Washington-Tokyo kí kết "Phương châm hợp tác quốc phòng Nhật-Mỹ", là một phần trong chiến lược áp dụng đòn đánh chính trị-kinh tế nhằm bao vây, cô lập Trung Quốc.
Tăng cường hợp tác quân sự nhằm vào Trung Quốc
Sau khi kí thỏa thuận quân sự quan trọng "Phương châm hợp tác quốc phòng Nhật - Mỹ" tại Washington vào ngày 27 tháng 4, Hoa Kỳ đã thay đổi tư thế, sẵn sàng đối phó Trung Quốc. Bây giờ, một khi Trung - Nhật nổ ra xung đột ở biển Hoa Đông, khả năng Mỹ can thiệp quân sự sẽ tăng lên rõ rệt.
Nhà phân tích Michael Green của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế đã chỉ ra rằng, bản "Định hướng hợp tác quốc phòng Nhật - Mỹ" mới có tầm ảnh hưởng tương đối sâu rộng.
Một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết, trước nguy cơ đe dọa từ Triều Tiên càng ngày càng cao thì thỏa thuận mới này là một bước tiến lớn. Tuy nhiên trên thực tế, Triều Tiên luôn chỉ là một cái cớ tốt nhất để Hoa Kỳ gia tăng triển khai quân đội ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Phía Trung Quốc cho rằng, bản "Phương châm hợp tác quốc phòng Nhật - Mỹ" là một “kíp nổ” tiềm ẩn để phát động hành động quân sự, mà mục tiêu chính là nhằm vào vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Cuộc tranh chấp này đã diễn ra trong nhiều thập kỷ và lên đến đỉnh điểm vào năm 2012 khi chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa các hòn đảo và sau đó là việc Trung Quốc lập “Vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) trên biển Hoa Đông vào tháng 11-2013.
Chính phủ Nhật Bản hiển nhiên vẫn đang xúc tiến những phương châm đã định nhằm sửa đổi hiến pháp, mở rộng "quyền phòng vệ tập thể", cho phép quân đội triển khai các hoạt động ở nước ngoài, khi xung đột xảy ra sẽ cùng với đồng minh Mỹ áp dụng hành động quân sự chung.
Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Nhật, Mỹ tại lễ công bố nguyên tắc chỉ đạo hợp tác quốc phòng mới (Ảnh: Afr)
Sự thay đổi mạnh mẽ này là kết quả trực tiếp của việc Mỹ kêu gọi các đồng minh “nâng cao vai trò trách nhiệm” trong giải quyết các sự vụ mang tính khu vực, trong bối cảnh Mỹ đang phải căng mình ra đối phó với hàng loạt những điểm nóng trên thế giới.
Sử dụng kinh tế để lập khối đồng minh và gia tăng ảnh hưởng
Trong khuôn khổ chiến lược “Tái xoay trục về châu Á”, Washington đang đẩy mạnh tốc độ hội nhập với các đồng minh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, lấy Nhật Bản và Australia làm trụ cột chính để tạo ra một kết cấu khu vực rộng lớn, mục tiêu nhắm thẳng vào Trung Quốc.
Mặc dù trong những tài liệu chính thức, Mỹ - Nhật không đề cập đến vấn đề này nhưng ý đồ thực sự thì không có gì phải hoài nghi.
Washington và Tokyo tăng cường quan hệ quân sự trong bối cảnh hội nhập kinh tế, các quan hệ kinh tế đan xan với các quan hệ về chính trị. Một trong những “cây gậy về kinh tế” mới mà Mỹ đang triển khai là Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Strategic Economic Partnership Agreement-TPP).
Tổng thống Obama hiện đang cố gắng giành được sự ủng hộ của Quốc hội, để nhanh chóng cùng với Nhật Bản và mười quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương khác kí kết thỏa thuận quan trọng này.
Các nước thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương chiếm đến 40% GDP của thế giới. Trong 30 năm trở lại đây, cùng với sự nổi lên của hàng loạt cường quốc mới nổi, kinh tế thế giới càng ngày càng độc lập với Washington.
Bởi vậy, việc đạt thành Hiệp định này có thể giúp cho Mỹ nắm được một công cụ mới ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, từ đó gia tăng sự ảnh hưởng và khả năng chi phối địa-chính trị nhằm làm giảm sự ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới đang ngày càng “đậm đặc”.
Gần đây, các đối thủ chính của Mỹ là Nga và Trung Quốc đã lập ra hàng loạt các cơ cấu kinh tế, tài chính mới như Khối BRICS, Ngân hàng BRICS, Ngân hàng đầu tư và phát triển hạ tầng châu Á AIIB…, đối đầu với những cơ cấu cũ do Mỹ chi phối như Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, Ngân hàng Thế giới WB…
Sự ảnh hưởng của các cơ cấu mới lên cơ cấu kinh tế toàn cầu trong thời gian qua là rất rõ nét. Việc Nga lãnh đạo ngân hàng BRICS và Quỹ đầu tư BRICS với số vốn ban đầu hàng trăm tỷ USD, việc các nước đồng minh của Mỹ nô nức gia nhập AIIB đang khiến Mỹ rất đau đầu.
Đặc biệt là sự chi phối của Trung Quốc đến nền kinh tế thế giới đang ngày càng gia tăng. Với túi tiền không đáy, “vòi bạc tuộc” của Bắc Kinh đã vươn ra khắp thế giới với các khoản đầu tư, cho vay khổng lồ giúp nước này chi phối nền kinh tế nhiều nước và gia tăng ảnh hưởng địa chính trị trên khắp các châu lục.
Đặc biệt là dự án “Con đường tơ lụa” xuyên qua Á-Âu, xuyên qua 7 nước, kết nối các trọng điểm kinh tế châu Á với châu Âu của Trung Quốc đã làm gia tăng ảnh hưởng của nước này đối với hàng loạt nền kinh tế châu Âu, trong đó có không ít đồng minh của Mỹ.
Thực trạng này đòi hỏi Mỹ cần nhanh chóng xây dựng một khối kinh tế mới xuyên châu lục, chặt chẽ về tổ chức, mạnh về kinh tế để làm đối trọng với những cơ cấu kinh tế, tài chính hấp dẫn mà Nga và Trung Quốc đã tạo ra, đồng thời sử dụng chúng để xây dựng các khối đồng minh chính trị hoặc gia tăng ảnh hưởng đối với các nước khác.
Theo Bảo Chi/Đất Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét