Thứ Năm, 7 tháng 5, 2015
Trung Quốc và Ấn Độ cạnh tranh cứu hộ Nepal
Thứ Năm, tháng 5 07, 2015
doanh nhan
No comments
Cuộc tranh giành tầm ảnh hưởng của Trung Quốc và Ấn Độ vươn sang cả nỗ lực cứu hộ ở Nepal, quốc gia vừa rung chuyển vì động đất hôm 25/4.
Các nhân viên cứu hộ quốc tế có mặt tại hiện trường đổ nát sau động đất ở Nepal. Ảnh minh họa: Independent.
Không lâu sau khi thảm họa khiến Nepal rung chuyển, nhân viên cứu hộ của các nước Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Thái Lan đã có mặt tại Nepal. Các đội đến cách nhau một ngày. Trong số tình nguyện viên nước ngoài tới Nepal có các thầy tu Tây Tạng và một nhóm nhân viên xã hội theo đạo Sikh.
Trận động đất kinh hoàng xảy ra tại Nepal cướp đi sinh mạng của hơn 100 người ở Sankhu, ngoại ô Kathmandu, và phá hủy hoặc làm hư hại 90 % các ngôi nhà trong thị trấn. Những con đường vỡ nát của Sankhu cũng đón tiếp các nhóm nhân đạo đến từ nhiều quốc gia.
Việc Nepal cần sự giúp đỡ là một thực tế. Những tòa nhà đổ nát nằm dọc trên các con đường trong thị trấn cách thành phố Kathmandu hơn 32 km. Giới chức xác nhận rằng tất cả người chết đều đã được đưa lên từ dưới các tòa nhà đổ sập nhưng người dân lại phủ nhận điều này.
Người dân bản địa thấy nhân viên cứu hộ Trung Quốc mặc đồng phục màu đỏ, người Thổ Nhĩ Kỳ khoác áo màu đen, người Thái chọn màu xanh hoàng gia, còn người Ấn là trang phục màu ôliu, đến rồi đi. Các thầy tu mặc áo choàng màu nâu và nhóm theo đạo Sikhs để râu đến từ Delhi ở lại lâu hơn. Họ dựng căn bếp dã chiến và phân phát các bữa ăn hàng ngày cho người dân.
"Chúng tôi không nghĩ sẽ thấy bất cứ người nào ở lại đây lâu nhưng chúng tôi biết ơn họ vì đã tới đây giúp đỡ. Mối quan tâm của chúng tôi lúc này là chính phủ", một người dân có tên Harishar Shestra chia sẻ.
Đội cứu hộ Trung Quốc mặc quần áo đỏ dắt theo chó nghiệp vụ đứng đợi tại một tòa nhà bị hủy hoại sau động đất ở thành phố Kathmandu, Nepal. Ảnh: AP.
Theo Harishar, tất cả sự trợ giúp đang đến từ nước ngoài và các tổ chức cứu trợ. "Giới chức của chúng tôi chỉ việc phân phát nhưng cũng không làm tốt nhiệm vụ. Một gia đình nhận được nhiều thứ, trong khi nhiều nhà khác cạnh đấy chẳng có gì. Việc phân phát không có tổ chức gì cả. Chúng tôi muốn người nước ngoài làm việc này bởi họ sẽ làm tốt và hiệu quả hơn", Harishar nói.
Manoj Kartick, hàng xóm của Harishar, tỏ ra nghi ngờ động cơ của người nước ngoài. "Người Trung Quốc và Ấn Độ là những đối thủ lớn của nhau. Họ đang sử dụng việc trợ giúp này trong cuộc cạnh tranh nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của mình. Tất nhiên, việc đó có lợi cho chúng tôi", Manoj nói.
Chính phủ Ấn Độ từng có cuộc chiến đẫm máu với những người theo đạo Sikh ly khai. Tuy nhiên, tại khu bếp dã chiến do nhóm nhân viên xã hội Sikh dựng lên, người dân bản địa đứng xếp hàng để nhận đồ ăn trưa và tối. Kuldip Singh, một trong các tình nguyện viên đến từ Delhi, Ấn Độ, cho biết: "Vâng, bạo lực đã xảy ra nhưng tất cả đều trong quá khứ. Chúng tôi thay mặt người Ấn Độ ở đây để giúp người dân Nepal".
Một nhân viên cứu hộ đến từ đội Trung Quốc cho hay: "Chúng tôi được yêu cầu tới để giúp người Nepal và đó là những gì chúng tôi đang làm. Đây không phải vì mục đích chính trị".
Nhân viên cứu hộ thuộc lực lượng không quân của Ấn Độ giải cứu người dân Nepal bị thương trong thảm họa động đất. Ảnh: AP.
Theo Independent, sự tranh giành ảnh hưởng giữa hai quốc gia hùng mạnh ở châu Á trong trận động đất tại Nepal hiện diện rõ nét. Nhiều nhà báo Trung Quốc thắc mắc tại sao chính phủ nước này không triển trai lực lượng không quân để sơ tán 8.000 người Trung Quốc bị mắc kẹt ở Nepal suốt nhiều ngày, trong khi Ấn Độ không chỉ giải thoát cho công dân của mình mà còn người dân của 15 quốc gia khác. Quyết định dùng máy bay dân sự của Bắc Kinh cũng vấp phải chỉ trích trong bối cảnh có nhiều báo cáo cho rằng các hãng hàng không đòi mức giá quá đắt.
Ông Hồng Lỗi người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho biết: "Trung Quốc và Ấn Độ là hàng xóm với Nepal. Chúng tôi muốn làm việc cùng nhau và phối hợp một cách tích cực cùng Ấn Độ để giúp Nepal tái thiết đất nước".
Trong khi đó, truyền thông Ấn Độ đưa tin Trung Quốc gửi cảnh sát có vũ trang tới Nepal triển khai công tác cứu hộ, đồng thời chỉ ra rằng đây là lần đầu tiên lực lượng này mạo hiểm ở bên kia biên giới của mình. Hành động được miêu tả như một "động cơ đáng chú ý" cho thấy Trung Quốc đã chiếm ưu thế trong cuộc chiến giành tầm ảnh hưởng.
Bắc Kinh đã gửi khoảng 200 quân nhân tới Nepal. Mỹ cũng sẽ cử gấp đôi số này đến đây vào nhiều tuần tới và phủ nhận họ có mặt muộn ở Nepal. Chuẩn tướng Paul Kennedy, chỉ huy Thủy quân lục chiến Mỹ, cho biết các lực lượng của nước này sẽ ở Nepal "khi họ yêu cầu chúng tôi đến và họ sẵn sàng tiếp nhận chúng tôi".
Bình Minh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét