Thứ Hai, 13 tháng 4, 2015

Đừng bất ngờ nếu nền kinh tế Trung Quốc rơi vào khủng hoảng

Đó đang là lời khuyên mà bản báo cáo mới nhất của viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey đưa ra cuối tuần qua cho nền kinh tế thứ hai thế giới về tổng số nợ mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải gánh trên vai ở thời điểm hiện tại.

Điều trớ trêu là bản báo cáo mang màu sắc bi thảm với Trung Quốc này lại được công bố trùng khớp với thời điểm Bắc Kinh đưa ra tuyên bố về một giai đoạn mới của nền kinh tế thứ hai thế giới trong đó ảnh hưởng tài chính của Trung Quốc trong khu vực sẽ bắt đầu gia tăng khi ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á do nước này là cổ đông chính bắt đầu đi vào hoạt động.
 
Chính phủ Trung Quốc thì đang bực tức bởi bản báo cáo bất lợi này, nhưng không thể phản bác, khi mà nó đang chỉ ra nhược điểm lớn nhất ở thời điểm hiện tại của Trung Quốc một cách chính xác: nợ nần đang là tử huyệt lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc.
 
Điều khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc bực tức là thời điểm viện nghiện cứu McKinsey công bố bản báo cáo về tình hình nợ nần của các cường quốc kinh tế trên thế giới lại trùng khớp với thời điểm Bắc Kinh đang hả hê về những gì mới diễn ra xung quanh việc ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) vừa chính thức đi vào hoạt động. 
 
Không chỉ được coi là đối trọng lớn nhất với ngân hàng phát triển châu Á ADB do Nhật Bản nắm giữ trong việc cung cấp nguồn tài chính cho các dự án phát triển ở khu vực đồng nghĩa với mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền kinh tế khu vực châu Á; mà việc lôi kéo được khá nhiều đồng minh của Mỹ như Australia, Hàn Quốc hay Anh gia nhập AIIB cũng được xem là một thành công của Trung Quốc dù các nhà phân tích đang cho rằng điều này cũng không có gì là quan trọng lắm. 
 
Chính vào thời điểm mà Bắc Kinh đang cảm thấy thỏa mãn nhất về việc cuối cùng Trung Quốc cũng đã trực tiếp thách thức hệ thống tài chính khu vực châu Á từ trước đến nay vẫn nằm trong tay Nhật Bản và Mỹ thì bản báo cáo của viện nghiên cứu McKinsey không khác gì một quả bom giáng thẳng vào sự hả hê của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
 
Bản báo cáo của McKinsey đã chỉ ra rằng, Trung Quốc đã chính thức vượt qua Mỹ để trở thành nước có tổng số nợ quốc gia lớn nhất. Theo đó, tổng số nợ của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại đang đạt mức 282% GDP so với 269% GDP của Mỹ hay 258% GDP của Đức. Tổng số nợ của Trung Quốc ước tính đạt khoảng gần 30 ngàn tỷ USD là tổng cộng của mức nợ công chính phủ, nợ của các địa phương Trung Quốc và nợ của các doanh nghiệp nước này. 
 
Bản báo cáo này cũng chỉ ra rằng, nếu như Trung Quốc để chỉ số tăng trưởng nợ nần tiếp tục tăng trưởng như thời gian vừa qua thì tổng mức nợ quốc gia của nước này có thể đạt đến mức 400% GDP vào năm 2018 – một mức nợ khổng lồ gần như chắc chắn sẽ nhấn chìm Trung Quốc vào một cuộc khủng hoảng trước năm 2020.
 
Qủa thực, nhìn vào chỉ số tăng trưởng nợ quốc gia của Trung Quốc trong vòng khoảng hai thập kỷ trở lại đây, các nhà kinh tế không khỏi bàng hoàng. Trung Quốc đang thực sự là một cỗ máy xay tiền khổng lồ của thế giới, nó thu hút tất cả những nguồn vốn có thể gọi đến và ngốn ngấu tất cả. Nợ doanh nghiệp ở Trung Quốc đang đạt mức cao nhất thế giới là 125% GDP còn nợ địa phương ở nước này cũng đã tăng lên ba lần chỉ trong vòng 7 năm qua. 
 
Khả năng thu hút các nguồn vốn vay và ngốn ngấu nó của Trung Quốc đang khiến cả thế giới ngỡ ngàng, nó tăng trưởng nhanh chóng một cách kỳ lạ và đem đến một cảm giác đầy rủi ro khi mà Bắc Kinh vẫn gần như không có một biện pháp mạnh mẽ nào để kiểm soát quả bom nổ chậm khổng lồ này. Trong động thái mới nhất, chính phủ Trung Quốc đã cho phép các địa phương được gia hạn các khoản nợ sắp đến hạn chi trả với lãi suất thấp, nhưng nó vẫn chỉ là một động thái giúp trì hoãn một thời gian ngắn chứ không thể khiến khối nợ công khổng lồ đó giảm đi.
 
Tình trạng hiện tại của nợ quốc gia Trung Quốc đang khiến người ta nhớ lại tình trạng tương tự ở Nhật Bản cách đây 25 năm. Khi đó nền kinh tế Nhật Bản cũng phát triển quá nóng liên tục trong khoảng hai thập kỷ trước đó và tạo ra khoản nợ quốc gia khổng lồ, và khi khủng hoảng nổ ra khoản nợ khổng lồ này đã nhấn chìm kinh tế Nhật Bản vào một giai đoạn suy thoái kéo dài mà thế giới vẫn gọi là “hai thập kỷ mất mát”. 
 
Nền kinh tế Trung Quốc hiện tại cũng đang ở trong nguy cơ tương tự. Bất kể một động thái muốn giải quyết một cách nóng vội hay ì ra không làm gì cũng có thể khiến nền kinh tế của Trung Quốc sụp đổ ngay tức khắc, khi khoản nợ quá lớn ấy không khác gì một cái u ung thư, để mặc nó tự do phát triển hay vội vã cắt bỏ nó đều có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
 
Các chuyên gia cho rằng, kể cả chính phủ Trung Quốc có tìm ra được một giải pháp phù hợp để giải quyết khoản nợ quốc gia khổng lồ này, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong những năm tới cũng sẽ suy giảm mạnh. Giải pháp duy nhất khả dĩ có hiệu quả hiện nay được các học giả Trung Quốc đề cập là việc chính phủ Trung Quốc cần tạo ra một hệ thống tập trung giải quyết tình trạng nợ xấu này, trong đó Bắc Kinh cần thành lập những tổ chức riêng biệt chịu trách nhiệm mua những khoản nợ xấu của doanh nghiệp - cả quốc doanh lẫn tư nhân – và các địa phương để tiến hành cơ cấu nó. 
 
Điều này cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ phải chi ra hàng chục tỷ USD mỗi năm chỉ để mua và cơ cấu lại những khoản nợ xấu từ các địa phương và doanh nghiệp. Và trong bối cảnh mà nền kinh tế thứ hai thế giới này đang có dấu hiệu chững lại và cần các động thái kích thích kinh tế hơn bao giờ hết để duy trì tốc độ tăng trưởng, thì việc mất đi hàng chục tỷ USD mỗi năm để giải quyết nợ xấu chẳng khác nào một đòn chí tử vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Nhưng như thế vẫn còn hơn là cố níu kéo lấy tốc độ tăng trưởng và để cho quả bom nợ nần làm sụp đổ cả nền kinh tế.
 
Theo Nhàn Đàm 
Một thế giới/Bloomberg

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons