Phát biểu tại Đối thoại Shangrila 2015, Thủ tướng Singapore cho rằng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) sẽ giúp các nước phá "vòng luẩn quẩn" trong tranh chấp Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh Mỹ - Trung không nên phân chia vùng ảnh hưởng tại Châu Á - Thái Bình Dương.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu khai mạc Đối thoại Shangrila 2015. (Ảnh: IISS)
COC sẽ giúp các nước phá "vòng luẩn quẩn" trong tranh chấp Biển Đông
Phát biểu trước các lãnh đạo quốc phòng từ 20 quốc gia tại Đối thoại Shangrila 2015, Thủ tướng nước chủ nhà Singapore Lý Hiển Long tối nay kêu gọi Trung Quốc và ASEAN hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông càng sớm càng tốt. Ông Lý nhấn mạnh Bộ quy tắc này sẽ giúp không để các tranh chấp lãnh thổ làm xấu các mối quan hệ song phương, đa phương trong khu vực.
Thủ tướng Lý nhấn mạnh rằng tuân thủ luật pháp quốc tế sẽ đem tới kết quả tốt nhất cho các nước và các bên trong tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Người đứng đầu đảo quốc sư tử cũng nhấn mạnh rẳng với các nước đứng ngoài tranh chấp như Singapore, dù không chọn đứng về bên nào, cũng có lợi ích trong các vấn đề hàng hải, và trong quá trình giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.
“Nếu một cuộc đụng độ xảy ra trên biển và có thể leo thang thành căng thẳng trên diện rộng hay đối đầu giữa các bên, thì dù nó được dàn dựng hay chỉ vô tình xảy ra, cũng đem tới những hậu quả xấu’, Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh.
“Tuy nhiên, kể cả khi chúng ta có tránh được một cuộc đụng độ như thế nhưng kết cục của các tranh chấp lãnh thổ lại được định đoạt nhờ sức mạnh thì cũng tạo ra một tiền lệ xấu”, ông Lý nói thêm và giải thích rằng: “Kết cục này sẽ không dẫn tới một cuộc xung đột nóng ngay lập tức, nhưng tạo ra một cục diện không bền vững và kém vui vẻ”. “Bởi trong dài hạn, sẽ không thể duy trì một trật tự khu vực ổn định chỉ nhờ vũ lực. Để làm được điều đó cần có sự đồng thuận và sự công nhận về pháp lý của cộng đồng quốc tế, đi kèm với cân bằng cán cân quyền lực”, Thủ tướng Lý nêu ý kiến trước các đại biểu.
Mỹ - Trung không nên chia vùng ảnh hưởng tại Thái Bình Dương
Thủ tướng Lý nhấn mạnh cục diện chiến lược tại châu Á - Thái Bình Dương đã có nhiều thay đổi. Hiện nay Mỹ và Trung Quốc đang là những chủ thể chính trong khu vực. Ông Lý nhận định cho đến nay, Trung Quốc đã “trỗi dậy hòa bình trong khuôn khổ trật tự thế giới hiện hành”. Yếu tố định hình trật tự ấy vẫn là mối quan hệ giữa hai cường quốc Trung - Mỹ.
“So với quan hệ đối đầu Mỹ - Liên Xô trước đây, mối quan hệ Trung - Mỹ có những khác biệt cơ bản, khi không còn là mối quan hệ “một mất, một còn”. Có nhiều thành tố chi phối cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc, nhưng hai nước cũng phụ thuộc lẫn nhau và có nhiều cơ hội để hợp tác”, Thủ tướng Lý cho biết.
“Tất cả các nước châu Á hy vọng rằng quan hệ Trung-Mỹ tốt đẹp. Không nước nào muốn phải chọn về phe Bắc Kinh hay Washington”, ông Lý nói thêm.
“Chúng tôi vui mừng khi thấy Trung, Mỹ gắn kết, hợp tác và cùng giải quyết các vấn đề nảy sinh bất chấp những áp lực đè nặng lên hai cường quốc cũng như những căng thẳng không thể tránh được giữa hai bên”, nhà lãnh đạo Singapore nhấn mạnh.
“Bởi vậy, khi Bắc Kinh và Washington tuyên bố rằng Thái Bình Dương “đủ rộng” để đón nhận cả hai nước, chúng tôi đón nhận nó như một tín hiệu tốt lành. Miễn là khái niệm “đủ rộng” này có nghĩa là có đủ không gian trên khắp châu Á- Thái Bình Dương cho cả hai cường quốc cùng tham gia và cạnh tranh trong hòa bình, giải quyết các vấn đề một cách xây dựng và không gây thêm căng thẳng”, Thủ tướng Lý nói.
Ông Lý nhấn mạnh: “Và cũng miễn sao “đủ rộng” không có nghĩa là hai cường quốc này sẽ chia đôi Thái Bình Dương thành những vùng ảnh hưởng của riêng mình, và giới hạn những sự lựa chọn của các nước khác, tạo nguy cơ về một cuộc đối đầu, xung đột giữa hai khối”.
Ngoài ra, Thủ tướng Singapore cho biết ông hy vọng trong 50 năm tới, Mỹ, Trung, Nhật sẽ vẫn là những cường quốc trong khu vực, đồng thời mong đợi Ấn Độ sẽ đóng một vai trò tích cực trong khu vực. Ông Lý cho biết ông cũng mong muốn rằng một sự cân bằng, ổn định trong khu vực sẽ tiếp tục được duy trì trong tương lai.
Ông cũng hy vọng châu Á- Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là một hệ thống giao thương, đầu tư, hợp tác kinh tế toàn cầu mở. “Đó sẽ không phải là một thế giới nơi “chân lý thuộc về kẻ mạnh”, kẻ mạnh được quyền áp chế, còn kẻ yếu phải chịu đựng. Đó sẽ là một thế giới nơi pháp luật và những cam kết mang tính xây dựng được đề cao, và tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều được quyền cạnh tranh một cách hòa bình để có thể phát triển thịnh vượng”, Thủ tướng Singapore nhấn mạnh.
Cũng trong bài diễn văn khai mạc Đối thoại Shangrila năm nay, Thủ tướng Singapore cũng đề cập đến sự nguy hiểm của nhóm phiến quân cực đoan Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và tính cấp bách của việc giải quyết nạn buôn người.
Thoa Phạm
Theo CNA
0 nhận xét:
Đăng nhận xét