Theo Tân Hoa xã, quỹ này do Sàn giao dịch vàng Thượng Hải (SGE) đứng đầu với nguồn vốn dự kiến khoảng 100 tỷ nhân dân tệ.
Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. Trong số 65 quốc gia dọc theo Con đường Tơ lụa trên bộ và Con đường Tơ lụa trên biển, có rất nhiều quốc gia châu Á sở hữu những quặng vàng lớn. Nhiều nước đã được Trung Quốc chào mời góp vốn vào quỹ.
Thông qua chuỗi hệ thống khai thác và thị trường tiêu thụ từ châu Á sang Âu theo Con đường Tơ lụa, Bắc Kinh tham vọng trở thành bá chủ về vàng
Tang Xisheng thuộc Quản lý Quỹ Công nghiệp cho rằng: "Trung Quốc không có tiếng nói lớn đối với giá vàng bởi vì nó chiếm một phần nhỏ trong thương mại vàng quốc tế. Vì vậy, chính phủ Trung Quốc tìm cách tăng cường ảnh hưởng đối với giá vàng bằng cách mở cửa thị trường vàng trong nước cho các nhà đầu tư quốc tế".
Cũng theo ông Tang, quỹ vàng sẽ đầu tư thăm dò, khai thác vàng ở các nước dọc theo con đường tơ lụa, đặc biệt là Afghanistan và Kazakhstan.
Như vậy, với việc thành lập quỹ vàng, Trung Quốc không che giấu tham vọng khống chế thị trường này. Hồi tháng 3/2015, Trung Quốc cũng đã thông báo sẽ đưa vào hoạt động một hệ thống định giá vàng với tham vọng thay thế Hiệp hội Thị trường vàng (LBMA) tại London (Anh). Có nhiều ngân hàng Trung Quốc tham gia hệ thống định giá này nhằm giúp cho Bắc Kinh có trọng lượng hơn trong việc định giá.
Mục đích đằng sau Con đường Tơ lụa
Liên quan đến Con đường Tơ lụa trên biển, trước đó giới chuyên gia đã cảnh báo toan tính của Trung Quốc. Theo đó, Robert Kaplan, nhà nghiên cứu chiến lược hàng đầu của Mỹ, từng dự báo cuộc chiến tranh thế giới thế kỷ 21 sẽ diễn ra trên biển. Dự án Con đường Tơ lụa trên biển sẽ đảm bảo các điều kiện hậu cần và an ninh cho việc vận chuyển hàng, đảm bảo nguồn cung dầu thô cho Trung Quốc.
Hệ thống cảng biển dọc Con đường Tơ lụa trên biển sẽ cho phép lực lượng hải quân Trung Quốc vượt ra khỏi những hạn chế địa lý của chuỗi đảo phía Tây Thái Bình Dương và áp lực quân sự từ chính sách tái cân bằng của Mỹ.
"Nó tạo “danh chính, ngôn thuận” và điều kiện thuận lợi cho sự hiện diện của hải quân Trung Quốc ra các vùng biển ngoài Trung Quốc, trước hết là khu vực Biển Đông, eo biển Malacca, từ Biển Đông vươn sang Ấn Độ Dương, giúp cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trên biển và tăng cường hiện diện quân sự trên biển. Cái đích là Ấn Độ Dương – vì Trung Quốc muốn thành cường quốc toàn cầu, trước hết phải đặt chân vững chắc tại Ấn Độ Dương", Robert Kaplan phân tích.
Còn Tiến sỹ Đỗ Minh Cao, Viện Nghiên cứu Trung Quốc (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhận định trên Dân trí, việc xây dựng cái gọi là Con đường Tơ lụa trên biển nằm trong một kế hoạch rất nguy hiểm đối với Việt Nam. Nó là hiện thân của con đường do Trịnh Hòa (người Trung Quốc) đã đi từ thế kỷ XV. Mà Trịnh Hòa được Trung Quốc nói là người đã khám phá ra những vùng đất mới trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc thực hiện như vậy thể hiện tham vọng chính trị rất lớn.
Nếu các nước vì lợi ích trước mắt mà tham gia vào Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 thì rất nguy hiểm. Bởi vì như vậy sẽ vô hình chung công nhận con đường do Trịnh Hòa khai phá, vướng vào hàm ý sâu xa của Trung Quốc muốn nói rằng Hoàng Sa và Trường Sa do họ phát hiện.
"Nếu không tính toán, chủ động nhìn xa, trông rộng, các nước sẽ mắc phải mưu của họ. Trong thời điểm hiện tại, trước tham vọng chính trị trong việc xây dựng đảo của Trung Quốc, Việt Nam cần cực kỳ thận trọng và xem xét kỹ, ngẫm lại những bài học lịch sử…", ông Cao lưu ý.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét