Tổng thống Philippines Benigno Aquino ngày 17/4 tuyên bố sự hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông, nơi có 5.000 tỷ USD hàng hóa của thế giới đi qua mỗi năm, là một vấn đề toàn cầu và sẽ không chỉ ảnh hưởng tới các nước Đông Nam Á.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino. (Ảnh: Getty)
Tờ Philstar dẫn lời Tổng thống Philippines Benigno Aquino ngày 17/4 đã đưa ra nhận định trên và cho hay các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực là vấn đề toàn cầu bởi thương mại thế giới sẽ bị ảnh hưởng từ hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc trên vùng biển này.
“Chúng tôi quả quyết rằng vấn đề Biển Đông không chỉ là một vấn đề trong tầm khu vực, nó là một vấn đề của cả thế giới. Bởi 40% hàng hóa toàn cầu lưu thông qua vùng biển này mỗi năm, đồng thời các nhà lãnh đạo thế giới cũng từng bày tỏ quan ngại về vấn đề này”, ông Aquino tuyên bố.
Biển Đông có tiềm năng về năng lượng với nhiều túi dầu, khí lớn và là tuyến đường hàng hải quan trọng, với lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD lưu thông qua đây mỗi năm.
Trung Quốc đã đưa ra yêu sách chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, thậm chí với cả những vùng rất gần bờ biển các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei.
Philippines từng nhiều lần phản đối những hành động ngày càng quyết liệt của Trung Quốc ở Biển Đông và đưa vụ việc ra Tòa Trọng tài Quốc tế. Tòa dự kiến có phán quyết vào đầu năm 2016 dù Bắc Kinh từ chối tham gia.
Tổng thống Philippines cho biết trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 của ASEAN tới đây, ông sẽ tiếp tục kêu gọi các nước thành viên ASEAN đẩy nhanh đàm phán thống nhất Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) để tạo ra một khuôn khổ cho hành động của các nước trên Biển Đông.
Báo chí Mỹ đưa tin quân đội Mỹ và Philippines tuần tới sẽ tham gia vào một cuộc tập trận chung lớn nhất trong vòng 15 năm qua. Giới phân tích đánh giá cuộc tập trận này là một thành tố quan trọng trong chính sách “xoay trục về châu Á” của Washington.
Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc đang đẩy nhanh việc xây dựng một đường băng phi pháp có thể sử dụng cho mục đích quân sự ở quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, Bắc Kinh dường như còn có dự tính xây thêm công trình tương tự, động thái khiến Mỹ và châu Á quan ngại.
Các Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) hôm 15/4 ra tuyên bố về an ninh hàng hải, trong đó đề cập trực tiếp đến hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tuyên bố nêu rõ rằng ngoại trưởng các nước G7 quan ngại về những hành động đơn phương của Trung Quốc trong thời gian qua, bao gồm cải tạo đất trên diện rộng, làm thay đổi thực trạng ở biển Đông đồng thời làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Thoa Phạm
Theo Philstar
0 nhận xét:
Đăng nhận xét