Nỗ lực tạo lập ảnh hưởng ở Đông Nam Á, Trung Quốc có thế vin vào quan điểm Trung Hoa trong lịch sử từng là cường quốc chi phối khu vực. Giới lãnh đạo nước này cũng có thể nghĩ là những hành động kia chỉ mang tính phòng thủ, bảo vệ an ninh, tiếp cận đến các tuyến giao thương hàng hải huyết mạch.
Thế nhưng trật tự thế giới mới hậu Chiến tranh Lạnh với “nhân tố Mỹ” vẫn là cản trở chính cho những tham vọng này.
Nước Mỹ cần làm gì để đối chọi lại bước đi xác lập vị thế siêu cường tại châu Á - Thái Bình Dương của Trung Quốc, mà trước hết là yêu sách chủ quyền ngang ngược trong vấn đề Biển Đông? Một chiến lược phản đòn đặt các đồng minh và đối tác tại khu vực ở vị trí trung tâm, thông qua cách tiếp cận gián tiếp, nhất là trên các mặt trận ngoại giao, pháp lý, thông tin là cách làm hợp lý.
Tàu sân bay Carl Vinson (Mỹ) tham gia tập trận cùng quân đội Malaysia trên Biển Đông
1. Cho khu vực rõ sự thật: Mục đích nhằm tăng cường khả năng thu thập và phổ biến thông tin về hoạt động của Trung Quốc. Cụ thể, chính quyền Mỹ cần yêu cầu các cơ quan hành pháp theo dõi liên tục, chính xác và thông báo chi tiết về các hoạt động ngoại giao, luật pháp, thông tin của Trung Quốc có liên quan đến tình hình Biển Đông. Ở cấp cao nhất, chính phủ Mỹ cần thúc đẩy việc “nói rõ sự thật” này trên mặt trận ngoại giao khu vực, thông qua các diễn đàn như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS); Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM-Plus)… Trên bình diện rộng, các báo cáo, phân tích cần được đăng tải trên các website của các cơ quan hành pháp.
2. Hình thành trung tâm chia sẻ thông tin an ninh biển: Trên hướng này, Mỹ cần đi tiên phong trong nỗ lực tạo lập một trung tâm thông tin hợp nhất tầm cỡ, để thúc đẩy an toàn hàng hải, các nỗ lực cứu trợ thảm họa và điều phối tầm khu vực. Có nhiều cơ hội để cải biến các thiết chế chia sẻ thông tin hiện hữu. Ví dụ như Hiệp ước hợp tác Khu vực chống cướp biển và cướp có vũ trang với tàu thuyền ở châu Á (ReCAAP) với 20 nước là thành viên. Trung tâm hợp nhất này có trách nhiệm cung cấp thông tin cho tất cả các nước có hoạt động giao thương tại các vùng biển quốc tế, nhất là 18 nước thuộc cơ chế ADMM-Plus và EAS.
3. Phổ biến bằng chứng hình ảnh: Một bức ảnh chân thực có giá trị hơn cả ngàn lời. Cần công bố tức thời những ảnh chụp có chất lượng cao thu thập qua các phương tiện điện tử. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (Mỹ) đã có các cuộc thảo luận với ASEAN về xây dựng một trung tâm thu thập ảnh để đối phó với các thách thức toàn cầu như trợ giúp nhân đạo, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn… Nỗ lực này cần thúc đẩy theo hướng tăng cường các ảnh chụp vệ tinh, các hình ảnh thuộc diện giải mật để làm sáng tỏ những hoạt động xây dựng ở Biển Đông của Trung Quốc. Hình ảnh có thể được chia sẻ với Trung tâm thông tin hỗn hợp, nhưng quan trọng hơn là phải đẩy được vào các bài viết, phân tích chuyên sâu để cho dư luận thấy được Trung Quốc đang làm gì ở Biển Đông.
Những hình ảnh thực tế này sẽ giúp dư luận hiểu thêm về cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông
4. Phê chuẩn UNCLOS: Đã đến lúc Mỹ cần phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Đây là văn bản tạo lập quy định chung về quản lý các đại dương trên thế giới, với 160 nước là thành viên. Việc Quốc hội lần lữa phê chuẩn Công ước sẽ chỉ làm hủy hoại các nỗ lực ngoại giao của Mỹ nhằm thúc đẩy cách tiếp cận giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế, tạo cơ hội để một số nước công kích Mỹ.
5. Tăng cường tập trận, tuần tra: Quân đội Mỹ cần gia tăng các hoạt động tập trận với các đối tác trong khu vực, qua đó thể hiện mức độ quan tâm cũng như tiềm năng quân sự. Bên cạnh tập trận hải quân, cần mở rộng sang hoạt động diễn tập bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải; tăng tần suất các chiến dịch tuần tra bằng tàu hải quân, cảnh sát biển. Mục đích nhằm chứng minh rằng, khi các chiến dịch này tuân thủ đúng luật pháp quốc tế, thì những “đảo nhân tạo kia” không có bất kì giá trị nào trong tuyên bố, yêu sách chủ quyền.
6. Trợ giúp đối tác: Để chống lại cách hành xử ức hiếp, chiến thuật lát cắt salami của Trung Quốc trên Biển Đông, cách thức đơn giản và mang tính xương sống hơn cả là giúp các đối tác tại khu vực nâng cao khả năng phòng vệ, thực thi pháp luật trên biển. Đó phải là một kế hoạch mang tính toàn diện, cả đa phương và song phương. Ủy ban quân lực Thượng viện cần bổ sung thêm nguồn lực cho chiến lược “tái cân bằng” ở châu Á, nhất là khoản ngân sách dành hỗ trợ nguồn lực cho các nước đồng minh, đối tác.
Theo Hoài Thanh/W.O.R
0 nhận xét:
Đăng nhận xét