Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

Tại sao vụ thử tên lửa siêu thanh hạt nhân của Trung Quốc gây chú ý?

Trung Quốc tuần trước khẳng định đã thử thành công tên lửa siêu thanh Wu-14 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân lần thứ tư. Loại vũ khí này được cho là có thể vươn tới Mỹ và tránh được hệ thống phòng thủ tên lửa

Tên lửa siêu thanh tối tân Wu-14 của Trung Quốc. (Ảnh: 
Tên lửa siêu thanh tối tân Wu-14 của Trung Quốc. (Ảnh: Washington Times)

Trả lời báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) có trụ sở ở Hồng Kông, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuần trước được cho là khẳng định thông tin của Mỹ cho rằng Bắc Kinh đã thử tên lửa đẩy Wu-14. Thông tin của Bộ này cũng cho rằng “các cuộc thử nghiệm và nghiên cứu khoa học trên lãnh thổ chúng ta là bình thường và những thử nghiệm đó không nhằm vào bất kỳ nước nào hoặc mục tiêu nào.”

Bản thông báo mới này tương tự thông báo mà Bộ Quốc phòng Trung Quốc từng đưa ra hồi tháng 1/2014, khoảng thời gian thử Wu-14. Lúc đó, bộ này cũng nói: “Hoàn toàn bình thường nếu Trung Quốc có tiến hành thử nghiệm khoa học bên trong lãnh thổ của mình theo kế hoạch đã định. Các cuộc thử nghiệm không nhằm vào nước nào hay mục tiêu cụ thể nào.”

Cuộc thử nghiệm tuần vừa rồi là lần thứ 4 Trung Quốc thử Wu-14 trong vòng 18 tháng, động thái cho thấy đây là mục tiêu ưu tiên của giới quân sự Bắc Kinh. Tên lửa Wu-14 có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc đạn nổ thông thường và bay với vận tốc gấp 10 lần tốc độ âm thanh, tức là khoảng 12.360 km/h. Khả năng linh hoạt của tên lửa này cho phép nó vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Tên lửa siêu thanh tối tân Wu-14 của Trung Quốc. (Ảnh: 
Wu-14 sẽ không bay theo đường đạn đạo thông thường nên tránh được sự phát hiện của hệ thống phòng thủ tên lửa (Đồ họa: Hoài My/National Interest)

Đặc điểm này của Wu-14 đã được chuyên gia quốc phòng He Qisong của Đại học Luật và Khoa học Chính trị Thượng Hải nhấn mạnh. “Wu-14 được thiết kế để thâm nhập hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, có nghĩa là Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) có khả năng phòng thủ chủ quyền lãnh thổ của nước này”, ông He nói và bổ sung: “Nhưng cuộc thử nghiệm như vậy chỉ là ngăn chặn hạt nhân. Cả Trung Quốc và Mỹ đều không muốn tuyên chiến vì vấn đề Biển Đông”.

Richard Fisher, một chuyên gia về quân sự Trung Quốc giải thích rằng “cái hay của tên lửa siêu thanh là nó có thể tấn công rất chính xác các mục tiêu với tốc độ siêu thanh mà vẫn duy trì độ cao không lớn và quỹ đạo khá phẳng giúp nó khó bị hệ thống phòng thủ tên lửa phát hiện.”

Báo cáo của Washington về lần thử nghiệm tuần trước cho rằng, lần này Wu-14 được thử nghiệm “cách thức tuyệt đối” để vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, một hệ thống chỉ có khả năng tiêu diệt các tên lửa bay theo quỹ đạo có thể dự đoán trước. Như vậy, tên lửa Wu-14 khi chính thức đưa vào chiến trường sẽ là vũ khí hạng nặng của Trung Quốc, nước chỉ có kho vũ khí hạt nhân khiêm tốn so với Mỹ và Nga.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã tiến hành cải thiện hệ thống vũ khí ngăn chặn chiến lược theo các cách thức hoàn toàn khác. Ví dụ như Hải quân Trung Quốc (PLAN) hiện sử dụng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo mới (SSBN) Type 094 để tuần tra ngăn chặn. Hồi tháng 4 vừa qua, Đô đốc Mỹ Samuel Locklear nói rằng PLAN đang có 3 tàu ngầm Type 094 SSBN và tính đến cuối thập niên này, có thể đưa vào hoạt động thêm 8 chiếc nữa.

Trung Quốc không phải là nước duy nhất phát triển tên lửa siêu thanh. Mỹ, Nga và cả Ấn Độ được cho là cũng đang theo đuổi phát triển năng lực này. Về khả năng đó của Mỹ, Giáo sư Robert Farley giải thích: “Mỹ đang nghiên cứu vũ khí siêu thanh tiên tiến, một loại tên lửa tầm xa phóng từ căn cứ trên đất liền và có thể hoạt động trong bầu khí quyển nhằm tránh dấu vết thông thường của tên lửa đạn đạo. Mỹ cũng đã hoàn thành giai đoạn nghiên cứu dự án X-51 “Waverider”, một dạng tên lửa có cánh phóng từ máy bay và đạt tốc độ Mach 6 (khoảng 7.530 km/h).”

Trung Quốc tiến hành vụ thử lần thứ tư của tên lửa siêu thanh Wu-14 đúng 1 ngày trước chuyến thăm Mỹ của tướng Phạm Trường Long (Fan Changlong), Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Ông Phạm đã có các cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông gia tăng do hoạt động bồi đắp đảo trái phép của Bắc Kinh.
 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons