Lợi ích quốc gia có thể khiến các giải pháp tình thế có nguy cơ phá vỡ quan hệ đã thiết lập. Sự đảm bảo tương lai gần cho Nhật chưa thể là vòng kim cô hoàn hảo để kiềm chế TQ.
Vào những ngày cuối tháng 4/2015, Hướng dẫn mới về hợp tác quốc phòng Mỹ - Nhật đã trở thành tâm điểm chú ý tại Đông Á. Tài liệu dài 24 trang này chủ yếu tập trung vào việc hai nước sẽ phản ứng thế nào với các quan ngại ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của Nhật.
Các hướng dẫn cũng cho phép hợp tác toàn cầu về quân sự, từ chống tên lửa đạn đạo, không gian mạng cũng như an ninh hàng hải...
Ai được – ai mất?
Lợi ích đầu tiên mà Washington thu hoạch được chính là một liên minh mạnh mẽ hơn. Cụ thể, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) sẽ được trao quyền để bảo vệ nước Mỹ và phối hợp chặt chẽ hơn với các đồng minh khác của Mỹ. Hướng dẫn lần này cũng cho thấy liên minh Mỹ - Nhật đã trở nên “mở” hơn bao giờ hết: từ tính chất “khu vực” vươn ra “toàn cầu”.
Thu hoạch quan trọng mà Mỹ đạt được là Đông Bắc Á đang trở thành sân sau vững chắc. Xa hơn, cập nhật các hướng dẫn hợp tác quốc phòng với Nhật Bản là một bước tiến quan trọng trong chính sách tái cân bằng (rebalancing) của Mỹ đối với châu Á. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter khẳng định, các hướng dẫn sửa đổi "cho phép chúng ta mở ra nhiều cơ hội mới để tăng cường các liên minh trong khu vực (…) bởi vì tình hình an ninh đã thay đổi".
Bước đi chiến lược này cho thấy Mỹ đã tiếp cận an ninh khu vực thông qua các liên minh hơn là hiện diện trực tiếp. Nếu trước đây người Mỹ dùng “chiến tranh uỷ nhiệm” (proxy war) thì giờ đây cách tiếp cận hoà bình và khôn ngoan vẫn là dựa vào các đồng minh truyền thống.
Về phía Nhật, thỏa thuận này sẽ giúp Tokyo thoát ra khỏi những hạn chế từ SDF và việc sử dụng vũ lực. Hướng dẫn hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn của Thủ tướng Shinzo Abe về việc “bình thường hóa” khả năng đảm bảo an ninh của Nhật.
Trong bối cảnh Trung Quốc “hăm he” Nhật Bản về tranh chấp Senkaku/ Điếu Ngư và ảnh hưởng gia tăng của Nhật tại Biển Đông, động thái của “cặp bài trùng” Obama – Abe được đánh giá là “đòn phủ đầu” đầy tinh tế của liên minh Âu – Á. Trước việc Bắc Kinh tích cực hiện đại hoá quân sự, hướng dẫn này đã trang bị cho Nhật khả năng mạnh mẽ hơn để đối trọng lại với Trung Quốc. Thông điệp mà chính quyền Obama phát đi chính là Mỹ duy trì sự hiện diện thông qua “vệ tinh khu vực” là Nhật, thay vì một Bắc Kinh hoàn toàn đơn độc.
Trong một thông điệp hướng về Bắc Kinh, Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh, Hoa Kỳ phản đối ý tưởng rằng tự do hàng hải là "đặc quyền được các nước lớn ban cho các quốc gia nhỏ hơn phụ thuộc vào ý muốn và sự ưa thích".
Quan chức cấp cao phụ trách các vấn đề châu Á Evan Medeiros cũng nhấn mạnh, nhu cầu tự do hàng hải và xem các hoạt động cải tạo và các công trình trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông là “những mối đe doạ thật sự”. Washington cũng quan ngại về các ý đồ chiến lược lâu dài của Trung Quốc. Các cam kết quốc tế của Mỹ đối với Nhật cho thấy Nhật vẫn có thể đóng vai trò lớn hơn tại Biển Đông.
Hai nguyên thủ bắt tay trong chuyến thăm lịch sử của ông Abe đến Mỹ. (Ảnh:AP)
Con đường dài….
Nếu so về tương quan lợi ích, Nhà trắng là nhân tố cầm trịch rõ rệt. Mặc dù hợp tác song phương được mô tả rất chi tiết, hướng dẫn mới nói rất ít về cách thức hai nước sẽ hợp tác trong các hoạt động khu vực và toàn cầu. Điều này phản ánh thực tế rằng, trong khi chính phủ Nhật đã sửa đổi việc giải thích Điều 9 của Hiến pháp về quyền tự vệ tập thể, nhưng thực hiện quyền này chỉ được cho phép ở mức độ hạn chế.
Ngoài ra, hướng dẫn mới đã chỉ ra hai lĩnh vực tiềm năng nhất cho mở rộng hợp tác song phương là không gian (space) và không gian mạng (cyber). Tuy nhiên, giữa nói và làm vẫn còn khá xa. Chi tiết về việc hướng dẫn mới sẽ được triển khai như thế nào vẫn phụ thuộc một phần vào những thay đổi pháp lý đang được xem xét bởi các nhà lập pháp Nhật Bản. Các khoản đầu tư thích hợp để có thể “sánh vai” với Mỹ trong hai lĩnh vực này là thách thức đáng kể cho Nhật.
Cũng cần chú ý rằng, đây là lần đầu tiên hợp tác về trang thiết bị quốc phòng được đề cập trong hướng dẫn mới. Với việc nới rộng chính sách xuất khẩu vũ khí, hợp tác công nghiệp quốc phòng Mỹ - Nhật có rất nhiều triển vọng. Tuy nhiên, để tối ưu hóa tiềm năng này đòi hỏi Tokyo phải đưa ra một chính sách chặt chẽ để phát triển các cơ sở công nghiệp quốc phòng, mà vẫn đảm bảo cạnh tranh công bằng cho thị trường quốc phòng riêng của mình.
Mặc dù được Mỹ cam kết bảo vệ, nhưng Tokyo vẫn lo lắng sự bảo đảm này sẽ không “xuôi chèo mát mái” như Mỹ đã nhấn mạnh. Khi mà Washington đang hạn chế chi tiêu quốc phòng và gắn bó sâu sắc về kinh tế với Trung Quốc, sự lo lắng của Nhật là hoàn toàn dễ hiểu. Tổng thống Obama cũng tuyên bố rằng Nhà trắng không muốn bị lôi kéo vào một cuộc xung đột Trung – Nhật.
Thực tế, đòn “rung cây nhát khỉ” này của Mỹ vẫn mang tính đánh động. Lịch sử đã chứng minh sự thoả thuận và phân chia ảnh hưởng của các nước lớn vẫn thường xuyên. Lợi ích quốc gia có thể khiến các giải pháp tình thế có nguy cơ phá vỡ quan hệ đã thiết lập. Sự đảm bảo tương lai gần cho Nhật chưa thể là vòng kim cô hoàn hảo để kiềm chế Trung Quốc.
Bên cạnh đó, hướng dẫn không phải là "quy tắc quốc phòng song phương" (bilateral defense rules) và hoàn toàn không mang tính bắt buộc. Đây chỉ là một phác thảo về trách nhiệm và các thủ tục của các đồng minh cùng phối hợp hoạt động nhằm đạt được các mục tiêu an ninh chung. Các quy tắc pháp lý và cách thức thực hiện về quy hoạch, đào tạo, và các hoạt động sẽ xác định tính chất và mức độ hợp tác thực tế.
Trong tương lai, tính minh bạch và cam kết ngoại giao chủ động là rất cần thiết. Nhật Bản cũng cần đáp ứng các kỳ vọng của Mỹ để đảm bảo Mỹ sẽ giúp đỡ Nhật Bản thật tích cực và chủ động. Thái độ của Nhật đối với “bạn và thù” ở châu Á – Thái Bình Dương và tình hình ổn định trong nước của Nhật sẽ góp phần quyết định tính thực chất từ các cam kết của Mỹ đối với Nhật.
Theo Huỳnh Tâm Sáng
Vietnamnet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét