Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-31A trong cuộc duyệt binh năm 2009, kỷ niệm 60 năm quốc khánh Trung Quốc. Ảnh: Asahi Shimbun
|
Theo Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS), Trung Quốc đã duy trì kho vũ khí gồm "vài trăm đầu đạn" trong ba thập kỷ qua mà không cảm thấy cần thiết phải sử dụng chúng hay tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang đắt đỏ với Mỹ và Nga.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo tình hình đang dần thay đổi, khi mâu thuẫn leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ liên quan đến những cuộc tranh chấp hàng hải.
Theo New York Times, Bắc Kinh dường như đang nâng cấp tới một nửa trong số 20 tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-5, để các tên lửa có thể mang ba đầu đạn thay vì một đầu đạn như trước đây. Quá trình nâng cấp kho tên lửa tầm xa có thể khiến số lượng đầu đạn của Trung Quốc cao gấp đôi của Mỹ.
Tờ báo cũng dẫn một báo cáo của Lầu Năm Góc hôm 8/5 cho hay hầu hết những vũ khí mạnh nhất của Trung Quốc hiện nay đều đã mang được nhiều đầu đạn hạt nhân.
Các chuyên gia nhận định rằng Trung Quốc quyết định áp dụng công nghệ này một phần là do những tiến bộ trong hệ thống chống tên lửa của Mỹ. "Họ đang áp dụng nó để đảm bảo rằng có thể vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (của Mỹ)", Hans M Kristensen, giám đốc của FAS, nói.
Ngoại trưởng John Kerry cuối tuần qua đến Bắc Kinh để thảo luận nhiều vấn đề về an ninh và kinh tế nhưng không rõ có đề cập đến việc Trung Quốc phát triển tên lửa hay không. Giới chức Mỹ cho hay Trung Quốc từ chối tham gia vào các cuộc hội đàm về việc trang bị đa đầu đạn hạt nhân cho tên lửa đạn đạo.
"Mỹ muốn có một cuộc thảo luận về vấn đề hiện đại hóa hạt nhân và phòng thủ tên lửa đạn đạo với Trung Quốc", Phillip C. Saunders, giám đốc Trung tâm Nghiên Các vấn đề Quân sự Trung Quốc, thuộc đại học Quốc phòng Mỹ, cho biết. "Trung Quốc lưỡng lự thảo luận ở các kênh chính thức".
Ông Saunders và các chuyên gia khác từng tham gia vào những cuộc hội đàm không chính thức với những người đồng cấp Trung Quốc về vấn đề đầu đạn hạt nhân.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét