Những chiến hạm hay chiến đấu cơ của Mỹ tại biển Đông không phải là mối lo ngại thực sự trong quan hệ Trung - Mỹ, chính làn sóng chống Trung Quốc đang nổi lên mạnh mẽ trong lòng nước Mỹ mới là yếu tố khiến Bắc Kinh phải “đau đầu”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: Flickr/ White House)
Quan hệ Mỹ -Trung hiện đang bước vào giai đoạn căng thẳng, nhất là sau khi Lầu Năm Góc thông báo sẽ cân nhắc khả năng đưa các hạm đội tàu và máy bay chiến đấu đến Biển Đông với mục đích thách thức những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực. Nếu kế hoạch này trở thành hiện thực thì chắc chắn sẽ dẫn đến những thách thức và làm tăng khả năng đụng độ quân sự giữa Mỹ với các đội tàu cũng như máy bay chiến đấu của Trung Quốc
Đã có nhiều nhà phân tích tập trung tìm hiểu những động cơ đằng sau động thái này của Mỹ, cùng những hệ quả có thể xảy ra đối với quan hệ song phương Mỹ-Trung và với cả an ninh khu vực Châu Á. Dù vậy, hầu như tất cả các nhà nghiên cứu đều nhất trí rằng, cho dù động thái này là sai hay đúng, thì trên thực tế, nó cũng là một sự mạo hiểm đáng lo ngại.
Để có cái nhìn cụ thể về động thái quân sự này, chúng ta cần phải hiểu rộng hơn về thay đổi gần đây trong mối quan hệ Mỹ-Trung. Một trong những thay đổi đó chính là thái độ chống Trung Quốc đang ngày càng tăng ở Mỹ. Thái độ này hiện diện trong chính phủ, trong giới học thuật, trong hoạch định chính sách và cả trong lĩnh vực quân sự.
Có 3 kiểu thái độ chống Trung Quốc như sau:
Lý thuyết về "sự sụp đổ của Trung Quốc'
Lý thuyết này không phải hoàn toàn mới và đã được biết đến sau khi giáo sư Gordon Chang, một học giả Hoa Kỳ gốc Trung Quốc đề cập đến trong cuốn sách viết năm 2001 của ông. Khái niệm mới về “sự sụp đổ của Trung Quốc” được khởi xướng bởi một chuyên gia về Trung Quốc có tầm ảnh hưởng là David Shambaugh của Đại học George Washington. Trong bài viết đăng trên số tháng 3 tại tờ Nhật báo phố Wall, ông Shambaugh tiên đoán rằng sự kết thúc của Trung Quốc đã bắt đầu.
Điều đáng nói là trong quá khứ ông Shambaugh từng khen ngợi đảng Cộng sản Trung Quốc có sức mạnh bền bỉ. Nhưng sau này, giáo sư Shambaugh nêu rõ rằng ông thất vọng bởi nhiều hành động của đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ông Shambaugh mong đợi một Trung Quốc tự do và dân chủ hơn nhưng rõ ràng là điều này đã không xảy ra. Tất nhiên là còn cả những ý kiến khác trong lý thuyết về “sự sụp đổ của Trung Quốc” tập trung vào các vấn đề cấp bách của Trung Quốc như sự bất bình trong xã hội, ô nhiễm môi trường, sự không công bằng, tham nhũng và nhiều vấn đề khác nữa.
Trung Quốc bắt nạt các nước nhỏ, đẩy Mỹ ra khỏi Đông Á
Thứ hai là những ý kiến về việc Trung Quốc bắt nạt các nước trong khu vực và đang cố đẩy Mỹ ra khỏi tầm ảnh hưởng ở Đông Á. Những tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với một số nước nhỏ trong khu vực lại càng làm trầm trọng thêm vấn đề, vì vậy, những lo ngại từ phía các nước nhỏ là điều dễ hiểu.
Dù Mỹ luôn nhấn mạnh việc giữ vai trò trung lập trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở khu vực này nhưng Trung Quốc không tin điều đó. Trong khi đó, việc Trung Quốc ra sức cam kết không tìm cách đẩy Mỹ ra khỏi tầm ảnh hưởng ở Châu Á cũng không thuyết phục được Mỹ.
Điều đáng tiếc là sự thiếu tin tưởng đã ngăn cản hai bên có những cái nhìn tích cực về nhau. Theo quan điểm của Mỹ, một Trung Quốc đang trỗi dậy và một thể chế độc đoán không thể là một điều tốt đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ tại Châu Á. Nhiều nhà hoạch định chính sách Mỹ không tin rằng một thể chế độc đoán có thể duy trì được hòa bình, ổn định và rằng một Trung Quốc độc đoán cuối cùng sẽ trở thành một cường quốc bá quyền.
Mỹ cần kiềm chế Trung Quốc
Thứ ba là ý kiến về “trừng phạt Trung Quốc”. Ý kiến này có nhiều dạng mà một trong số đó được Hội đồng quan hệ quốc tế Mỹ đề cập đến gần đây là Trung Quốc cần phải được cân bằng lại. Quan điểm này coi Trung Quốc như là một "Liên Xô khác" và rằng đã đến lúc Mỹ cần đối mặt với thực tế bằng việc làm cho Trung Quốc cân bằng lại, nếu không sẽ có một ngày Trung Quốc chi phối hoàn toàn Châu Á.
Một ý kiến khác từ phía hai học giả có xu hướng nghiêng theo phe cánh tả, kêu gọi một “tiến trình hòa bình” mới đối với Trung Quốc. Hai học giả Dan Blumenthal và Willliam Inboden cho rằng Mỹ nên tích cực tác động vào những người Trung Quốc đang nỗ lực đấu tranh cho tự do dân chủ, từ đó có thể khiến Trung Quốc đem lại hòa bình và ổn định cho khu vực Châu Á.
Khó có thể biết được mức độ ảnh hưởng thuần túy về mặt chính sách lên thái độ của chính phủ Mỹ đối với Trung Quốc. Theo đánh giá của một số quan chức quân đội Mỹ gần đây thì dường như mọi việc không được tốt đẹp lắm. Không ai có thể khẳng định liệu Mỹ có thực hiện chiến lược ngăn chặn đối với Trung Quốc vào thời điểm này hay không, nhưng nếu thái độ chống Trung Quốc tiếp tục tăng thì quan hệ Mỹ-Trung sẽ bước vào “thời kỳ kiềm chế”, như giáo sư quan hệ quốc tế Mearsheimer tại Đại học Chicago, Mỹ gọi là “bi kịch chính trị giữa các cường quốc”.
Uyên Châu
Theo The Diplomat
0 nhận xét:
Đăng nhận xét