Các bức ảnh vệ tinh được chụp gần đây cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng đường băng đầu tiên tại quần đảo Trường Sa, thích hợp để sử dụng cho mục đích quân sự, và có thể đang lên kế hoạch một đường băng khác, một động thái khiến quốc tế lo ngại.
Ảnh vệ tinh cho thấy các hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc (Ảnh:Janes)
Tạp chí quốc phòng IHS Jane's đưa tin các bức ảnh do Cơ quan vũ trụ và quốc phòng Airbus chụp ngày 23/3 đã cho thấy công tác xây dựng tại các khu vực được tạo trên bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo Jane's, các bức ảnh đã chụp một khu vực được lát bê tông rộng 505x53 m của đường băng ở mặt phía đông bắc của bãi đá. Trung Quốc đã bắt đầu biến bãi đá thành một đảo nhân tạo thông qua hoạt động bồi đắp, nạo vét từ năm ngoái.
Công tác chuẩn bị cho các phần khác của đường băng cũng đã bắt đầu dọc hòn đảo và các công nhân đã mở một khu vực sân đỗ rộng khoảng 400x20 m.
Cận cảnh đường băng phi pháp trên bãi Chữ Thập (Ảnh: Janes)
Jane's cho biết các bức ảnh còn cho thấy công tác nạo nét ở mặt phía tây nam của đảo và các cần trục đang bồi đắp một bến cảng.
Nguồn tin trên còn cho hay bãi Chữ Thập giờ đây có đủ chỗ cho một đường băng dài khoảng 3.000 m.
Các bức ảnh chụp trước đó vào tháng 3 cũng cho thấy công tác cải tạo trên bãi đá Xu Bi tại Trường Sa đã tạo ra một khu vực rộng, mà nếu nối liền nhau có thể tạo ra không gian đủ cho một đường băng dài 3.000 m khác.
Jane's cho biết các bức ảnh vệ tinh khác còn chứng tỏ Trung Quốc cũng đang mở rộng một đường băng khác tại quần đảo Hoàng Sa ở phía bắc Biển Đông.
Trong khi đó, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington, Mỹ nói rằng các bức ảnh vệ tinh từ 11/4 cũng cho thấy đường băng trên bãi Chữ Thập đã hoàn thành khoảng 1/3, và dự kiến có chiều dài 3.110 m, đủ rộng cho các máy bay vận tải quân sự hạng nặng và các máy bay chiến đấu.
CSIS cho hay hoạt động cải tạo có thể giúp Trung Quốc đòi hỏi các tuyên bố chủ quyền bằng cách cho phép nước này thực hiện các cuộc tuần tra trên không và trên biển tầm xa. Tuy nhiên, các đảo nhân tạo quá nhỏ để hỗ trợ việc triển khai các lực lượng quân sự lớn trong tương lai.
Mỹ cảnh báo về vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông
Thông tin trên được đưa ra một ngày sau khi Chỉ huy lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear, cảnh báo rằng Trung Quốc có thể triển khai các hệ thống tên lửa và radar trên các tiền đồn mà nước này đang xây dựng, mở đường để thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.
Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban quân vụ thượng viện Mỹ, đã gọi các động thái của Trung Quốc là "khiêu khích". Ông nói rằng điều đó cho thấy sự cần thiết để chính quyền Barack Obama phải hành động đối với các kế hoạch đưa nhiều nguồn lực quân sự hơn tới châu Á, khu vực có tầm quan trọng về kinh tế, và thúc đẩy hợp tác với các quốc gia trong vùng.
Ông McCain đã nhắc tới một báo cáo tình báo của Mỹ hồi tháng 2 rằng việc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc nhằm chống lại sức mạnh của Mỹ và nói rằng Washington có nhiều việc để làm nhằm duy trì lợi thế quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương.
"Khi bất kỳ quốc gia nào tập trung vào khu vực rộng 242 ha và xây dựng các đường băng và nhiều khả năng sẽ đưa vào các dạng hình thức năng lực quân sự khác vào vùng biển quốc tế, rõ ràng đó là mối đe dọa với một khu vực quan trọng đối với kinh tế thế giới", ông McCain nói trong một cuộc họp tại quốc hội.
Một phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ nói rằng quy mô xây dựng và cải tạo đất của Trung Quốc đã làm bùng phát những lo ngại trong khu vực rằng Trung Quốc có ý định quân sự hóa các tiền đồn và nhấn mạnh tới tầm quan trọng của tự do hàng hải.
"Mỹ có lợi ích mạnh mẽ nhằm duy trì hòa bình và an ninh ở Biển Đông. Chúng tôi không tin rằng hoạt động tải tạo đất quy mô lớn với ý định quân sự hóa các tiền đồn tại các thực thể tranh chấp là phù hợp với mong muốn hòa bình và ổn định của khu vực".
Hồi tuần trước, Mỹ đã cảnh báo về việc quân sự hóa các khu vực tranh chấp tại châu Á, và Tổng thống Mỹ Barack Obama cáo buộc Trung Quốc "cậy nước lớn và dùng sức mạnh" để đòi hỏi các tuyên bố chủ quyền và gạt ra một bên các quốc gia nhỏ hơn.
An Bình
0 nhận xét:
Đăng nhận xét