Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

“Hợp tình hợp lý” kiểu Bắc Kinh

Ngày 18-4, lần đầu tiên mô hình “cá Cầu vồng” - thiết bị lặn chở người khu vực biển sâu của Trung Quốc ra mắt công chúng và con tàu chở nó cũng chính thức được khởi công để đưa thiết bị lặn ở độ sâu 11.000m (do Trường đại học Hải dương Thượng Hải đảm trách).


Được biết, thiết bị lặn “cá Cầu vồng” sẽ kết hợp với tàu khảo sát chuyên dụng Trương Kiến tạo ra “Phòng thực nghiệm khoa học kỹ thuật khu vực nước sâu lưu động”, giúp Trung Quốc thực hiện tham vọng chiếm lĩnh đỉnh cao về nghiên cứu khoa học và khai thác ở khu vực biển nước sâu.
Như thế là đang phá hoại
Trong bài trả lời phỏng vấn với tiêu đề “Trung Quốc đang phá hoại Biển Đông” số ra ngày 17-4 trên Báo Điện tử Deutsche Welle, Giáo sư David Rosenberg đến từ Đại học Quốc gia Australia cho rằng, việc cải tạo, xây dựng của Trung Quốc và Đài Loan ở quần đảo Trường Sa nhằm phục vụ mục đích quân sự khi các đảo Ba Bình, đá Gaven, đá Gạc Ma và Chữ Thập được củng cố mạnh mẽ trong mấy năm qua.
Theo Giáo sư David Rosenberg, Bắc Kinh muốn tăng cường sự hiện diện để củng cố các đảo đang chiếm giữ, đồng thời mở rộng khả năng kiểm soát trong phạm vi “đường lưỡi bò”, nhằm bảo vệ yêu sách chủ quyền phi lý. Và để hiện thực hóa tham vọng này, Trung Quốc đã củng cố các hạm đội và cơ sở quân sự ở quần đảo Trường Sa. Do đó, các bên liên quan cần theo dõi sát các kế hoạch xây dựng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ngoài ra, Giáo sư David Rosenberg cũng khuyến cáo, việc đảo hóa của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ gây ra những hậu quả lớn đối với môi trường và sinh thái ở Biển Đông.
Hội nghị Ngoại trưởng G7 ngày 15-4 ra tuyên bố về an ninh hàng hải
Hội nghị Ngoại trưởng G7 ngày 15-4 ra tuyên bố về an ninh hàng hải
Ngày 16-4, Hãng Reuters đăng bài của tác giả David Brunnstrom xác nhận, hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy, một đường băng máy bay quân sự Trung Quốc xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam đạt tiến độ rất nhanh và có thể đang có kế hoạch thi công một đường băng khác.
Tờ Thời báo New York cũng vừa dẫn nhận định của Giáo sư nghiên cứu chiến lược Peter Dutton đến từ Đại học Quân sự Hàng hải ở Rhode Island: Đường băng kể trên đủ để máy bay chiến đấu và máy bay trinh sát cất và hạ cánh và điều này khiến “quy tắc cạnh tranh” ở Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc có sự thay đổi - để đoạt quyền kiểm soát biển, phải đoạt quyền kiểm soát trên không.
Giáo sư Peter Dutton còn cho rằng, Bắc Kinh có thể đang lập một trung tâm chỉ huy quân sự trên bãi đá Chữ Thập và nhiều khả năng sẽ lắp đặt hệ thống radar và tên lửa có thể đe dọa các nước như Philippines.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải
Ngày 15-4, tờ Want China Times cho biết, Trung Quốc có thể chi hơn 11,5 tỉ USD để cải tạo trái phép ở bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Want China Times cho rằng, gần 1 năm qua, Bắc Kinh đã nỗ lực cải tạo bất hợp pháp tại 7 bãi đá ngầm và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chỉ riêng bãi đá Chữ Thập, Bắc Kinh đã chi hơn 73 tỉ NDT (hơn 11,5 tỉ USD).
