Sáng ngày 30/4, Trung Quốc đã điều 3 tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển đi vào vùng biển tranh chấp với Nhật Bản trên biển Hoa Đông, động thái dường như nhằm trả đũa việc Mỹ và Nhật Bản thắt chặt hơn quan hệ hợp tác quốc phòng.
Trung Quốc thường xuyên cử tàu đến các vùng biển tranh chấp với Nhật Bản (Ảnh: PressTV )
Trong thông báo đưa ra trưa ngày 30/4, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết 3 tàu Trung Quốc đã tiến vào vùng biển quanh quần đảo Senkaku (Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là đảo Điếu Ngư).
Ba tàu này được xác định thuộc phiên chế của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc, lần lượt mang số hiệu Hải cảnh 2101, 2102 và 2307.
Thời điểm 3 tàu trên tiến vào vùng lãnh hải Nhật Bản là vào khoảng 10 giờ sáng theo giờ địa phương (12 giờ cùng ngày ở Việt Nam). Các tàu trên đã cố tình đi vào lãnh hải Nhật Bản bất chấp cảnh báo của tàu tuần tra JCG, yêu cầu họ không được tiếp cận vùng biển này.
Đây là lần đầu tiên các tàu Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Nhật Bản kể từ ngày 17/4 và là lần thứ 12 trong năm nay.
Đặc biệt, động thái này diễn ra ngay sau khi Mỹ và Nhật Bản công bố định hướng hợp tác quốc phòng mới hôm 28/4, theo đó sẽ trao quyền chủ động lớn hơn cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) trong việc phối hợp với lực lượng Mỹ ở nước ngoài để ứng phó tốt hơn với các thách thức đang nổi lên trong khu vực.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng sẽ có quyền tham gia vào các hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo, chống chiến tranh mạng, chiến tranh vũ trụ, bảo đảm an ninh hàng hải và thực thi “quyền phòng vệ tập thể”.
Trong bài phát biểu lịch sử tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ về định hướng hợp tác quốc phòng mới, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định liên minh an ninh mới với Mỹ không chỉ bao trùm khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà còn cả khu vực Ấn Độ Dương.
"Thông qua việc Nhật Bản và Mỹ hợp tác với nhau, chúng tôi muốn đảm bảo hòa bình và ổn định trong một khu vực trải dài từ châu Á - Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương", nhà lãnh đạo Nhật Bản nhấn mạnh.
Cũng theo ông, sự thay đổi định hướng hợp tác quốc phòng là rất cần thiết vì môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản ngày càng khắc nghiệt, ám chỉ đến sự hiện diện ngày càng tăng của các lực lượng quân sự Trung Quốc tại hai vùng biển Hoa Đông và Biển Đông.
Các chuyên gia cho rằng, với định hướng hợp tác quốc phòng mới, nhiều khả năng Mỹ và Nhật Bản sẽ tăng cường phối hợp bảo đảm an ninh ở Biển Đông, trong đó có việc cùng tiến hành tuần tra chung.
Vũ Anh
Tổng hợp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét