Các tàu hút đang chuyển cát ở mép phía bắc đá Vành Khăn, một khu vực đang bị Trung Quốc cải tạo trên Biển Đông. Ảnh vệ tinh chụp ngày 1/2. Ảnh: CSIS/AMTI.
|
"Tác động sẽ làm giảm đa dạng sinh học", Phil Star hôm qua dẫn lời ông Angel Alcala, cựu bộ trưởng môi trường Philippines, phát biểu tại Hội thảo dành cho Truyền thông Khu vực do Đại sứ quán Mỹ tổ chức ở Palawan. "Tôi tự hỏi tại sao giới khoa học Trung Quốc lại không chỉ ra điều này?"
Ông Alcala lý giải hoạt động cải tạo đất sẽ phá vỡ quá trình phân bố cá con hoặc trứng cá đã phát triển. Những rạn san hô giữ vai trò rất quan trọng trên Biển Đông bởi giữa chúng là các vũng có cá và cá con. Cá con sau đó theo dòng chảy để tới các nước khác nhau.
"Nếu vũng bị vây quanh hoàn toàn bởi những con đường hoặc sân bay, cá con sẽ giảm khả năng thoát ra ngoài", cựu bộ trưởng này nói. Điều đó dẫn đến giảm nguồn cung cá do cá con không thể phát triển.
Ông lưu ý rằng Philippines và Việt Nam, nằm gần khu vực xây dựng của Trung Quốc trên Biển Đông nhất, sẽ là những quốc gia chịu ảnh hưởng đầu tiên. Hành động của Trung Quốc còn phá hoại đời sống của các cộng đồng ven biển. Ông Alcala kêu gọi thế giới nên "ép" Trung Quốc dừng lại.
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết dự án của Trung Quốc đang "gây ra thiệt hại không thể khắc phục và ngày càng lan rộng đối với đa dạng sinh học cũng như cân bằng sinh thái" ở Biển Đông.
Cộng đồng quốc tế, trong đó có nhóm nước công nghiệp thuộc G7, đã phản đối hoạt động cải tạo đất và yêu cầu duy trì trật tự Biển Đông dựa trên các nguyên tắc, luật pháp. Tuy nhiên, Trung Quốc phớt lờ chỉ trích từ quốc tế, ngang nhiên khẳng định hoạt động trên Biển Đông nằm trong "phạm vi chủ quyền quốc gia".
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam và Philippines. Nhằm củng cố yêu sách trên biển, Trung Quốc thực hiện chương trình cải tạo đất quy mô lớn tại những khu vực nước này chiếm đóng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét