tháng. Trong đó, đỉnh điểm hồi tháng 11/2014 là 8 lần. Nguy cơ đối đầu quân sự giữa Trung – Nhật ngày càng gia tăng trong bối cảnh Mỹ cam kết bảo vệ Tokyo nếu như bị tấn công vũ trang.
|
Tàu thuyền Nhật - Trung không ít lần chạm trán trên biển Hoa Đông. |
Để tránh nguy cơ đối đầu khi điều động các tàu hải quân trang bị vũ khí hạng nặng, Nhật Bản và Trung Quốc đã đưa các tàu bảo vệ biển dân sự để tuần tra quanh hải phận mà hai nước tuyên bố chủ quyền.
Theo một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản, tàu hộ tống của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc được trang bị súng thần công tự động trong khi những vũ khí chính đã được loại bỏ.
Trong khi đó, chiếc tàu cỡ lớn nhất mà lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản hiện đang sở hữu và được điều động tới chuỗi đảo Ryukyu. Con tàu này có độ dài tương tự các tàu hộ tống của Trung Quốc và được trang bị 2 súng thần công tự động sở dụng cỡ đạn 20 mmt và 35 mm. Tuy nhiên, chất lượng và khả năng hoạt động của tàu thuyền thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản được đánh giá cao hơn Trung Quốc.
"Trong tương lai, ngày càng nhiều tàu thuyền của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc sẽ tiến vào hải phận và đối đầu với lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Đáng nói, tàu thuyền của Trung Quốc sẽ ngày càng hiện đại, lớn hơn và trang bị vũ khí tối tân hơn", chuyên gia Koh chia sẻ.
Ngoài biển Hoa Đông, Trung Quốc còn nâng cao năng lực hải quân trên Biển Đông. Cụ thể, theo Thời báo Hoàn Cầu hôm 25/12, Trung Quốc đã điều động thêm 3 tàu tới hỗ trợ lực lượng hải quân đóng quân trái phép quần đảo Trường Sa của Việt Nam bao gồm tàu vận tải và cung ứng Luguhu, tàu trinh sát điện tử Haiwangxing và tàu khảo sát ngoài khơi Qianxuesen.
Trong khi đó, lực lượng tàu thuyền Nhật – Trung đã liên tiếp nối đuôi nhau xuất hiện trên biển Hoa Đông kể từ sau sự kiện chính quyền Tokyo quyết định mua lại 3 hòn đảo không người sinh sống thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ một ông chủ tư nhân hồi năm 2012.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố hôm 23/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhấn mạnh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là phần lãnh thổ của nước này kể từ thời cổ đại do đó, lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc "hoàn toàn có quyền" tiến hành tuần tra và những vũ khí trang bị trên các tàu này hoàn toàn giống với các nước khác.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317