Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

Chiến lược hạt nhân Trung Quốc như thế nào?

Sách Trắng 2015 đánh dấu lần đầu tiên Bắc Kinh tìm cách nâng mức cảnh báo chiến lược sớm cho vũ khí hạt nhân. Có khả năng Trung Quốc muốn xây dựng hệ thống cảnh báo tên lửa chiến lược sớm, tương tự hệ thống của Mỹ và Nga.

Trung Quốc khẳng định chỉ dùng vũ khí hạt nhân với 2 mục đích răn đe và trả đũa. (Ảnh:Trung Quốc khẳng định chỉ dùng vũ khí hạt nhân với 2 mục đích răn đe và trả đũa. (Ảnh: BE)
Chuyển hướng chiến lược
Sách trắng quốc phòng 2015 của Trung Quốc khẳng định chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân với 2 mục đích “răn đe chiến lược và trả đũa các cuộc tấn công hạt nhân”. Tuyên bố này loại bỏ nghi vấn Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong kịch bản chiến tranh thông thường và điều này cũng củng cố chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước (NFU) của Trung Quốc.
Tuy nhiên, đây cũng là lần đầu tiên Bắc Kinh tìm cách hợp thức hóa nâng mức cảnh báo chiến lược sớm cho vũ khí hạt nhân của mình. Có khả năng Trung Quốc muốn xây dựng hệ thống cảnh báo tên lửa chiến lược sớm, tương tự hệ thống của Mỹ và Nga.
Cả Mỹ và Nga đều đang duy trì và phát triển mạng lưới radar vệ tinh và radar mặt đất có thể phát hiện tên lửa tầm xa bay hướng về lãnh thổ của mình. Trung Quốc đã lộ ý đồ muốn tiếp bước hai cường quốc hạt nhân là Mỹ và Nga trong hiện đại hóa lực lượng hạt nhân và triển khai công nghệ MIRV (tên lửa mang nhiều đầu đạn nhằm vào nhiều mục tiêu khác nhau) và năng lực đánh chặn hạt nhân đặt trên biển. 
Phản ứng nhanh
Từ năm 2004, Trung Quốc đã đề cập việc cải thiện khả năng phản ứng nhanh hạt nhân. Tại thời điểm này, Trung Quốc được cho là có khả năng phóng tên lửa trả đũa chỉ vài ngày sau khi bị tấn công.
Điều này khác với cách thức trả đũa tức thì của Mỹ và Nga, và như vậy, để đối trọng với 2 cường quốc hạt nhân, Trung Quốc phải thay đổi cách thức của mình nhằm rút ngắn thời gian đáp trả. Hiếu chiến hơn, Trung Quốc muốn xây hệ thống cảnh báo tên lửa chiến lược sớm và tìm cách phóng tên lửa hạt nhân trả đũa ngay lập tức nếu phát hiện kẻ địch tấn công trước.
Liệu Trung Quốc có chuyển sang trạng thái phóng tên lửa khi có cảnh báo hay không? Phóng tên lửa khi có cảnh báo nghĩa là Trung Quốc sẽ tăng khả năng sống sót của mình trước khi bị kẻ định tấn công tiêu diệt và cũng đồng nghĩa phải làm tăng độ tin cậy của hệ thống đánh chặn tên lửa hạt nhân, điều mà Trung Quốc không thể so sánh với Mỹ.
Tuy nhiên, quy trình phóng tên lửa khi có cảnh báo cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao. Nếu hệ thống cảnh báo sớm không đảm bảo 100% bằng chứng chuẩn xác thì chỉ một lần báo động sai cũng có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân không mong muốn.
Ngoài ra, để giành lợi thế với năng lực phóng tên lửa khi có cảnh báo, các lãnh đạo tối cao của đất nước buộc phải quyết định nhanh chóng là có phóng tên lửa hạt nhân hay không. Một quyết định tối quan trọng trong khi sức ép thời gian nặng nề là cực kỳ rủi ro nên không lãnh đạo quốc gia nào muốn đặt mình vào tình huống đó.
Giành thế chủ động
Theo thông tin chính thức, các tên lửa và đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc được cất ở các địa điểm khác nhau. Điều này được nhìn nhận như là sự góp phần giữ gìn ổn định và kiểm soát vũ khí hạt nhân toàn cầu.
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc áp dụng chính sách phóng tên lửa khi có cảnh báo thì sẽ phải giữ đầu đạn hạt nhân và tên lửa gần nhau, đồng thời đẩy mức báo động vũ khí hạt nhân lên cấp độ cao. Điều này có thể làm gia tăng nguy cơ phóng tên lửa do tai nạn hoặc do mất kiểm soát.
Do đó, Trung Quốc cần phải hết sức thận trọng khi triển khai tư thế sẵn sàng phóng tên lửa khi có cảnh báo. Ít nhất Trung Quốc có thể kiềm chế phê chuẩn tư thế sẵn sàng phóng tên lửa khi có cảnh báo vào thời bình và chỉ thông qua quy chế đó khi một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nổ ra.
Ngoài khả năng trên thì cũng có thể lợi ích của Trung Quốc trong xây dựng hệ thống cảnh báo chiến lược sớm là để có được năng lực phòng thủ tên lửa, chứ không phải nhu cầu chuyển sang tình trạng sẵn sàng phóng tên lửa khi có cảnh báo. Trung Quốc có thể đang tìm cách triển khai công nghệ này trong tương lai vì một hệ thống cảnh báo sớm là cần thiết cho sự phát triển và triển khai hệ phòng thủ tên lửa.
Còn một khả năng khác nữa là kế hoạch “cảnh báo chiến lược sớm”của Trung Quốc muốn đề cập đến theo nghĩa chung nhất, tức là cảnh báo chiến lược dựa trên đánh giá về sự huy động quân sự và các hoạt động chuẩn bị chiến tranh của kẻ thù. Nếu đây là điều Trung Quốc muốn đề cập trong Sách Trắng thì có nghĩa Trung Quốc vẫn chưa chính thức bắt đầu xây dựng chương trình cảnh báo sớm trên trái đất và trong không gian.
Phân bố một số cơ sở vũ khí hạt nhân của Trung Quốc (Đồ họa:
Phân bố một số cơ sở vũ khí hạt nhân của Trung Quốc (Đồ họa: Uyên Châu/BE)
Tóm lại, Trung Quốc sẽ đối mặt với câu hỏi là dạng năng lực cảnh báo sớm chiến lược nào mà Bắc Kinh cần cho lực lượng hạt nhân của mình. Nếu Trung Quốc quyết định phát triển một hệ thống cảnh báo sớm chiến lược đầy đủ thì liệu chính sách phóng tên lửa khi có cảnh báo có đem lại lợi ích cho Bắc Kinh không? Trung Quốc sẽ rất cần một kế hoạch chiến lược đúng đắn để có quyết định chuẩn xác về những vấn đề an ninh rất quan trọng này. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons