Tuy nhiên một khó khăn mới cũng nảy sinh là việc điều hành ngân hàng cần khả năng hợp tác và tuân thủ các quy chuẩn quốc tế từ phía Bắc Kinh.
Hôm nay (29-6), các đại diện từ 57 quốc gia tụ họp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh để ký kết các điều khoản thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB) đã được lên ý tưởng vào năm 2014 trong bối cảnh giao thương quốc tế phát triển mạnh mẽ.
Quản lý thể chế đa phương: Trung Quốc không thể chỉ dùng tiền
Mặc dù một số nước Đồng minh của Mỹ cũng ký kết hợp tác với AIIB, Trung Quốc cũng bị Mỹ phản đối mạnh mẽ ngay từ đầu, với quan ngại ngân hàng mới sẽ làm giảm các chuẩn mực về môi trường, xã hội và chống tham nhũng.
Khung cảnh trước lễ ký ở Bắc Kinh hôm 29-6. (Ảnh: THX)
Khi đưa AIIB vào triển khai, Trung Quốc phải đối mặt với nhiệm vụ dẫn dắt một tổ chức đa phương phức tạp với nhiều lợi ích quốc gia khác nhau dưới cùng một chuẩn mực quốc tế, một nhiệm vụ vô cùng nặng nề đối với một nước vốn quen đứng một bên để chỉ trích trật tự thế giới đương đại.
Bắc Kinh có quyền phủ định rất công hiệu trong phần lớn các quyết định của ngân hàng này với hơn 25% lượng đầu phiếu, dẫn đến nhiều quan ngại về phương thức vận hành sắp tới của tổ chức này.
Li Xi, một chuyên gia tại Đại học Khoa học Công nghệ Hồng Kông, cho biết Trung Quốc thường dùng cách đe dọa hoặc dùng tiền để giải quyết các thách thức về lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, để vận hành một thể chế đa phương như AIIB thì Trung Quốc cần phải có cách tiếp cận một cách tinh tế hơn.
Theo ông, “Nếu không cẩn thận, Trung Quốc sẽ không nhận ra được nước này cần nhiều hơn tiền hay quyền để AIIB vận hành trơn tru.”
Tuy vậy, giám đốc lâm thời của AIIB, Jin Liqun, cũng là cựu thứ trưởng tài chính của Trung Quốc và khả năng sẽ là Chủ tịch đầu tiên của ngân hàng này, nhận được nhiều đánh giá cao về khả năng thích ứng của mình.
Các quan chức tại Bộ tài chính Trung Quốc hiện chưa trả lời các yêu cầu bình luận gì vào hôm Chủ nhật 28-6.
Trước thềm cuộc họp, Trung Quốc hứa hẹn sẽ vận hành ngân hàng này một cách trung thực, có ý thức xã hội để cải thiện các thiếu hụt trong đầu tư cơ sở hạ tầng tại châu Á cũng như làm việc với các tổ chức đa phương quốc tế khác.
Trung Quốc cũng giao ước ngân hàng sẽ duy trì năng suất vận hành như khi chỉ vận hành gói gọn trong đại lục, cũng như triệt tiêu bộ máy quan liêu làm chậm tiến độ dự án; một vấn đề hiện tại của các tổ chức tài chính khác như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á.
Theo nhiều nguồn tin và tài liệu liên quan đến ngân hàng phát triển này, nhằm cắt giảm chi phí và hạn chế can thiệp chính trị, AIIB sẽ có một ban điều hành đa quốc gia và tập trung vào việc quyết định các vấn đề về kỹ thuật.
Thách thức về mô hình quản lý
Hồi tháng Ba, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc đã phát biểu: Bắc Kinh “sẽ học tập cách thức hoạt động của các ngân hàng quốc tế khác để tránh sa vào lối mòn của các ngân hàng này, đồng thời cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu suất”.
Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2014 cho thấy thời gian trung bình để một dự án ngân hàng tư có thể đi từ bàn giấy đến thực tiễn phải mất khoảng 2 năm rưỡi.
Nhiều chuyên gia của các tổ chức đa quốc gia cho rằng bộ máy hành chính nặng nề là một gánh nặng cần thiết để xây dựng sự đồng thuận và đảm bảo chất lượng dự án.
Ralph W. Huenemann, cựu chuyên viên tư vấn cho Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á, cho biết “mong muốn tiến trình nhanh hơn và ít thủ tục hơn sẽ dẫn đến việc nhiều dự án chi phí cao nhưng lợi ích thấp sẽ được thông qua nhằm thỏa mãn nhu cầu của các nhân vật chính trị tại các nước thành viên.”
Hiện đã có 57 quốc gia tham gia làm thành viên của AIIB, trong đó có nhiều nước Đông Nam Á cũng như các nước đồng minh của Mỹ.
Trung Quốc cũng vấp phải nhiều trở ngại khi xây dựng lịch trình ký kết ngày hôm nay, dù thuộc một khu vực đang rất cần vốn đầu tư hạ tầng.
AIIB sẽ không có đầy đủ các thành viên thuộc ASEAN trong hội đồng. Philippines, nước hiện đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tại biển Đông, cho biết Bộ trưởng Ngân khố Quốc gia Roberto Tan dự định tham dự buổi ký kết ngày hôm nay nhưng Philippines sẽ không ký kết để được làm thành viên sáng lập.
Hồi đầu tháng, Thủ tướng Philippines Benigno Auino III phát biểu nước này muốn chắc rằng các giúp đỡ kinh tế của AIIB sẽ không bị chi phối đến những thay đổi chính trị giữa các nước.
Một thách thức khác đối với Trung Quốc là việc Indonesia đã kêu gọi ngân hàng này đặt trụ sở tại Jakarta chứ không phải Bắc Kinh, tuy nhiên đây cũng không phải trở ngại lớn. Hôm thứ Sáu. 26-6, Bộ trưởng Tài chính Bambang Brojonegoro từ chối cho biết Bắc Kinh đã khước từ lời đề nghị trên hay chưa. Các tài liệu công bố cũng ghi nhận Bắc Kinh là đầu não của ngân hàng này.
Trong khi các thành viên quốc tế của nhà băng mới đem lại những quyền lợi và sự công nhận mà Trung Quốc hằng ao ước, những chi tiết tỉ mỉ của một thể chế đa phương có thể làm chậm tiến trình xây dựng và phát triển khu vực.
Giám sát khắt khe từ châu Âu
Jing Huang, giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận định: “Trung Quốc đang thực hiện tốt tiến độ của AIIB. Tuy vậy, đây là một tổ chức quốc tế và sẽ bị soi rọi rất chi tiết.”
Cụ thể, các nước thành viên tại châu Âu muốn chắc chắn rằng họ sẽ không nằm trong một thể chế chối bỏ các quyền về xã hội và môi trường.
Năm 2010, theo một báo cáo từ ADB, Trung Quốc đã ngăn chặn một cuộc điều tra về các kế hoạch đối với dân cư thành phố Phúc Châu, Trung Quốc trong một dự án môi trường do ADB trợ cấp vốn. Tuy vậy, dự án đã được thông qua mà không có nguồn vốn từ ADB.
Ngoài ra, theo Curtin S. Chine, Cựu đại sứ Mỹ tại ADB, còn phải đặt câu hỏi về phản ứng của Trung Quốc nếu các dự án có liên quan đến các vấn đề lãnh thổ hoặc động chạm đến các vấn đề chính trị nhạy cảm.
Năm 2009, Trung Quốc đòi chặn một dự án chống lụt của ADB ở bang Arunachal Pradesh thuộc miền Bắc Ấn Độ mà Trung Quốc cũng đang đòi hỏi chủ quyền tại đó. Khi Bắc Kinh không ngăn được dự án này, Trung Quốc đã phản đối quyết định cho tiếp tục dự án của ADB trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ.
Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Ấn Độ cho hay, các thành viên đều nhận thức được quyền phủ quyết rất mạnh của Bắc Kinh trong các quyết định quan trọng, nhưng cũng hy vọng tổ chức sẽ được vận hành thông qua đồng thuận và suy xét cẩn trọng trước khi sử dụng nguồn tiền vào các dự án liên quan đến lãnh thổ bị tranh chấp. “Thật ngu ngốc khi nghĩ rằng có thể vận hành được một ngân hành đa quốc gia theo ý chí đơn phương.”
Ông David Dollar, cựu quan chức của Ngân hàng Thế giới, nhận định: “Cuối cùng, khi Trung Quốc đã tìm ra một mô hình có thể quản lý tốt các dự án, AIIB sẽ có thể giúp ích tốt cho châu Á và giúp các thể chế hiện tại tăng tốc độ phát triển. Đây sẽ là một thành tựu lớn. Thật không dễ dàng chút nào khi đi từ các nhu cầu cơ sở hạ tầng không rõ ràng đến các dự án có lợi nhuận.”