Tờ The Indian Express cũng cho rằng, Trung Quốc đã nhanh chóng xây dựng một đường băng thích hợp cho mục đích quân sự tại quần đảo Trường Sa và động thái này khiến Mỹ và các nước châu Á lo ngại.
Lý sự cùn
Ngày 17-4, tờ Tin tức Trung Quốc dẫn trang mạng Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, ngày 16-4, khi phát biểu tại hội thảo Hợp tác An ninh quốc tế Trung - Mỹ do Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc tổ chức ở Washington (Mỹ), Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đã tái khẳng định lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông - không thay đổi trong mấy chục năm qua và trong tương lai cũng sẽ không thay đổi! Bên cạnh đó, ông Thôi Thiên Khải còn xuyên tạc và đe dọa khi nhấn mạnh:
Trung Quốc sẽ kiên trì bảo vệ chủ quyền và quyền lợi biển, các bên hữu quan đừng ảo tưởng có thể dùng “hiện trạng đơn phương để áp đặt”… Ngoài ra, vị đại sứ này còn dẫn dắt dư luận bằng tuyên bố: Trung Quốc luôn nỗ lực thông qua đối thoại để giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông, đã cùng với các nước ASEAN đưa ra “quan điểm song đôi” và đã được hầu hết các nước ASEAN ủng hộ!?
Ngay sau tuyên bố của ông Thôi Thiên Khải, dư luận liền cho rằng, Bắc Kinh không những muốn các nước hữu quan phải chấp nhận yêu sách “đường lưỡi bò” vừa vô lý vừa phi pháp, mà còn có ý đồ xâm chiếm nốt các hòn đảo còn lại trên Biển Đông. Dư luận cũng thừa nhận sự “thật thà” của ông Thôi Thiên Khải khi vị đại sứ này khẳng định: Có xây dựng phi pháp các cơ sở quân sự trên những đảo đá ở Biển Đông.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken
Cũng trong ngày 17-4, Hãng BBC cho rằng, Trung Quốc đang đẩy nhanh công trình lấn biển phi pháp ở bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đồng thời xây dựng đường băng bê tông để máy bay quân sự cất hạ cánh tại đây.
Trước đó (16-4), tờ Jane's Defense Weekly cho biết, với những hình ảnh mới nhất do vệ tinh thương mại của Tập đoàn Airbus (Airbus Defence and Space) chụp ngày 23-3 cho thấy, phía đông bắc bãi đá Chữ Thập xuất hiện một đoạn đường băng với kích cỡ 503mx53m. Và với quy mô này, Bắc Kinh có thể xây dựng lên một đường băng dài 3.000m, để máy bay quân sự Trung Quốc cất và hạ cánh. Theo biên tập viên Châu Á - Thái Bình Dương của tờ Jane’s James Hardy: 3.000m là đủ dài cho hầu hết mọi loại máy bay và công trình này dành cho máy bay quân sự.
Ông James Hardy còn nhấn mạnh, siêu máy bay Airbus A380 cũng chỉ cần đường băng dài 2.950m. Và có vẻ như Trung Quốc đã chọn đảo đá Chữ Thập để dựng một trung tâm chỉ huy và điều hành các hoạt động quân sự ở quần đảo Trường Sa. Trước đó (15-4), Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương quân đội Mỹ Locklear cũng đồng tình với nhận định này, đồng thời nhấn mạnh: Trung Quốc sẽ triển khai radar và hệ thống tên lửa ở khu vực tiền tiêu đang xây dựng phi pháp trên Biển Đông và có thể dùng để thiết lập ADIZ ở khu vực tranh chấp này.
Gia tăng thương đàm
Trong cuộc họp báo với 2 người đồng cấp Nhật Bản Akitaka Saiki và Hàn Quốc Cho Tae-yong ở Washington D.C (16-4), Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Tony Blinken cho biết, vấn đề tranh chấp trên Biển Đông và một số vùng biển khác là một trong những trọng tâm thảo luận của cuộc gặp 3 bên trước đó. Và cả 3 nước đều quan ngại trước một số hành động do Trung Quốc đang thực hiện ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Ông Tony Blinken còn kiến nghị, các bên liên quan không nên có hành động đơn phương. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki khẳng định, nhiều nước trong khu vực đang quan ngại sâu sắc về những gì Trung Quốc đang làm ở Biển Đông và Bắc Kinh phải có trách nhiệm giải quyết hợp lý mối quan ngại này. Thứ trưởng Ngoại giao và Hàn Quốc Cho Tae-yong nhấn mạnh, các bên cần tuân thủ DOC để duy trì tự do đi lại và ổn định, đồng thời hy vọng COC sẽ được ra đời càng sớm càng tốt.
Trước đó (10-4), Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã thương đàm và thống nhất cho biết, Lầu Năm Góc chưa sẵn sàng thảo luận với Seoul về khả năng triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại đất nước kim chi. Cũng trong ngày 10-4, quân đội Mỹ - Hàn đã tập trận phòng không quy mô lớn mang tên Max Thunder (kéo dài 2 tuần), với sự tham gia của 100 máy bay chiến đấu và máy bay ném bom cùng 1.400 binh sĩ 2 nước. Cuộc tập trận Max Thunder diễn ra ngay sau khi Mỹ - Hàn vừa hoàn thành 2 cuộc tập trận Key Resolve và Foal Eagle.
Ngày 15-4, trang mạng Jane's Defense Weekly cho biết, Trung Quốc đang phát triển máy bay chiến đấu J-31 thứ hai, loại có thể cất cánh ở cự ly ngắn và hạ cánh thẳng đứng. Và động thái này diễn ra cùng thời điểm hải quân Trung Quốc sẽ chế tạo tàu đổ bộ trực thăng cỡ lớn để cho chiến đấu J-31 “có đất dụng võ”.
Theo nhận định của Rand Corp, nhóm nghiên cứu có nhiệm vụ hỗ trợ các cuộc thảo luận của Ủy ban Kinh tế và an ninh Mỹ - Trung, có trụ sở tại thành phố Santa Monica, bang California, điểm yếu của quân đội Trung Quốc nằm ở chất lượng nhân lực, tính chuyên nghiệp và vấn nạn tham nhũng. Và những điểm yếu này làm hạn chế khả năng tác chiến và thắng trận trong các cuộc đụng độ nếu có, bất chấp việc Bắc Kinh hiện có ngân sách quân sự lớn thứ hai thế giới (đã tăng ngân sách gấp 4 lần trong năm ngoái).
Ngày 17-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã phản ứng trước tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng G-7 về an ninh hàng hải, đồng thời tiếp tục biện giải cho kiểu “ỷ mạnh hiếp yếu” mà Bắc Kinh đang thực hiện đối với các nước hữu quan trong tranh chấp biển đảo.
Ngày 15-4, hội nghị Ngoại trưởng G-7 đã ra tuyên bố chung về an ninh hàng hải (dài 6 trang), liên quan đến tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông và đã được Tân Hoa xã gọi là “lần đầu tiên trong lịch sử gần 40 năm qua của G-7”. Bởi theo Tân Hoa xã, đây không phải là lần đầu tiên Nhật Bản lôi kéo các nước lớn phương Tây trong cuộc chơi “gây sức ép với Trung Quốc”.
Và hội nghị Ngoại trưởng không những kêu gọi các nước đẩy nhanh xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), tuyên bố chung còn cho biết, sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao G-7 liên quan đến vấn đề an ninh hàng hải vào cuối năm 2015.
Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier cho biết, là nước chủ nhà của Hội nghị G-7 năm 2016, Nhật Bản rất quan tâm đến việc bảo lưu vấn đề này trong chương trình nghị sự vài năm tới. Theo học giả Trung Quốc Hứa Lợi Bình, có dấu hiệu cho thấy Liên minh châu Âu chuẩn bị can thiệp vào vấn đề biển Hoa Đông và Biển Đông từ góc độ quân sự và kinh tế.
Theo Hồng Thất Công
PetroTimes

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons