Độc chiếm Biển Đông không chỉ là mưu đồ nhằm giúp Trung Quốc sở hữu một khu vực biển rộng lớn giàu tài nguyên thiên nhiên và có nhiều tuyến hàng hải then chốt, mà đây còn là bàn đạp giúp Bắc Kinh đẩy các lực lượng Mỹ ra xa khỏi khu vực.
Một khi làm chủ được Biển Đông, Trung Quốc sẽ tạo ra vùng đệm an toàn cho các tàu ngầm hoạt động (Ảnh: CNS)
Đây là đánh giá của các chuyên gia từ Trung tâm nghiên quốc tế và chiến lược (CSIS). Theo đó, việc Trung Quốc ngày càng quyết liệt và hung hăng trong hiện thực hóa các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, không chỉ nhằm độc chiếm vùng biển giàu tài nguyên với các tuyến hàng hải then chốt thế giới, mà còn vì mưu đồ quân sự.
Trên đảo Hải Nam, ở rìa phía Bắc của Biển Đông, Trung Quốc hiện có nhiều căn cứ tàu ngầm hạt nhân, bao gồm 4 chiếc được trang bị tên lửa đạn đạo. Dù vậy, vấn đề của nước này đó là họ bị bao bọc trong đường bờ biển hẹp.
Về địa lý, Trung Quốc giáp Hoàng Hải, biển Hoa Đông và Biển Đông. Điều này có nghĩa là lối ra Thái Bình Dương và các vùng biển xa hơn duy nhất của họ là thông qua các eo biển hẹp, tiếp giáp với Nhật, Philippines, Singapore, Malaysia hoặc Indonesia.
Nhà nghiên cứu Brad Glosserman, đến từ văn phòng tại Honolulu của Trung tâm quốc tế và chiến lược (CSIS) cho rằng, một trong những lý do Bắc Kinh thúc đẩy những tuyên bố chủ quyền với hầu hết các bãi đá, hòn đảo trên Biển Đông, bất chấp phản ứng của Việt Nam và Philippines, là nhằm đẩy hải quân Mỹ ra khỏi khu vực.
Ngay từ trước khi Mỹ đưa ra đề xuất tăng mạnh hoạt động tuần tra của hải quân quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông hồi tuần này, các tàu và máy bay của nước này vẫn thường xuyên bám sát các tàu ngầm Trung Quốc, điều mà Bắc Kinh rõ ràng không thể hài lòng.
Trung Quốc “quan ngại nhất” về việc tình báo Mỹ thu thập thông tin tại Biển Đông, Wu Shicun, chủ tịch Viện quốc gia nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc khẳng định với các phóng viên nước ngoài hôm thứ Tư.
Nếu Bắc Kinh có thể đẩy các tàu, máy bay do thám đó ra xa bằng cách tạo lập chủ quyền với hầu hết Biển Đông, bất chấp phản ứng từ các nước láng giềng, theo ông Glosserman, thì điều này sẽ giúp các tàu ngầm Trung Quốc dễ dàng tiến ra Thái Bình Dương, mà không cần phải đề cập nhiều tới việc này.
Giới chức ngoại giao và quân sự Trung Quốc từng tuyên bố nước này không có ý định hạn chế tự do hàng hải và giao thông hàng không trên Biển Đông, miễn là hoạt động đó diễn ra “theo đúng luật pháp quốc tế”.
Tuy vậy, Zhou Bo, một thượng tá của văn phòng đối ngoại bộ quốc phòng Trung Quốc, hôm thứ Ba vừa qua cho rằng điều đó vẫn khiến Trung Quốc và Mỹ có nhiều tranh cãi do cách lý giải luật pháp quốc tế của họ về vấn đề này hoàn toàn khác nhau.
Và với vấn đề tàu ngầm, vẫn có một cách nhìn khác trong vấn đề này. Tàu ngầm hạt nhân luôn được xem như một công cụ răn đe một cuộc chiến tranh hạt nhân. Các tàu ngầm Trung Quốc về thực tế không có giá trị gì trong các cuộc tranh chấp với Việt Nam hay Philippines, thay vào đó lý do duy nhất để sở hữu chúng là răn đe một cuộc tấn công của Mỹ.
Các tàu ngầm khó bị tiêu diệt hơn so với các tên lửa đạn đạo liên lục địa trên mặt đất hoặc máy bay ném bom hạt nhân – và khiến chúng là vũ khí giá trị nhất trong kho vũ khí răn đe của mọi quốc gia.
Vấn đề của Trung Quốc đó là, các tàu ngầm của họ hoạt động quá ồn nên dễ bị phát hiện. Do đó nước này cần tìm ra một tuyến đường hoạt động phù hợp. Không thể luôn để các tàu ngầm tại cảng, bởi bất kỳ sự triển khai đột ngột nào trong tình huống khủng hoảng sẽ khiến nước này bị động.
Nhưng đồng thời các tàu này không thể hoạt động ngoài khơi xa, do có thể dễ dàng bị hải quân Mỹ phát hiện và theo dõi. Tong Zhao, một nhà phân tích tại Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua tại Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc có vẻ đã quyết định theo chính sách pháo đài, sử dụng chính Biển Đông làm pháo đài.
Nếu bằng các biện pháp áp đặt chủ quyền, Trung Quốc có thể biến Biển Đông thành “ao nhà”, được canh gác bởi các tàu mặt nước và máy bay quân sự, tàu ngầm của họ sẽ có được một hành lang an toàn để hoạt động.
Thanh TùngTheo Washington Post
0 nhận xét:
Đăng nhận xét