Cuộc tập trận dự kiến bắt đầu vào tuần tới, đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc và Nga tiến hành tập trận chung trên biển Địa Trung Hải. Trước đó, hai nước đã từng tổ chức tập trận hải quân ở vùng biển Thái Bình Dương từ năm 2012.
Tàu chiến Nga - Trung tập trận ở Thái Bình Dương tháng 5/2014
Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh nói: "Mục đích của các cuộc tập trận này nhằm củng cố quan hệ hợp tác thân thiện và thiết thực giữa hai nước và nâng cao năng lực của lượng hải quân trong việc đối phó với các mối đe dọa an ninh hàng hải”. Ông cũng nhấn mạnh những cuộc tập trận này không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào và không liên quan đến tình hình an ninh khu vực.
Theo trang mạng Sina Millitary, dù tuyên bố công khai như vậy nhưng chắc chắn những cuộc tập trận quân sự chung cho thấy một tín hiệu nào đó. Chẳng hạn, những cuộc tập trận Mỹ-Nhật Bản ở vùng biển Hoa Đông và những cuộc tập trận của Mỹ-Philippines trên Biển Đông là "chắc chắn nhằm vào Trung Quốc" do những tranh chấp lãnh thổ ở các khu vực này.
Trong trường hợp này, mục tiêu của những cuộc tập trận hàng hải rõ ràng là Mỹ, bởi Trung Quốc cảm thấy Mỹ đã can thiệp vào những hoạt động mở rộng của mình ở biển Hoa Đông và Biển Đông bằng cách tăng cường quan hệ với Nhật Bản và Philippines.
Theo báo cáo, tổng cộng sẽ có 9 tàu của hai nước tham gia các cuộc tập trận tại Địa Trung Hải, bao gồm các tàu Trung Quốc đang tuần tra chống hải tặc tại vùng biển ngoài khơi Somalia. Ông Cảnh chia sẻ rằng cuộc tập trận sẽ tập trung vào an toàn hàng hải, bổ sung hậu cần trên biển, hộ tống tàu và diễn tập bắn đạn thật.
Trang mạng Sina Millitary mới đây đã phân tích 4 nguyên nhân chính khiến Trung Quốc và Nga quyết định tiến hành cuộc diễn tập hải quân chung ở Địa Trung Hải.
Đầu tiên là Nga mong muốn tăng cường hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc.
Nga và Trung Quốc hiện là đối tác chiến lược toàn diện của nhau và đều có lợi ích cũng như mục tiêu khác nhau trong quan hệ liên minh truyền thống. Không giống như liên minh giữa Mỹ và các nước khác, Trung Quốc và Nga coi nhau bình đẳng trong mối quan hệ đối tác này.
Thứ hai, Nga cũng mong muốn tăng cường sự hiện diện ở Địa Trung Hải và thể hiện mối quan hệ đặc biệt với Trung Quốc.
Điện Kremlin cũng muốn mở rộng ảnh hưởng trong khu vực bằng việc thể hiện sự ủng hộ về mặt chiến lược của Trung Quốc trong những vấn đề liên quan đến Trung Đông. Nga muốn truyền đạt tới Liên minh châu Âu và các nước Trung Đông rằng Mátxcơva sẽ không bỏ rơi họ bất chấp các rắc rối từ cuộc khủng hoảng Ukraine.
Thứ ba, Trung Quốc muốn chứng tỏ tầm ảnh hưởng của mình tại Trung Đông và Bắc Phi cũng như khả năng bảo đảm an toàn các tuyến hàng hải.
Bắc Kinh nhập khẩu một lượng lớn dầu mỏ từ Trung Đông và Bắc Phi và đang tăng cường xuất khẩu sang châu Âu. Khu vực Địa Trung Hải lại là cửa ngõ nối liền cả 3 khu vực này, vùng biển này sẽ là cơ hội hoàn hảo đối với Trung Quốc để tăng cường sự hiện ở những vùng trọng điểm.
Trước đó Trung Quốc chưa từng phô trương sức mạnh quân sự ở Địa Trung Hải. Cuộc tập trận này mang lại cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) kinh nghiệm chiến đấu ở những vùng biển quen thuộc, đồng thời cho thấy Trung Quốc có khả năng tạo ra một tuyến đường biển an toàn đến châu Âu.
Cuối cùng, cả Trung Quốc và Nga đều muốn phô diễn sức mạnh quân sự với châu Âu.
Trung Quốc muốn tăng cường hợp tác với châu Âu, trong khi xem ra không quốc gia châu Âu nào muốn trở thành "kẻ thù" của Trung Quốc. Quyết định của Trung Quốc tiến hành tập trận hải quân chung với nước Nga hiện nay (được cho là) đã gửi một thông điệp tới châu Âu, rằng Bắc Kinh đang ủng hộ Mátxcơva.
Thay vì làm mếch lòng họ, Trung Quốc đang cố gắng lôi kéo các nước châu Âu để tham gia sáng kiến đầy tham vọng “Một vành đai, Một con đường" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhằm thành lập một tổ chức phát triển kinh tế đa quốc gia tại lục địa Âu - Á thông qua kế hoạch vành đai kinh tế Con đường tơ lụa trên đất liền và Con đường tơ lụa trên biển.
Nguyễn Hiếu
Theo WantChinaTimes
0 nhận xét:
Đăng nhận xét