Các đội cứu hộ của Trung Quốc đã nâng thành công thân của tàu du lịch lên khỏi đáy sông Trường Giang, để các nhân viên lên tàu tiếp tục tìm kiếm thi thể. Trong khi đó, thuyền trưởng đã lần đầu lên tiếng sau thảm kịch.
Tính tới 18 giờ 20 phút giờ địa phương ngày 5/6, tổng cộng 103 người được xác định thiệt mạng, 14 người được cứu sống trong khi vẫn còn 339 người mất tích, truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin.
Chiếc tàu đã được nâng nổi khỏi mặt nước (Ảnh: China Daily)
Công tác tìm kiếm nạn nhận vẫn tiếp tục được thực hiện trong tối nay. Hình ảnh được tờ Changjiang Daily đăng tải cho thấy con tàu ngôi sao phương Đông đã nổi hẳn trên mặt nước, xung quanh có nhiều đèn chiếu sáng, trong lúc rất đông nhân viên cứu hộ và người nhà nạn nhân đứng trên bờ dõi theo nỗ lực tìm kiếm nạn nhân.
Trước đó, trong sáng nay, chiếc tàu đã được xoay 180 độ khỏi vị trí lật úp trên sông. Quyết định trên được đưa ra dựa trên “nhận định về cơ bản không có khả năng tìm thấy người sống” bên trong chiếc tàu, Xu Chengguang, người phát ngôn Bộ giao thông nước này khẳng định trong ngày thứ Năm.
Do đó, các cần cẩu được huy động để đưa chiếc tàu nổi lên, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tìm kiếm. Với khả năng số người chết sẽ lên tới 442 người, đây sẽ là thảm họa chìm tàu tồi tệ nhất Trung Quốc trong gần 70 năm qua. Theo phóng viên AFP, thêm nhiều túi đựng thi thể đã được đưa tới hiện trường.
Trong khi đó, người nhà các nạn nhân ngày càng tỏ ra giận dữ và đau đớn khi được cung cấp thông tin nhỏ giọt từ các quan chức. Tại cuộc họp báo hôm nay ở Jianli, những cảnh tượng đầy giận dữ đã diễn ra.
“Những gì chúng tôi nhận được là những lời lẽ, được lựa chọn kỹ lưỡng, và đầy những giả dối”, một phụ nữ lớn tuổi có người thân mất tích đã lẻn vào buổi họp báo và nói với các phóng viên, trước khi bị lực lượng chức năng áp giải ra ngoài.
Thông tin về vụ chìm tàu cũng như hoạt động tác nghiệp của phóng viên tại hiện trường bị kiểm soát chặt chẽ. Bất kỳ chỉ trích nào xuất hiện trên mạng về chiến dịch cứu hộ đều nhanh chóng bị xóa bỏ.
Trên mạng xã hội WeChat, người thân nhiều nạn nhân đã kêu gọi “các lãnh đạo nhà nước chủ chốt” phải xin lỗi, đồng thời mở cuộc điều tra đối với công ty vận hành chiếc tàu và yêu cầu bồi thường.
Một số thông tin cho thấy, những chiếc tàu khác trên khúc sông trên đã thả neo khi thấy có gió mạnh. Nhưng riêng ngôi sao phương Đông vẫn di chuyển.
Chong Ye, người có cả cha và mẹ đi trên chiếc tàu trên cho biết anh chết lặng trước khả năng cả cha và mẹ đều tử nạn. “Giờ tôi không còn cảm thấy gì. Tôi chỉ đợi xem kết quả cuối cùng rồi nghĩ xem làm gì tiếp theo”, Ye nói.
Thuyền trưởng và máy trưởng kể về thời khắc kinh hoàng
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã đã có cuộc phỏng vấn với thuyền trưởng Zhang Shunwen, 52 tuổi, người đã được giải cứu sau khi tàu bị chìm. Người này cho biết, khi gió mạnh lên cấp 3-4 trên thang đo Beaufort (12-28 km/h), ông đã tìm cách chuyển hướng con tàu nhưng không được, và tàu đã lật.
Thuyền trưởng Zhang Shunwen, người được giải cứu sau khi tàu đắm (Ảnh: China Daily)
Zhang Shunwen khẳng định khi đó gió thổi từ hướng Nam, nên đầu tiên ông cố tìm cách lái con tàu về hướng Bắc ở phía khuất gió. Tuy nhiên gió đột ngột mạnh lên khiến ông không thể kiểm soát.
Sau khi tàu lật, ông Zhang, sinh năm 1963, may mắn sống sót và đang bị cảnh sát tạm giữ, dù chưa bị cáo buộc tội danh gì. Tân Hoa Xã khẳng định vị thuyền trưởng có 35 kinh nghiệm, và là thuyền trưởng của chiếc tàu bị lật từ năm 2007.
Theo CNS, vợ của ông Zhang cũng là nhân viên phục vụ trên tàu, hiện mất tích.
Máy trưởng Yang Zhongquan, 45 tuổi, thì cho biết mình vừa quay trở lại cabin sau khi kiểm tra trên boong thì nước tràn vào ngập buồng máy, còn điện thì phụt tắt.
“Tôi có thể cảm thấy tàu bị lật nghiêng”, Yang trả lời Tân Hoa Xã.
Yang từng được Cơ quan an toàn hàng hải Changjiang chứng nhận là “máy trưởng 5 sao” năm 2011.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét