Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đe dọa thương mại toàn cầu

Tham vọng chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông có khả năng tạo ra một cuộc đụng độ với Hải quân Mỹ, làm tắc nghẽn tuyến đường biển huyết mạch và đe dọa thương mại toàn cầu.


Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đe dọa thương mại toàn cầuCác hoạt động bồi lấp phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: AP

Trong cuộc họp tại Washington hồi tuần trước, Kurt Campbell, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và các vấn đề Thái Bình Dương, cho biết: “Biển Đông hiện nay là tuyến đường thủy quan trọng nhất đối với thương mại toàn cầu cả về lượng hàng hóa và giá trị. Tuy nhiên, khu vực này đang ngày càng trở nên bất ổn và nguy hiểm hơn, có thể tác động tới thương mại toàn cầu”.

Tuyên bố của ông Campbell được đưa ra khi Mỹ đang có kế hoạch đưa tàu áp sát khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo phi pháp Trung Quốc bồi lấp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Phía Mỹ khẳng định kế hoạch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc phản đối mạnh mẽ kế hoạch này và tuyên bố không cho phép quốc gia nào "xâm phạm lãnh hải".

Theo thống kê, kể từ cuối năm 2013, Trung Quốc đã nạo vét cát, bồi lấp 7 rạn san hô và đá ngầm trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Diện tích bồi lấp lên tới 1.173 héc ta. Trung Quốc còn xây dựng sân bay, các cơ sở quân sự trên các đảo phi pháp. Nhiều chuyên gia đánh giá, đây là động thái nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.

Ngoài vấn đề lãnh thổ, Biển Đông cũng đóng vai trò quan trọng đối với lợi ích của Bắc Kinh. Hơn 40% GDP của Trung Quốc tới từ các hoạt động thương mại nhưng 90% các hoạt động thương mại phụ thuộc vào đường biển, trong đó Biển Đông đóng vai trò quan trọng. Ngoài ra, vùng biển này có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt khoảng 100 triệu thùng, biến nó trở thành vịnh Ba Tư tiềm năng ở Đông Nam Á. Trong khi đó, Trung Quốc là nước nhập khẩu nhiên liệu số 1 thế giới, Financial Review đưa tin.

Bên cạnh đó, gần 30% giá trị thương mại toàn cầu trị giá 19 nghìn tỷ USD đi qua Biển Đông, vùng biển nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Khoáng sản, sản phẩm nông nghiệp hay các loại hàng hóa khác đều được vận chuyển qua tuyến đường này.

Chuyên gia Campbell nhận định, thương mại tự do là nền tảng của kinh tế quốc tế hiện đại. Chủ quyền trên Biển Đông không chỉ tác động tới các quốc gia trong khu vực mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới thương mại toàn cầu. Nó không chỉ là vấn đề của các nhà ngoại giao mà giới thương nhân, các nhà xuất nhập khẩu cũng cần phải lưu tâm.

Trong khi đó, việc Mỹ áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp trên Biển Đông có thể gây ra đụng độ giữa hải quân hai nước. Nó có thể leo thang thành cuộc chiến hoặc xung đột quy mô lớn hơn. Cả Washington và Bắc Kinh đều không muốn điều này xảy ra nhưng không thể kiểm soát các sự cố ngoài ý muốn.

“Điều khiến tôi lo sợ nhất là chúng ta không có cơ chế quản lý khủng hoảng nhằm đối phó với các tình huống hoặc tính toán sai lầm”, Campbell nói.

          

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons