Ngày 4-10, tờ South China Morning Post bình luận, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ trong những năm qua không thể thay đổi một thực tế, Bắc Kinh vẫn là đối thủ lớn nhất của Washington về an ninh toàn cầu.
Giới quân sự Đài Loan cho rằng, sau sự sụp đổ của Liên Xô, Mỹ nhận thức: Đối thủ và thách thức an ninh chính của mình là Trung Quốc.
Tuyên bố ngang ngược
Ngày 3/10, Đài RFI dẫn phát biểu khi đang ở thăm Nhật Bản của Thủ tướng Pháp Manuel Valls, trong đó nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Còn khi trả lời phỏng vấn tờ Yomiuri Shimbun, Thủ tướng Manuel Valls khẳng định, lập trường của Pháp luôn gắn liền với việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật biển và quyền tự do đi lại trên biển và trên không. Và giải quyết tranh chấp chủ quyền bằng đối thoại.
Trong khi đó tờ Hindustan Times cho biết, khi được hỏi về cuộc họp tay ba Ấn - Nhật - Mỹ về Biển Đông vừa kết thúc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang ngược tuyên bố (1/10), không có nước thứ 3 nào được thăm dò dầu khí ở quần đảo Trường Sa!?
Biểu tình chống Trung Quốc tại Makati city, Manila
Ngày 1/10, tờ Manila Bulletin dẫn thông cáo chung sau cuộc họp bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ), theo đó LHQ và ASEAN kêu gọi cần dàn xếp các tranh cãi chủ quyền ở Biển Đông và phải giải quyết bằng đối thoại, tuân thủ theo luật quốc tế.
Phát biểu tại cuộc họp trong khuôn khổ hội nghị với Ngoại trưởng ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhắc lại cam kết ủng hộ các nước ASEAN duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông của Washington. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng nhắc lại lập trường của Washington - không chấp nhận hạn chế đối với quyền tự do lưu thông trên biển và trên không ở Biển Đông.
Ngày 4/10, tờ Chinatimes đưa tin, theo cách nói của quan chức quốc phòng Mỹ, Washington chuẩn bị điều máy bay quân sự và tàu chiến tiếp cận đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông, thậm chí có thể tiến vào phạm vi 12 hải lý của những đảo nhân tạo này, nhằm nhấn mạnh tự do đi lại và tự do bay, cũng như phủ nhận sự tồn tại của chúng.
Trước đó (3/10), tờ Foreign Policy cũng đưa tin tương tự. Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris từng hy vọng, máy bay và tàu chiến Mỹ đi vào trong 12 hải lý của những đảo nhân tạo phi pháp do Trung Quốc cố tình lập nên.
Ngày 2/10, tờ Foreign Policy dẫn lời quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho rằng, Washington vẫn chưa quyết định thời điểm “mạnh tay” với những hành động ngang ngược và phi pháp của Bắc Kinh tại Biển Đông. Ngày 3/10, trang mạng epochtimes dẫn lời quan chức Mỹ cho biết, Washington chuẩn bị điều tàu chiến và máy bay đến khu vực Biển Đông.
Cựu Nghị sĩ, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Philippines Roflo Golez
Hiểu lầm “lợi ích cốt lõi”
Ngày 1/10, Asia Nikkei Review bình luận, nỗ lực tìm kiếm mối quan hệ "nước lớn kiểu mới" trong chuyến công du Mỹ của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã phá sản bởi Washington không muốn có cùng tầm nhìn với Bắc Kinh về "quan hệ kiểu mới".
Điều đáng nói là sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Barack Obama với Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Nhà Trắng đã công bố nội dung cuộc hội đàm giữa 2 nhà lãnh đạo và 7 tiếng sau, Tân Hoa xã đăng lại, nhưng 2 văn bản cùng nói về một sự kiện, song khác một trời một vực.
Cũng trong ngày 1/10, Bộ Quốc phòng Trung Quốc dẫn lời Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, yêu cầu Mỹ giảm hoạt động có thể gây hiểu lầm và tôn trọng các lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh. Đồng thời cho rằng, Thái Bình Dương là khu vực quan trọng để hải quân 2 nước có thể tăng cường hợp tác.
Tuyên bố này được đưa ra trong cuộc gặp giữa Đô đốc Tôn Kiến Quốc với Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ bên lề cuộc gặp của giới chức quốc phòng Châu Á - Thái Bình Dương tại Hawaii.
Ngày 2/10, tờ Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, việc triển khai tàu sân bay USS Ronald Reagan có nghĩa sức chiến đấu của Mỹ ở khu vực Đông Á tăng lên. Và đây là động thái mới nhất của việc tăng cường hợp tác quân sự Nhật - Mỹ sau khi Tokyo thông qua dự luật bảo đảm an ninh mới hồi trung tuần tháng 9.
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Scott Swift tuyên bố, việc tàu sân bay USS Ronald Reagan triển khai ở Nhật Bản đã thể hiện cam kết của Mỹ đối với khu vực này và đồng minh, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác Mỹ-Nhật.
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Scott Swift tiết lộ, trong lễ duyệt binh trên biển ngày 18/10 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, đại diện tham dự của Hải quân Mỹ là Tư lệnh Hạm đội 3 Nora Tyson, chứ không phải Tư lệnh Hạm đội 7, và đây là dấu hiệu của sự chuyển đổi chiến lược quan trọng.
Tư lệnh Hải quân Mỹ Ray Mabus đã đến Nhật Bản và tham dự lễ đón tàu sân bay USS Ronald Reagan. Giới truyền thông Nhật Bản cảnh báo, tình hình Biển Đông đã ở trong trạng thái hết sức căng thẳng, dễ xảy ra xung đột.
Không đàm phán song phương
Ngày 2/10, Đài RFI dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario kêu gọi Liên hợp quốc (LHQ) và cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ các nỗ lực nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình cho tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Lời kêu gọi trên được ông Albert del Rosario đưa ra tại cuộc họp giữa Ngoại trưởng ASEAN với Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon bên lề phiên họp của Đại hội đồng LHQ.
Ngoại trưởng Philippines cũng tái nhắc lại lời kêu gọi của Manila về việc thực hiện đầy đủ và thực sự Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và sớm đạt được Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Trước đó, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã chế giễu yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời bác bỏ khả năng đàm phán song phương với Bắc Kinh. Bởi theo ông Benigno Aquino, Trung Quốc nói một đằng, làm một nẻo. Bắc Kinh luôn kêu gọi các nước Đông Nam Á tìm kiếm thỏa thuận để cùng phát triển tại Biển Đông, nhưng Trung Quốc lại tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết vùng biển này.
Ngày 30/9, Hãng CNN dẫn lời ông Roilo Golez, cựu Nghị sĩ, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Philippines khi coi những phát biểu của ông Tập Cận Bình về Biển Đông hôm 25/9 tại Nhà Trắng là "sự nói dối trơ trẽn" bởi khẳng định "Trung Quốc không quân sự hóa các đảo nhân tạo bồi lấp bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam"?
Ông Roilo Golez cũng bày tỏ mối quan ngại về cách tiếp cận ngoại giao của Mỹ đối với các yêu sách bành trướng phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Đồng thời khẳng định, đánh giá thấp các hoạt động bành trướng của Trung Quốc chỉ dẫn đến hậu quả Trường Sa ngày càng bị quân sự hóa khó tránh khỏi chiến tranh.
Ngày 1/10, Thiếu tướng Paul Kennedy, Chỉ huy Lữ đoàn khảo sát thủy quân lục chiến số 3 của Mỹ tuyên bố, Thủy quân lục chiến Mỹ và Philippines đã nối lại các cuộc tập trận Phiblex thường niên, đồng thời đảm bảo với Manila, Washington sẽ hành động cứng rắn nếu chủ quyền của Phillippines ở khu vực tranh chấp bị thách thức.
Tướng Paul Kennedy cũng bác bỏ những quan ngại cho rằng, Mỹ đang tìm cách tái thiết lập căn cứ ở Philippines. Được biết, Philippines và Mỹ đã mở màn cuộc diễn tập đổ bộ Phiblex lần thứ 16 tại thành phố Taguig thuộc thủ đô Manila. Theo kế hoạch, các cuộc diễn tập trong khuôn khổ Phiblex sẽ được tiến hành tại Ternate, Cavite, Crow Valley, Tarlac...
Theo giới truyền thông, nội bộ Philippines đang tranh luận việc mời quân đội Mỹ quay trở lại cảng Subic. Bởi một phần tư thế kỷ trước, Philippines đã yêu cầu Mỹ rời khỏi Subic cùng tuyên bố, không bao giờ cho phép quân đội Mỹ quay trở lại.
Được biết, Hiệp ước quốc phòng mở rộng Mỹ - Philippines dự kiến sẽ được Tòa án Tối cao Philippines đưa ra phán quyết vào cuối năm nay. Ngoài ra, Manila cũng yêu cầu Washington giúp đỡ hàng trăm triệu USD để tăng cường năng lực quân sự để chống lại sự bành trướng của Trung Quốctại Biển Đông.
Trong khi đó, lực lượng sinh viên cánh tả nước này đã biểu tình đòi chấm dứt Hiệp ước Quốc phòng mở rộng Mỹ - Philippines.
Theo thông báo của công ty Willard Marine Inc, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đồng ý để họ nhận hợp đồng sản xuất và bàn giao mẫu tàu tuần tra cho lực lượng Cảnh sát Biển Philippines. Và Manila sẽ nhận 4 tàu tuần tra mới trong tháng 11.
Giới truyền thông cho biết, Chính phủ Philippines vừa quyết định phân bổ 35 tỷ peso (745 triệu USD) cho chương trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang vào năm sau. Và khoản ngân sách này được dùng mua 12 máy bay chiến đấu, 2 tàu tuần tra có khả năng hoạt động tầm xa, 2 tàu chiến và các hệ thống radar giám sát tầm xa.
Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Fernando Manalo cho biết, khoản ngân sách quốc phòng của năm 2016 được đề xuất ở mức 158,8 tỷ peso, tăng 11,6% so với năm nay; và có ít nhất 30 dự án được đề xuất cho chương trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang Philippines trong giai đoạn 2014-2017 với tổng ngân sách dự kiến 83,9 tỉ peso.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét