57 thành viên sáng lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc lãnh đạo sẽ nhóm họp tại Bắc Kinh, Trung Quốc hôm nay 29/6.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) gặp gỡ quan khách các nước trong buổi lễ thành lập AIIB tại Bắc Kinh. (Ảnh: SCMP)
Tại cuộc họp này, các quốc gia thành viên sẽ cùng nhau trao đổi và ký kết các điều khoản hợp tác liên quan tới mức đóng góp của mỗi thành viên và tổng vốn hoạt động ban đầu của ngân hàng.
Tới nay, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Nhật Bản vẫn từ chối gia nhập tổ AIIB. Dù vậy, Bắc Kinh cho biết luôn sẵn sàng “để ngỏ cửa” với hai “ông lớn” này.
Theo báo Wall Street Journal, Chủ tịch đầu tiên của ngân hàng mới, ông Jin Liqun, là một cựu Thứ trưởng tài chính của Trung Quốc.
Các nước châu Á dự kiến sở hữu tới 75% cổ phần tại AIIB, trong khi các nước đến từ châu Âu và các khu vực khác sẽ sở hữu phần còn lại. Bắc Kinh được cho là có quyền phủ quyết đáng kể trong mọi quyết định chính, với hơn 25-30% cổ phần, Ấn Độ đứng thứ hai với 10-15% cổ phần.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc giữ ảnh hưởng quan trọng đối với chính sách chung gần đây đã làm dấy lên nhiều nghi vấn về định hướng của ngân hàng.
Các quốc gia láng giềng của Trung Quốc đang hành động rất cẩn trọng. Philippines dự kiến sẽ tham gia buổi lễ hôm nay, nhưng không có ý định trở thành một thành viên sáng lập.
Báo South China Morning Post (SCMP) cho biết chủ tịch Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu Suma Chakrabarti mong muốn hợp tác với ngân hàng AIIB trong vấn đề đối phó với biến đổi khí hậu và đầu tư cơ sở hạ tầng bền vững.
Việc Trung Quốc cam kết giảm thiểu tình trạng quan liêu, nguyên nhân khiến các dự án chậm tiến độ, đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ châu Âu, châu Úc và châu Á, cũng như góp phần đẩy nhanh tiến trình nhóm họp của AIIB.
Nghi Phương (tổng hợp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét