Không còn là đồn đại hay cáo giác một chiều của một vài nước nữa mà là công bố chính thức từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Một bức ảnh chụp từ trên cao cho thấy Trung Quốc đang thực hiện công tác cải tạo phi pháp trên bãi Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh:AFP)
Khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 9/4 tuyên bố tại một cuộc họp báo rằng các hoạt động cải tạo đất và xây dựng tại quần đảo Trường Sa trên Biển Đông "là cần thiết do rủi ro từ những cơn bão gây ra với nhiều tuyến hàng hải xa đất liền" và nhằm "đáp ứng nhu cầu phòng thủ quân sự" của Trung Quốc, thì đó là lần đầu tiên Trung Quốc công khai mục đích quân sự của hoạt động thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông mà họ đang khẩn trương tiến hành và làm cho các nước càng thêm lo ngại trước ý đồ độc chiếm Biển Đông của nước này.
Cho dù người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc có giải thích rằng "chúng tôi đang xây dựng nơi trú ẩn, hỗ trợ điều hướng, tìm kiếm và cứu hộ, dịch vụ dự báo khí tượng hàng hải, dịch vụ nghề cá cùng thủ tục hành chính cần thiết cho Trung Quốc, các nước láng giềng cũng như chính các tàu" (đang hoạt động trên Biển Đông), thì hành động này cũng đã phá vỡ yêu cầu giữ nguyên trạng ở khu vực tranh chấp này mà chính Trung Quốc đã cùng các nước ASEAN giao ước trong Tuyên bố về ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (DOC) ký kết tại Phnom Penh 12/2002.
Mặt khác, nếu quả thực vì lo cho cái chung của các nước, thì ý định này cũng nên được bàn bạc đầy đủ với các bên liên quan chứ không theo kiểu độc tôn, một mình một chợ như thể đang là chủ nhân duy nhất của cả Biển Đông, thậm chí của cả lãnh thổ của các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Một ý định có vẻ hiền hòa phục vụ cái chung như thế đã là độc chiếm rồi, huống hồ là còn để "đáp ứng nhu cầu phòng thủ quân sự" của Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, không thể không nhận ra rằng cái lý do "xây dựng nơi trú ẩn, hỗ trợ điều hướng, tìm kiếm và cứu hộ..." chỉ là cái bình phong để che chắn cho cái mục tiêu bành trướng "đáp ứng nhu cầu phòng thủ quân sự".
Không rõ tự bao giờ và trên cơ sở công nhận quốc tế nào mà nay người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại giải thích rằng tuyến phòng thủ của Trung Quốc lại ra tới tận Trường Sa và rằng việc xây dựng này "không ảnh hưởng và không nhằm chống lại bất kỳ nước nào", chứ không phải là ở đảo Hải Nam, mà như tên gọi của đảo này cũng như các bản đồ cùng văn kiện lịch sử đến cuối thế kỷ XIX, đã có nghĩa đây là điểm cực nam trên biển của Trung Quốc. Không rõ dựa trên tham khảo nào mà lại có thể nói được rằng việc lấn chiếm và xây dựng bồi đắp này "không ảnh hưởng... tới bất cứ nước nào".
Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc làm cho dư luận càng thêm lo ngại về sự thiếu nhất quán giữa những cam kết của Trung Quốc với các nước ASEAN về giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển Đông và hành động thực tế của họ trên Biển Đông hiện nay.
Chúng ta kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc phải chấm dứt ngay việc thay đổi hiện trạng trên Biển Đông, thực hiện nghiêm túc DOC và cùng các nước ASEAN khẩn trương ký kết và thực hiện COC, tôn trọng luật pháp và thông lệ quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ, vì hòa bình và ổn định trên Biển Đông chính là lợi ích của các nước trong và ngoài khu vực tại trung tâm hàng hải của khu vực Đông Nam Á và quốc tế này.
Thiết tưởng, để thực sự là hữu nghị, hãy nên tôn trọng chính những gì đã ký kết, đã tuyên bố, đúng với tinh thần "Tử viết: Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã " (Tạm dịch: Khổng Tử nói: Người không có chữ tín, chẳng làm chi nên việc !)
Theo Danh Đức
Thế giới và Việt Nam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét