Với hàng loạt chính sách nhằm tăng ảnh hưởng của NDT trên thế giới của Trung Quốc, nhiều người tin rằng, đồng NDT sẽ cùng với USD, EUR đóng vai trò nòng cốt của thị trường tiền tệ thế giới. Thậm chí, đồng NDT hoàn toàn có khả năng “qua mặt” đồng USD để trở thành đồng tiền dự trữ hàng đầu.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Gia tăng ảnh hưởng trên mọi bình diện
Trung Quốc bắt đầu xích lại gần Nga trong bối cảnh quan hệ giữa Moscow và Phương Tây đang căng thẳng do cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Điều này sẽ trở thành một đối trọng với Mỹ và Phương Tây trên bình diện chính trị.
Còn trên bình diện kinh tế, Trung Quốc đã hoàn tất quá trình kêu gọi 50 quốc gia tham gia góp vốn vào Ngân hàng đầu tư hạ tầng Châu Á (AIIB) mà nước này khởi xướng. Đồng thời với đó là ký thỏa thuận với Nga về Quỹ Con đường Tơ lụa. Trước đó, nhóm BRICS tập hợp các nền kinh tế mới nổi (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) thông báo thành lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB) với số vốn dự kiến 100 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc đã thể hiện sự vượt trội khi chiếm 50% số vốn đóng góp. Giới phân tích cho rằng, các động thái trên không thể có mục đích gì khác sâu xa hơn là nâng sự ảnh hưởng cũng như nuôi tham vọng quốc tế hóa đồng NDT với các hoạt động kinh tế, thương mại của thể giới.
Không chỉ có vậy, gần đây trong nỗ lực quốc tế hóa đồng NDT, Trung Quốc đã ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với ngân hàng các nước, đồng thời vận động thành lập các trung tâm thanh toán bù trừ bằng NDT trên khắp thế giới. Hiện tại, toàn thế giới có 5 trung tâm tài chính quốc tế có các ngân hàng thanh toán bù trừ thực hiện các giao dịch bằng đồng NDT, gồm Hong Kong, Macau, vùng lãnh thổ Đài Loan, Singapore và London.
Giới phân tích nhận định, AIIB trong tương lai sẽ là một đối thủ lớn của WB và ADB, hai định chế tài chính đang được Mỹ và Phương Tây chi phối. Rõ ràng, việc thành lập AIIB cho thấy Trung Quốc đang nuôi tham vọng quốc tế hóa NDT và thay đổi trật tự tài chính toàn cầu bấy lâu nay do Mỹ và Phương Tây thiết lập.
Trong khi đó, xét ở góc độ kinh tế, thương mại, từ năm 2012 Trung Quốc đã trở thành cường quốc thương mại lớn nhất thế giới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 3,87 nghìn tỷ USD so với 3,82 nghìn tỷ USD của Mỹ. Xét từ góc độ kinh tế - thương mại thuần túy, đã có sự “đổi ngôi” hoàn toàn giữa Trung Quốc và Mỹ. Đến cuối năm 2014, kinh tế Trung Quốc chiếm 16,48% GDP toàn cầu tính theo ngang giá sức mua (PPP) với quy mô 17.632 tỷ USD, còn Mỹ chỉ chiếm 16,28% GDP toàn cầu với quy mô 17.416 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên sau 140 năm, Mỹ bị qua mặt về sức mạnh kinh tế.
Cửa nào cho NDT ?
Người ta tin rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ làm tăng nhu cầu đối với đồng NDT trên toàn thế giới. Tới một thời điểm nào đó, Trung Quốc sẽ để đồng NDT tự do giao dịch trên các thị trường ngoại tệ, đồng thời phá bỏ cơ chế hiện nay tức là chính phủ kiểm soát giá trị đồng tiền.
Một nghiên cứu của Viện tài chính quốc tế (IIF) gần đây cho thấy, tuy lượng sử dụng thanh toán trong các giao dịch quốc tế bằng đồng NDT đang tăng trưởng, nhưng nó vẫn thấp hơn nhiều so với đồng USD và EUR. Cụ thể, tỷ trọng sử dụng đồng tiền này trong hệ thống thanh toán quốc tế hiện nay ở mức 1,4%, thấp hơn nhiều so với mức 42,5% của đồng EUR và 31% của đồng USD.
Mặc dù ở thời điểm hiện tại, đồng NDT vẫn chưa có “cửa” để so sánh với USD hay EUR, nhưng với tình hình kinh tế, thương mại thế giới hiện nay, rõ ràng đồng NDT đang tiến những bước rất chắc chắn ra ”vũ đài” tài chính thế giới. Nhiều người tin rằng đồng NDT sẽ sánh ngang với đồng USD và EUR. Thậm chí có giả thiết NDT sẽ “truất ngôi” hai đồng tiền này để trở thành đồng tiền thống trị, chi phối các hoạt động kinh tế, thương mại trên phạm vi toàn cầu. Thế nhưng, những diễn biến kinh tế, ngoại giao, địa - chính trị luôn khó lường và “sức mạnh” của các đồng tiền thống trị lại phụ thuộc không nhỏ vào những diễn biến này.
Theo Quốc Anh
Diễn đàn Doanh nghiệp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét