Công bố video quay cảnh Trung Quốc cải tạo đảo, Mỹ đang phát tín hiệu sẽ có lập trường cứng rắn hơn về Biển Đông và tìm cách khuyến khích những đối tác ở châu Á hành động nhiều hơn.
Các tàu hút bùn của Trung Quốc hoạt động quanh đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh do Hải quân Mỹ chụp hôm 21/5. Ảnh:Reuters.
|
Quân đội Mỹ tuần trước công bố video quay từ một phi cơ giám sát, cho thấy các tàu hút bùn cùng nhiều tàu khác của Trung Quốc đang bận rộn với công việc biến các bãi đá thành đảo nhân tạo, xây đường băng và cầu cảng tại đó. Động thái này giúp đảm bảo vấn đề trên sẽ thống trị trong Đối thoại Shangri-La, theo Reuters.
Đối thoại Shangri-La là hội nghị an ninh thường niên quan trọng bậc nhất châu Á, quy tụ các quan chức cấp cao nhất về an ninh của 28 quốc gia. Đối thoại năm nay bắt đầu từ ngày mai tại Singapore, có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và hàng trăm quan chức, chuyên gia quân sự đến từ khắp các nước.
Washington đang tiếp tục xoay trục quân sự sang châu Á, một phần là để đối phó với Bắc Kinh. Mỹ muốn các quốc gia Đông Nam Á có lập trường thống nhất hơn về việc Trung Quốc tăng tốc xây dựng trên một số bãi đá ở Biển Đông trong năm nay.
Đối thoại Shangri-La lần này chắc chắn sẽ tập trung bàn về căng thẳng trên Biển Đông. Trung Quốc kể từ đầu năm đã mở rộng thêm 6 km2 tại 5 tiền đồn trên các bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà nước này đang kiểm soát.
"Những quốc gia này cần hiểu rõ (vấn đề)", một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên nói, đồng thời cho biết sẽ phản tác dụng nếu Mỹ đi đầu trong việc thách thức Trung Quốc. Các đối tác, bao gồm 10 thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cần sớm có thêm hành động hợp nhất bởi "mọi việc đã xong xuôi nếu các bạn đợi thêm 4 năm nữa".
Philippines, quốc gia đồng minh của Mỹ, và Việt Nam đã lên tiếng phản đối những hành động của Trung Quốc nhưng ASEAN về tổng thể vẫn còn chia rẽ về vấn đề này. Tuy nhiên, do lo ngại gia tăng, các lãnh đạo trong ASEAN tháng trước đã ra tuyên bố chung, cho rằng hoạt động cải tạo đất làm xói mòn lòng tin và có thể gây hại đến hòa bình khu vực.
Giới chuyên gia bác bỏ ý tưởng sẽ sớm có một hành động chung về Biển Đông ở cấp độ ASEAN nhưng việc tăng cường hợp tác giữa một số quốc gia là hoàn toàn có thể. Nhật Bản đang xem xét tham gia cùng Mỹ tuần tra trên không ở vùng biển này.
Tokyo và Manila dự kiến bắt đầu đối thoại về khuôn khổ pháp lý cho việc chuyển giao trang bị và công nghệ phòng thủ cùng hiệp ước cho phép binh sĩ Nhật Bản thăm Philippines trong tuần tới.
Phát biểu tại Honolulu trước khi tới Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter nhắc lại Washington yêu cầu chấm dứt hoạt động xây đảo, đồng thời nói Trung Quốc đang vi phạm những nguyên tắc "kiến trúc an ninh" và sự đồng thuận "tiếp cận phi cưỡng chế" của khu vực.
Trung Quốc ngang nhiên đòi chủ quyền với 90% diện tích Biển Đông, nơi được cho là giàu dầu mỏ và khí đốt, chồng lấn lên vùng biển của nhiều quốc gia khác như Việt Nam, Philippines.
Cho Trung Quốc một vài "giải pháp"
Nhằm tiếp thêm nghị lực cho các đồng minh, một phi cơ giám sát P-8 của Hải quân Mỹ đã cho phép phóng viên hãng tin CNN và tổ quay phim hải quân ghi lại hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa rồi công bố.
"Không ai muốn thức dậy vào một buổi sáng nào đó rồi phát hiện Trung Quốc đã xây vô số tiền đồn, tệ hơn nữa là trang bị chúng với các hệ thống quân sự", Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel nói.
Ernest Bower, chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nhận định mục tiêu của Mỹ là thuyết phục Trung Quốc hướng đến giải quyết tranh chấp theo hệ thống quốc tế thay vì áp đặt yêu sách lãnh thổ trải khắp khu vực.
Trong tương lai gần, "tôi nghĩ người Mỹ sẽ cho Trung Quốc một vài giải pháp", ông Bower nói.
Giới chức Mỹ trước đó cho biết tàu hải quân có thể được điều động trong phạm vi 12 hải lý tính từ các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng để chứng tỏ Washington không công nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại đây.
Washington còn tiếp tục thúc đẩy chiến lược tái cân bằng sang châu Á, 4 năm kể từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sự thay đổi chiến lược này, dù một số quốc gia thấy nó định hình quá chậm.
Mỹ cũng sửa lại các thỏa thuận an ninh với đồng minh Nhật Bản và Philippines, đồng thời tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa tại Nhật Bản nhằm để mắt đến Triều Tiên.
Thủy quân lục chiến Mỹ đang tham gia huấn luyện luân phiên ở Australia, các tàu chiến đấu ven biển hoạt động ngoài khơi Singapore và phi cơ giám sát P-8 đóng tại Nhật Bản đã thực hiện nhiều nhiệm vụ trong khu vực.
Về tổng thể, giới chức quốc phòng Mỹ thông báo hải quân nước này sẽ tăng cường hiện diện thêm 18% trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2020. Washington hướng đến mục tiêu chuyển 60% tàu hải quân sang Thái Bình Dương vào năm 2020, tăng thêm 3% so với hiện nay.
Các quan chức quân sự Philippines nói có thể thấy rõ thay đổi của Mỹ thể hiện ở hoạt động tập trận, huấn luyện cùng các chuyến thăm của tàu, máy bay. Vấn đề trọng tâm đã chuyển từ chống chủ nghĩa khủng bố sang an ninh hàng hải, một quan chức nói.
Tuy nhiên, Trung Quốc dường như vẫn chưa có dấu hiệu bị ngăn cản. Bắc Kinh hôm 26/5 tổ chức lễ khởi công xây dựng hai hải đăng trên Biển Đông, đồng thời tuyên bố sẽ gia tăng "bảo vệ ở các đại dương" và chỉ trích các nước láng giềng có "hành động khiêu khích" trên những bãi ngầm, đá mà Trung Quốc tự nhận là của mình.
Theo Như Tâm - VnExpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét